Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Miền Trung:Lũ lên nhanh, nhiều nơi bị cô lập, sạt lở, giao thông bị chia cắt

Kinhtedothi - Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia vừa đưa ra thông tin mới nhất về tình hình lũ trên các sông ở Quảng Nam, Thanh Hóa đến Quảng Trị và Kon Tum.

 

Nước lũ tràn về tại khu vực UBND xã Phước Kim trong sáng nay. Clip: báo Quảng Nam

Theo đó, từ chiều 28/9, ở khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 20-50mm, có nơi trên 70mm.

Đất đá trên núi chảy tràn vào nhà dân ở Nam Giang. Ảnh: Đăng Nguyên/báo Quảng Nam

Từ ngày 28/9 đến đêm 29/9, ở khu vực Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-250mm, có nơi trên 300mm; khu vực đồng bằng, ven biển Bắc Bộ và Hoà Bình có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 70-150mm, có nơi trên 180mm. Đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét trượt lở đất ở vùng núi, ngập úng tại vùng thấp. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Lực lượng cứu hộ giải cứu người dân khỏi vùng nguy hiểm. Ảnh: Đăng Nguyên/báo Quảng Nam

Hiện nay, mực nước trên các sông ở Quảng Nam, thượng nguồn sông Thạch Hãn (Quảng Trị) và sông Đắk Bla (Kon Tum) đang lên nhanh. Mực nước trên các sông ở Hà Tĩnh, Quảng Bình có dao động; các sông ở Thanh Hóa và Nghệ An biến đổi chậm. Mực nước lúc 07 giờ ngày 28/9 trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa 7,55m, dưới báo động (BĐ)2 0,45m.

Du khách quốc tế ghi lại cảnh nước sông Hoài dâng lên đường Bạch Đằng. Ảnh: Quốc Tuấn/báo Quảng Nam.

Trong 6-12 giờ tới, lũ trên các sông ở Quảng Nam và Kon Tum tiếp tục lên. Đỉnh lũ trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa khả năng ở mức 8,5m, trên BĐ2 0,5m; đỉnh lũ tại hạ lưu sông Đắk Bla tại Kon Tum ở mức BĐ1-BĐ2. Trong 12-24 giờ tiếp theo, lũ trên sông Thu Bồn tiếp tục lên và ở mức BĐ1-BĐ2, trên sông Vu Gia và sông Đắk Bla xuống mức BĐ1.

Nhiều tuyến đường ở Nam Giang ngập nặng. Ảnh: Đăng Nguyên/báo Quảng Nam

Từ nay (28/9) đến ngày 30/9, trên các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Trị có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, biên độ lũ lên trên các sông từ 3-5m, hạ lưu từ 2-3m. Đỉnh lũ trên sông Ngàn Phố (Hà Tĩnh), các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị lên mức BĐ1-BĐ2; các sông nhỏ, thượng lưu các sông ở Thanh Hóa, thượng lưu sông Cả (Nghệ An) và sông Ngàn Sâu (Hà Tĩnh) lên mức BĐ1 và trên BĐ1; hạ lưu sông Mã, sông Cả ở dưới mức BĐ1.

Lũ trên sông Pô Kô đang lên nhanh. Ảnh: TH/báo Kon Tum

Kon Tum: Lũ trên các sông chính đang lên nhanh

Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Kon Tum cho biết, trong 12 giờ qua, trên thượng nguồn sông Đăk Bla, sông Pô Kô, sông Đăk Tờ Kan mực nước tăng nhanh và có lũ.

Cụ thể, mực nước đo được lúc 7 giờ ngày 28/9 như sau: Trên sông Pô Kô tại trạm thủy văn Đăk Mốt (xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô) đạt 586,60 mét, trên mức báo động cấp 3 là 0,10 mét; sông Đăk Tờ Kan tại trạm thủy văn Đăk Tô (thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô) đạt 578,90 mét, xấp xỉ mức báo động cấp 3; sông Đăk Bla tại trạm thủy văn Kon Plông (xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy) đạt 593,27 mét, xấp xỉ mức báo động cấp 2.

Mưa lớn sau bão Noru khiến nước sông Thu Bồn dâng cao, nước mấp mé ngập nhiều cây cầu. Ảnh: Zingnews

Trong 6 - 12 giờ tới, mực nước lũ trên thượng nguồn sông Đăk Bla, sông Pô Kô tại Đăk Mốt tăng dần, đạt đỉnh, sau đó giảm dần. Trong 12 - 24 giờ tiếp theo, lũ giảm dần và duy trì ở mức báo động 1 – báo động 2.

Nước lũ gây ngập lụt ở các vùng trũng thấp ven sông Pô Kô thuộc các huyện Đăk Glei, Ngọc Hồi, Đăk Tô và ven sông Đăk Tờ Kan tại các huyện Tu Mơ Rông, Đăk Tô với mức ngập sâu từ 0,5 – 2,0 mét; thời gian ngập lụt kéo dài từ 8 giờ đến 19 giờ ngày 28/9/2022.

Ngay sau khi cơn bão Noru (bão số 4) vừa quét qua, nước lũ đã dâng cao tại TP Hội An (Quảng Nam) khiến một số tuyến đường bị ngập. Đường Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo, Trần Quý Cáp... nước dâng nhanh, cao hơn nửa mét.Ảnh: Zingnews

Ngoài ra, cũng theo thông tin dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Kon Tum, trong ngày hôm nay (28/9), tại nhiều địa phương trong tỉnh như Kon Plông, Ia H’Drai, Sa Thầy, thành phố Kon Tum…nguy cơ cao xảy ra lũ quét ở các suối nhỏ và sạt lở đất ở những nơi đất dốc, ngập úng cục bộ ở khu vực trũng thấp.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt: Cấp 2. Cấp độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất: Cấp 1.

 

Các huyện miền núi Quảng Bình sẵn sàng di dời dân đến nơi an toàn

Chiều 28/9, tại các huyện miền núi Tuyên Hóa, Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình), lực chức năng đã lên phương án sẵn sàng di dời các hộ dân ở vùng có nguy cơ sạt lở, ngập lụt đến nơi an toàn. (Xem thêm)

Sáng 28/9, ông Võ Anh Tuấn- Chủ tịch UBND huyện Ia H’Drai thông tin, chính quyền địa phương đang triển khai tốt các biện pháp ứng phó với mưa bão, trong đó, tất cả các điểm xung yếu đều có lực lượng ứng trực 24/24 giờ.

Từ 4 giờ ngày 28/9 đến 6 giờ cũng ngày, trên địa bàn huyện Ia H’Drai có mưa vừa, liên tục; mực nước các sông, suối dâng cao 0,2 đến 0,3 m.

UBND huyện, Ban chỉ huy PCTT-TKCN & PTDS huyện đã chỉ đạo khẩn trương rà soát các công trình cầu cồng, các vị trí xung yếu trên địa bàn để chỉ đạo trực, chốt chặn, phân luồng giao thông.

Quốc lộ 14 qua tỉnh Kon Tum bị ngập, khiến giao thông hỗn loạn. Ảnh: Hóa Long/Vietnamnet.vn

Trong đó, lưu ý các vị trí: Ngầm tại Nông trường 1, Công ty Cổ phần ĐTPT Duy Tân (đoạn đường từ thôn 4 đi thôn 3, xã Ia Dom); cầu dân sinh trên đường vào nghĩa trang xã Ia Dom; cầu từ vườn chuối Duy Tân đi sang thôn 3, xã Ia Dom, cầu Trường Thành; cầu tràn Hoàng Anh; cầu treo bắc qua sông Sa Thầy từ thôn 1, xã Ia Tơi sang thôn 5, xã Ia Đal; cầu tràn từ thôn Chư Hem qua thôn 6; cầu dân sinh tại thôn Chư Hem, thôn 4; cầu tràn suối Trung Đoàn; các tuyến đường thủy đến địa bàn thôn 9, thôn Ia Dơr, xã Ia Tơi; cầu qua suối Ia Blok; khu vực làng chài thôn 7, xã Ia Tơi.

Sáng 28/9, các tuyến đường như Bạch Đằng, Nguyễn Thái Học (TP Hội An) ngập nước sâu khoảng một mét. Thời tiết vẫn còn mưa nhiều kèm gió lớn. Ảnh: Zingnews

Ban Chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS huyện, xã duy trì nghiêm túc chế độ trực ban 24/24 giờ. Tất cả các điểm xung yếu trên địa bàn đều phân công lực lượng ứng trực 24/24.

Các cơ quan, đơn vị liên quan đã chuẩn bị đảm bảo vật tư phòng chống thiên tai, gồm: 2 cano, 5 nhà bạt 16.5m2, 590 áo phao cứu sinh, phao tròn cứu sinh các loại, 2 máy bơm, 2 loa cầm tay.

Về nhân lực, đã lập kế hoạch huy động lực lượng để sẵn sàng ứng phó các tình huống thiên tai với khoảng 900 người.

Cầu tràn xã Đăk Pxi ngập nước và đã được cắm biển cảnh báo, ngăn không cho người dân qua lại. Ảnh: TH/báo Kon Tum

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS huyện Kon Rẫy, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 4 (Noru) nên tính đến 7 giờ 30 phút ngày 28/9, trên địa bàn huyện có mưa, có nơi mưa to, gió lớn, mực nước trên các sông, suối tăng dần, một số tuyến đường giao thông bị ngập úng, sạt lở.

Chủ động phòng, chống bão, các đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện Kon Rẫy đã huy động lực lượng hỗ trợ người dân chằng chống, gia cố lại nhà cửa. Kết quả đã thực hiện chằng chống, gia cố 232/237 căn nhà cần gia cố, còn 5 căn tại xã Đăk Tờ Re đang triển khai hỗ trợ chằng chống; tổ chức di dời 176 hộ/176 hộ với 582 khẩu đến nơi an toàn; rà soát 30 điểm có nguy cơ sạt lở, 19 điểm có nguy cơ ngập lụt, 3 trường học có nguy cơ mất an toàn, 9 vị trí cầu cống; tổ chức cắm 49 biển cảnh báo tại các vị trí xung yếu, các điểm có nguy cơ mất an toàn; huy động vật tư, phương tiện, lực lượng, nhu yếu phẩm thiết yếu để phục vụ công tác phòng chống, úng phó thiên tai.

Tại khu vực quanh chợ Tam Kỳ, Quảng Nam, hàng chục ngôi nhà bị ngập 60-80 cm. Theo các tiểu thương, nước lũ lên nhanh khiến họ không kịp trở tay dọn dẹp hàng hóa lên cao. Nhiều đồ dùng, hàng bị chìm trong nước. Ảnh: Zingnews.vn

Đến thời điểm 07giờ 30 phút ngày 28/9, trên địa bàn huyện đã xảy ra một số thiệt hại, cụ thể: Tại thị trấn Đăk Rve, cầu tràn từ thôn 2 đi thôn 5 nước dâng cao và tuyến đường thôn 5, thị trấn vào xã Đăk Pne cây ngã đỗ ra đường. Tại Xã Đăk Kôi, có 4 vị trí bị sạt lở đất đá ta luy dương tại một số điểm trên Tỉnh lộ 677 (tại thôn 2, 3, 9) và điểm trường Mầm non thôn 10.

Kon Plông, tỉnh Kon Tum: 171 hộ được di dời đến nơi an toàn

Theo báo cáo của UBND huyện Kon Plông, đến sáng 28/9, trên địa bàn huyện đã có 171 hộ, với 658 khẩu, tại các điểm dân cư có nguy cơ sạt lở, ngập lụt cao được di dời đến nơi an toàn.

Trong đó, xã Đăk Ring có 46 hộ với 195 khẩu; thôn Đăk Tăng, xã Đăk Tăng có 2 hộ với 6 khẩu; thôn Kon Brẫy, thị trấn Măng Đen có 2 hộ với 6 khẩu; thôn Xô Thák, xã Đăk Nên có 19 hộ với 55 khẩu; xã Ngọk Tem có 60 hộ với 217 khẩu; thôn Đăk Pông, xã Măng Bút có 17 hộ với 59 khẩu; xã Măng Cành có 5 hộ với 35 khẩu; xã Hiếu có 17 hộ với 74 khẩu; thôn Vi Ktàu, xã Pờ Ê có 4 hộ với 14 khẩu thôn.

Lực lượng chức năng chốt chặn, cắm biển cảnh báo khu vực nguy hiểm. Ảnh: Bùi Biền

Các hộ dân được di dời đến điểm trường học, nhà văn hoá thôn hoặc nhà dân kiên cố.

Ngoài ra, chính quyền xã Đăk Tăng cũng hỗ trợ 10 hộ gia đình gia cố mái nhà để phòng nguy cơ bay mái khi có gió bão.

Một điểm ngập úng trên Tỉnh lộ 672 đi xã Măng Ri. Ảnh: HL/báo Kon Tum

Cũng theo UBND huyện Kon Plông, hiện trên địa bàn có hơn 30 điểm ngập lụt, sạt lỡ đất, lũ quét và khu dân cư có khả năng sạt lở cao. Để ứng phó khẩn cấp với bão số 4, huyện đã thành lập các đoàn công tác kiểm tra công tác phòng, chống bão số 4 tại các xã, thị trấn; chỉ đạo các phòng, ban của huyện, UBND các xã, thị trấn tập trung nhân lực rà soát nhà cửa, chuồng trại của người dân có nguy cơ bị thiệt hại do mưa bão để có biện pháp ứng phó kịp thời.

Nước ngập sâu 60-80 cm khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Hàng hóa bên trong các ki-ốt của chợ Tam Kỳ, Quảng Nam cũng bị chìm vào nước. Ảnh: Zingnews.vn

Đồng thời huy động lực lượng nạo vét hệ thống thoát nước của các tuyến đường, kênh mương thủy lợi, đảm bảo thoát nước khi mưa lớn hoặc mưa kéo dài.

Chịu ảnh hưởng của bão số 4, đến nay, công trình thủy điện Đăk Pru-Đăk Nhoong nước về hồ khoảng 68 m3/s, lưu lượng chảy qua tổ máy 0m3/s do mất lưới không phát được điện, xả tràn khoảng 68 m3/s, dự báo nước về hồ vẫn tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Tại huyện Tu Mơ Rông: đường đi thôn Đăk Viên, Xã Tê Xăng cây ngã đổ chắn đường; cầu tràn Quốc lộ 40B bị ngập, nước tràn qua cầu làm giao thông bị ách tắc, không đi lại được; xã Tê Xăng, Măng Ri bị cô lập tạm thời; xã Đăk Tờ Kan đường vào thôn Tê Xô Trong bị nước ngập sâu nên tạm thời bị cô lập; cầu tràn Năng Lớn 3, xã Đăk Sao bị ngập, nước tràn qua cầu làm giao thông bị ách tắc, không đi lại được; xã Đăk Sao và Đăk Na tạm thời bị cô lập; đường đi thôn Lê Văng (xã Đăk Na) bị sạt lở, tạm thời bị cô lập; xã Đăk Hà sạt lở một số điểm thuộc tuyến giao thông thôn Ngọc Leang, thôn Tu Mơ Rông, cầu treo thôn Kon Tun (cũ) bị sạt lở mố chân cầu; xã Ngọc Lây một số điểm giao thông cây ngã chắn đường. Ảnh: Báo Kon Tum

Mưa bão đã khiến cho nhiều tuyến đường, điểm trường, số lượng lớn khối lượng đất đá sạt lở. Đặc biệt, tuyến đường Hồ Chí Minh km1442+200, đoạn qua thôn Đăk Poi, thị trấn Đăk Glei bị sạt lở, nguy cơ tắc đường. Ở khu vực xã Đăk Long, cầu tràn Đăk Ác qua Đăk Ôn nước ngập sâu, hiện nay đã cắm biển báo cấm người qua lại.

Kiểm tra các điểm dân cư có nguy cơ sạt lở cao ở xã Măng Ri, tỉnh Kon Tum. Ảnh: HL/báo Kon Tum

Huyện đã xác định cụ thể 20 khu vực thuộc 8 xã, thị trấn có nguy cơ ngập lụt, 30 khu vực thuộc 11 xã, thị trấn có nguy cơ bị lũ quét, sạt lở đất. Huyện đã triển khai di dời 290 hộ/958 nhân khẩu đến các nơi an toàn. Đối với 17 hộ ở xã Đăk Long đi rẫy, đã kịp thời đưa về cư trú tại Đồn Biên phòng 671.

Cầu tràn Đăk Ác (Đăk Long)  bị ngập. Ảnh: HN/baokontum

Trong sáng 28/9, trên địa bàn huyện Đăk Glei mưa to, rất to, cường độ lớn kèm theo gió giật mạnh, mực nước sông, suối dâng lên rất nhanh.

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn và tình hình thực tế diễn ra trên địa bàn huyện, nếu tiếp tục có mưa to và kéo dài, nguy cơ xảy ra lũ quét, nguy cơ sạt lở đất trên địa bàn các xã Ngọc Linh, Mường Hoong, Xốp, Đăk Plô; một số  khu vực có nguy cơ bị ngập lụt, chia cắt như: cầu tràn thôn Đăk Ác, xã Đăk Long; cầu tràn Pêng Sel Pêng, xã Đăk Pék và một số vị trí tuyến đường bị sạt lỡ như ĐH83, tuyến đường 673, tuyến đường Hồ Chí Minh (đèo Lò Xo)...

Quảng Trị: Cầu sắt bị lũ cuốn trôi, hơn 370 hộ dân bị cô lập, nhiều nơi ở miền núi bị chia cắt do lũ lên nhanh

Thông tin trên báo Quảng Trị, sáng nay 28/9, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ô (huyện Vĩnh Linh) Trần Văn Tặng cho biết, do ảnh hưởng của bão Noru, từ hôm qua trên địa bàn xã có mưa lớn, nước suối dâng cao và chảy xiết đã cuốn trôi chiếc cầu tạm bằng sắt nối thôn Thúc và thôn Cây Tăm vào tối cùng ngày.

Chính quyền địa phương cắm biển báo cấm người và phương tiện qua lại tại khu vực ngầm tràn Ba Lòng (xã Ba Lòng) - Ảnh: MXH

Chiếc cầu sắt bị cuốn trôi khiến hơn 370 hộ dân với gần 1.400 nhân khẩu thuộc 6 thôn: Thúc, Xóm Mới, Lền, Xà Lời, Xà Nín, Mít bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài.

Hiện nay, trên địa bàn xã Vĩnh Ô vẫn xảy ra mưa lớn, gió thổi mạnh, trong khi điện bị cắt đã ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của người dân.

Lãnh đạo xã Vĩnh Ô đã báo cáo tình hình với cấp trên để tìm giải pháp khắc phục trong thời gian sớm nhất.

Chiếc cầu tạm bằng sắt nối thôn Thúc và thôn Cây Tăm bị cuốn trôi vào tối 27/9 - Ảnh: T.T/báo Quảng Trị

Sáng nay 28/9, do ảnh hưởng của bão số 4 (Noru) trên địa bàn các huyện Hướng Hóa, Đakrông có mưa lớn làm nước sông dâng cao gây chia cắt một số khu vực.

Theo báo cáo nhanh của UBND huyện Đakrông, mưa lớn làm nước sông dâng cao từ 0,5 – 1,5 m gây chia cắt một số tuyến đường ở các ngầm tràn: Tà Rụt – A Ngo; A Rồng Trên, A Đeng (xã A Ngo); Ly Tôn (xã Tà Long); La Tó (xã Húc Nghì); cầu Chân Rò (xã Đakrông); tràn Ba Lòng.

 

Phòng chống dịch bệnh mùa bão lụt

Bộ Y tế đã xây dựng các Infographic khuyến cáo về phòng, chống dịch bệnh mùa bão, lụt.

Xem thêm

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đakrông Trần Đình Bắc cho biết, đến thời điểm này, toàn huyện đã tổ chức sơ tán 555 hộ/2.391 khẩu của 7 xã thuộc các khu vực có nguy cơ rủi ro cao. Đối với các ngầm tràn trên địa bàn, huyện đã chỉ đạo lập chốt trực; cắm biển báo nguy hiểm cảnh báo cho bà con nhân dân.

Tại huyện Hướng Hóa, khu vực cầu Nguồn Rào, đập tràn Khe Lệt (xã Hướng Sơn) và một số ngầm tràn thuộc xã Ba Tầng bị ngập do mưa lớn đã gây chia cắt khu vực trung tâm xã và các thôn trên địa bàn.

Thông tin từ Công ty Cổ phần Đầu tư Điện lực 3 Chi nhánh Quảng Trị cho biết, đơn vị vừa hoàn thành việc mở cửa van xả nước đập hồ chứa Nhà máy thủy điện Đakrông 1.

Theo thông báo của Công ty Cổ phần Đầu tư Điện lực 3 Chi nhánh Quảng Trị, để đảm bảo an toàn và chống ngập cục bộ phía thượng lưu, Nhà máy Thủy điện Đakrông 1 bắt đầu tiến hành điều tiết nước về hạ du từ 7 giờ 45 phút sáng nay 28/9.

Cụ thể, thông số hồ chứa trước khi mở cửa van có mực nước thượng lưu là 183 m; lưu lượng vào hồ 316,7 m3/s. Lưu lượng dự kiến xả qua cửa van khoảng 51,4 m3/s; khả năng gia tăng mực nước hồ tầm 10 cm/10 phút.

Công nhân Công ty Cổ phần Đầu tư Điện lực 3 Chi nhánh Quảng Trị thông báo việc mở cửa van xả nước hồ chứa - Ảnh: CTV

Trưởng Chi nhánh Công ty Cổ phần Đầu tư Điện lực 3 tại Quảng Trị Võ Đình Huy cho biết, việc điều tiết nước về hạ du được triển khai nhằm tạo cân bằng giữa lưu lượng nước vào hồ và lưu lượng xả qua cửa van. Trước khi tiến hành xả nước đập hồ chứa, đơn vị đã có văn bản, cắt cử nhân viên đến các địa bàn xung quanh để thông báo cho bà con nhân dân biết. Hiện công tác mở cửa van xả đã hoàn thành và nhà máy hoạt động bình thường. 

Cảnh báo lũ trên sông, lũ quét khu vực miền núi Hà Tĩnh

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, hiện nay, mực nước trên các sông ở khu vực Hà Tĩnh đang ở xu thế lên. Từ nay (28/9) đến ngày 30/9, trên các sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố có khả năng xuất hiện một đợt lũ.

Nước sông Ngàn Phố (Phố Châu, Hương Sơn) đang lên.. Ảnh: Báo Hà Tĩnh

Trong đợt lũ này, biên độ lũ lên trên các sông từ 5 - 7m, hạ lưu từ 1 - 2m. Đỉnh lũ trên sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố có khả năng ở mức báo động 1 và trên báo động 1. Sông La ở dưới mức báo động 1.

Về diễn biến mưa, trong 6 giờ qua (từ 1h ngày 28/9 - 7h ngày 28/9), khu vực Hà Tĩnh đã có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to. Lượng mưa tại các trạm tự động: La Khê: 86,6mm; Hương Vĩnh: 84,6mm; Hương Thọ: 65,8mm; Đức Bồng: 54,4mm...

 

Cảnh báo lũ quét, ngập úng và sạt lở đất khu vực Bắc Trung Bộ

Chiều 28/9, Đài khí tượng thủy văn Bắc Trung Bộ phát văn bản thông báo về nguy cơ ngập úng, sạt lở, lũ quét có thể diễn ra khu vực Bắc Trung Bộ trước diễn biến lượng mưa lớn.

Xem thêm

Dự báo trong 6 giờ tới, khu vực Hà Tĩnh có mưa vừa, có nơi mưa to. Lượng mưa tích lũy phổ biến: 20 - 50mm, có nơi trên 50mm.

Cảnh báo, trong 6 giờ tới, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất trên sườn dốc và ngập úng cục bộ tại các khu dân cư, vùng trũng thấp.

Gia Lai: Thủy điện xả lũ, di dời khẩn cấp 376 hộ dân ở vị trí xung yếu

Theo báo cáo sơ bộ của Ban Chỉ huy Phòng-chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Gia Lai, do ảnh hưởng của cơ bão số 4, trên địa bàn tỉnh có mưa nhỏ, mưa vừa với lượng mưa đo được từ 15,8mm đến 141mm; khu vực các huyện, thị xã phía Đông và Đông Nam tỉnh có gió cấp 7-8, giật cấp 9; các huyện phía Tây và Trung tâm tỉnh gió cấp 6-7, giật cấp 8. Mực nước tại các trạm thủy văn trên lưu vực sông Ba và sông Ayun đều dưới báo động 1.

Người dân làng Tbưng (xã Đak Pling, huyện Kông Chro) được di dời về ở nhà rông của làng an toàn. Ảnh: Nguyễn Diệp/baogialai

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 19 hồ thủy điện. Đến sáng 28/9, các hồ thủy điện: Ka Nak đang xả 232m3/s, An Khê xả 298 m3/s, Đak Srông 3B nước qua tràn 498 m3/s, Đak Srông 3A khoảng 495 m3/s, Sê San 3A xả 230n3/s, Sê San 4 zả 772m3/s, Ia Grai 3 xả 160 m3/s. Nhìn chung, lũ nhỏ, dưới báo động 1.

Các hồ chứa lớn và vừa do Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thuỷ lợi Gia Lai quản lý (13 hồ chứa) và các hồ chứa khác (105 hồ chứa) do địa phương, doanh nghiệp cà phê quản lý tình hình nước lũ ở mức bình thường. 

Để chủ động ứng phó với tình hình mưa bão, các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh tổ chức trực ban 24/24 giờ; tổ chức thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh. 

Cụ thể, toàn tỉnh đã hoàn thành việc di dời của 376 hộ dân tại các vị trí có nguy cơ cao ngập lụt, lũ quét đến nơi an toàn (huyện Kông Chro 40 hộ; Kbang 108 hộ; Ia Pa 76 hộ; Mang Yang 152 hộ). 

 

Quảng Ngãi: Hai vợ chồng thoát chết hy hữu trong bão 

Mảng tường của nhà kế bên bị gió bão làm đổ sập, rơi thẳng vào nhà vợ chồng ông Kiều Hà, đè nghiến mọi thứ bên dưới. (Xem thêm)

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng của tỉnh và địa phương đang chuẩn bị kế hoạch sẵn sàng di dời 8.500 người tại các huyện phía Đông Nam của tỉnh (huyện Phú Thiện 500 người, huyện Ia Pa 8.000 người) nếu bị nước lũ cô lập.

Tại khu vực phía Bắc của tỉnh Gia Lai, lượng mưa phổ biến từ 150-250 mm, có nơi trên 350mm; khu vực phía Nam 80-150 mm, có nơi trên 250 mm. Từ ngày 27 đến 30- 9, trên sông Ba có khả năng xuất hiện một đợt lũ, đỉnh lũ ở mức báo động 2 đến báo động 3. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất, sụt lún đất trên sườn dốc và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp ven sông ở các khu dân cư dọc theo sông Ba. Các xã, phường: Ia Broăi, Ia Trook, Ia Tul, Kim Tân, Chư Mố, Chư Răng, Pơ Tó, Ia Ma Rơn (huyện Ia Pa); Ia Sao, Đoàn Kết, Hòa Bình, Sông Bờ (thị xã Ayun Pa); Chư Gu, Chư Đrăng (huyện Krông Pa);… có khả năng xảy ra ngập lụt.

Cầu tràn Đăk Psi đoạn Km46+915 TL672 nước tràn qua mặt cầu. Ảnh: TH/báo Kon Tum

Tại huyện Ia Pa, nước tại các ngầm tràn đi sang làng Plei Du (xã Chư Răng) và ngầm tràn đi sang làng Mơ Năng 2 (xã Kim Tân) bị ngập từ 0,2-0,3m, UBND 2 xã đã phân công lực lượng trực để đảm bảo an toàn. Hiện tại, nước đã rút và người dân đã đi lại bình thương. Riêng tại huyện Chư Sê, có 1 số nhà dân bị tốc mái hiên và một số diện tích lúa bị đổ rạp. Chính quyền địa phương đang thống kê thiệt hại. 

 tại huyện Sa Thầy, các lực lượng chức năng hỗ trợ thực phẩm cho các gia đình bị cô lập do bão. Ảnh: VT

Theo nhận định của Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực Tây Nguyên, do ảnh hưởng của bão số 4 khu vực Tây Nguyên sẽ có một đợt mưa to đến rất to kéo dài từ ngày 27 đến 29/9, thời gian mưa tập trung từ đêm 27 ngày 28 đến hết 29/9; khu vực mưa rất to tập trung tại các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, một phần phía Đông, Đông Bắc tỉnh Đắk Lắk. 

Nghệ An: Vận hành điều tiết các hồ chứa nước thủy điện từ trưa 28/9

Sáng 28/9, Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An vừa có thông báo hoả tốc gửi UBND các huyện Quế Phong, Quỳ Châu, Sở, ban ngành, về việc vận hành điều tiết hồ chứa nước thuỷ điện trên địa bàn.

Nghệ An vận hành điều tiết các hồ chứa nước thủy điện từ trưa 28/9. Ảnh: Hồ Văn

Cụ thể, do ảnh hưởng bão số 4 (bão Noru), lưu lượng nước về các hồ đang có xu hướng tăng và dự kiến vượt so với cao trình bình thường.

Để đảm bảo công tác vận hành điều tiết nước hồ chứa được an toàn theo đúng quy trình, Công ty CP Thuỷ điện Sông Quang (xã Châu Thôn, huyện Quế phong), dự kiến vận hành điều tiết hồ chứa từ 11 giờ ngày 28/9. Lưu lượng xả dự kiến từ 30m3/s - 150m3/s (bao gồm lưu lượng xả qua cửa van, tràn và phát điện qua các tổ máy) và có thể thay đổi tuỳ theo lưu lượng nước vào hồ.

Mưa lớn làm ngập sâu, chia cắt nhiều khu vực miền núi Quảng Bình

Hoàn lưu bão số 4 đã gây mưa lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Mưa lớn từ tối 27/9  đến sáng nay khiến nước trên các sông dâng cao. Đặc biệt, lũ về trên thượng nguồn sông Gianh gây ngập nhiều tràn, đường khiến các bản làng khu vực các huyện miền núi huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa bị chia cắt.

Nước lũ đổ về làm ngập sâu, chia cắt một số khu vực miền núi Quảng Bình. Ảnh: Bùi Biền

Ghi nhận tại ngầm K-Ai, K-Định (xã Dân Hoá, huyện Minh Hóa) nước ngập khoảng 0,7-1,2m, chia cắt cục bộ bản Tà Rà, một phần bản K-Ai. 

Lũ về trên thượng nguồn sông Gianh gây ngập nhiều tràn. Ảnh: Bùi Biền

Tại khu vực xã Trọng Hoá, huyện Minh Hoá, nhiều ngầm trên các tuyến đường liên xã như ngầm Co Py, Hà Nôông, Cát Định, Tô Cổ…nước lũ dâng cao khoảng gần 1m và chảy xiết khiến các phương tiện xe máy, ô tô không qua lại được. Ngoài ra, khu vực đường vào bản Lòm của xã này cũng đã có tình trạng sạt lở đất đá.

Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, độ ẩm đất (lượng nước tích lũy trong đất) tính đến thời điểm 13 giờ ngày 28 tháng 9 năm 2022:
Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và Kon Tum đã bão hòa hoặc đạt trạng thái gần bão hòa (trên 85%).

Diễn biến và dự báo mưa

Trong 6 giờ qua (từ 7giờ ngày 28/9 đến 13 giờ ngày 28/9), ở khu vực thuộc các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và Kon Tum đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to như: Thanh Hóa 73,2mm (Thanh Hóa); Hương Khê 117,0mm (Hà Tĩnh); Thượng Hóa 75,2mm (Quảng Bình); Hướng Linh 59,6mm (Quảng Trị); Zuoich 57,0mm (Quảng Nam)….

Dự báo trong 6 giờ tới, một số khu vực thuộc các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và Kon Tum tiếp tục có mưa với lượng mưa tích lũy phổ biến các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình từ 40-70mm, cục bộ có nơi trên 120mm; các tỉnh khác từ 10 20mm, có nơi trên 50mm.

Trung tâm cảnh báo, nguy cơ cao, rất cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.

Hà Tĩnh: Xuất hiện nhiều điểm sạt lở đất do mưa lớn

Ảnh hưởng hoàn lưu bão số 4, đêm qua và sáng nay (28/9), khu vực tỉnh Hà Tĩnh có mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Để giảm thiểu thiệt hại, các cơ quan, địa phương, đơn vị và Nhân dân đang tập trung nhiều biện pháp ứng phó với mưa lũ.

Vườn của gia đình ông Lê Công Quang ở xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên bị sạt lở nghiêm trọng phải  gia cố, xử lý bằng cọc tre, rọ đá. Ảnh: Văn Chương

Mưa lớn, kèm theo gió giật mạnh đã gây nên tình trạng sạt lở đất, đê kè và chia cắt, ngập cục bộ tại một số địa phương. Riêng tại huyện Cẩm Xuyên, tuyến đường Quốc phòng đoạn qua xã Cẩm Lĩnh có 10 điểm bị sạt lở, chiều dài khoảng 1 km.

Ngoài ra, dọc bờ sông Ngàn Mọ thuộc địa bàn các xã Cẩm Thành, Cẩm Duệ nhiều vị trí bị sạt lở khá nghiêm trọng, ăn sâu vào các tuyến đường dân sinh, ảnh hưởng trực tiếp đến đất vườn, nhà cửa của nhiều hộ dân sống ven sông.

Tin thời tiết nguy hiểm trên biển

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia thông tin, Hiện nay (28/9), ở vịnh Bắc Bộ, khu vực giữa và Nam Biển Đông và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông.

Trung tâm dự báotừ chiều 28/9 đến ngày 29/9, ở vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang, vịnh Thái Lan, khu vực Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) có mưa rào và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7-8.

Trong chiều và đêm 28/9, ở khu vực vịnh Bắc Bộ có gió đông bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8; ở vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau và khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) và vịnh Thái Lan có gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 7-8; sóng biển cao từ 3,0-5,0m; biển động mạnh. Từ ngày 29/9, gió trên các vùng biển hoạt động yếu dần. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh: cấp 2.

Nước dâng cao, chảy xiết gây cô lập thôn Đông Bình, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Công Huy

Huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum: Di dời 50 hộ/177 khẩu có nguy cơ bị ngập lụt 

Để tiếp tục đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, UBND huyện Sa Thầy đã cử lực lượng dân quân chốt chặn tại các lòng hồ thuỷ điện Ya Ly và Plei Krông không cho người dân qua lại đánh bắt cá trên lòng hồ thủy điện; vận động 7 hộ dân nuôi cá lòng hồ chằng chống bè cá và di dời lên nơi ở an toàn, đưa 63 thuyền và ngư cụ lên bờ cột buộc, neo vững chắc.

Huy động máy đào để khắc phục sự cố tại huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Ảnh: VT

UBND huyện đã huy động 1 máy đào, 4 máy cày, 25 rọ đá, 100 mét bạt sẵn sàng khắc phục các sự cố để đảm bảo cho các phương tiện lưu thông an toàn. Các xã, thị trấn đã huy động hơn 200 người là lực lượng xung kích, dân quân, công an, đoàn thanh niên tham gia phát dọn các cây to có nguy cơ gãy đổ vào nhà dân và giúp đỡ nhân dân chằng chống lại 95 nhà không kiên cố, tổ chức di dời 50 hộ/177 khẩu có nguy cơ bị ngập lụt đến nơi an toàn.

 

Quảng Nam: Gần 2.300 người dân bị cô lập

Bão tan nhưng mưa lớn những ngày qua đã làm mực nước sông Thu Bồn dâng cao khiến gần 2.300 người dân ở Quảng Nam bị cô lập. (Xem thêm)

Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy Phan Chí Thiện cho biết, hiện tại, UBND các xã, thị trấn đang huy động lực lượng cưa, cắt cây bị đổ ngã; khơi thông cống, rãnh và quét dọn đất, đá, sỏi… tại các tuyến đường để đảm bảo giao thông, an toàn cho công trình; tiếp tục rà soát, thống kê, đánh giá thiệt hại và huy động lực lượng giúp đỡ nhân dân tiêu úng diện tích hoa màu bị ngập úng; hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho những hộ dân gặp khó khăn trong việc đi lại hoặc bị cô lập do ảnh hưởng bởi cơn bão số 4.

UBND huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tiếp tục rà soát các hộ dân có nguy cơ bị ngập, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất khẩn trương di dời người dân đến nơi an toàn (nếu có), nhất là các hộ dân sống dưới hạ lưu đập Đăk Sia 1, xã Rờ Kơi, các hộ dân sống dọc suối Đăk Sia thuộc xã Sa Nhơn, khu dân cư làng Rẽ, xã Mô Rai...

Tu Mơ Rông: Mưa lớn, nguy cơ đứt đường vào các xã phía Đông

Sáng 28/9, báo cáo của UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, do ảnh hưởng của bão số 4, từ ngày 27/9 đến sáng 28/9, trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông có mưa to, nhiều nơi có gió tương đối mạnh.

Khẩn trương khắc phục sự cố để giao thông được đảm bảo. Ảnh: VT/báo Kon Tum

 Đến sáng 28/9, qua kiểm tra, trên các tuyến đường ở các xã phía Đông huyện xuất hiện một số điểm có nguy cơ đứt đường. Cụ thể, trên tuyến đường Măng Bút Ngọc Hoàng có 1 điểm;  cầu bản trên Quốc lộ 40B đoạn từ ngã ba xã Văn Xuôi đi 3 xã Tê Xăng, Măng Ri, Ngọk Lây bị xói mòn 2 bên chân cầu, có nguy cơ bị lũ cuốn trôi cầu.

UBND huyện đã đề nghị Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo đơn vị quản lý đường bộ phối hợp với địa phương xử kịp thời nhằm đảm bảo giao thông và hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro về người và tài sản của người dân khi tham gia giao thông.

Cầu Đắk Long trên tuyến đường huyết mạch Hồ Chí Minh bị ngập sâu sau trận mưa lớn khiến giao thông trên tuyến chia cắt hoàn toàn, các phương tiện buộc phải dừng hai bên đầu cầu. Ảnh: K. An/Zingnews

Trên các tuyến đường do huyện, xã quản lý, tại các km 4, 5- đường đi xã Văn Xuôi và xã Ngọk Yêu, nước mưa xói mòn một bên chân cống thoát nước (mất 1/3 mặt đường) có nguy cơ bị đứt đường: UBND huyện đã chỉ đạo xã Văn Xuôi khơi thông dòng chảy, ngăn nước tràn qua mặt đường để hạn chế xói mòn mặt đường.

Đường đi thôn Tu Thó, xã Tê Xăng có nguy cơ cao bị đứt đường do lũ. UBND xã Tê Xăng đã phân công lực lượng trực 24/24 giờ, cắm cọc và biển cảnh báo cho người dân qua lại.

Cũng theo UBND huyện Tu Mơ Rông, Trạm Y tế xã Đăk Na có khả năng cao bị cô lập cục bộ vì nằm giữa hai ngầm tràn Đăk Ong và Măng Tá, hiện ngầm Măng Tá nước đã đầy cống tràn nước lên mặt đường.

Kon Tum: Nỗ lực khắc phục các tuyến đường giao thông bị sạt lở

Theo thống kê của Sở GTVT tỉnh Kon Tum, đến đầu giờ chiều 28/9, mưa đã gây sạt lở, ngập nhiều tuyến đường gây ách tắc giao thông. Cụ thể, trên Quốc lộ 40B sạt lở taluy dương ở 6 vị trí với khối lượng khoảng19.000m3; Quốc lộ 24 cây ngã đổ km71+900 và sạt taluy dương tại km157+550 khoảng 1000m3. Trên Tỉnh lộ 672, sạt lở ta luy dương tắc đường 3 vị trí (km45+450; km45+900; m46+070) khối lượng ước tính 918m3.

Tỉnh 673 sạt lở ta luy dương tắc đường tại 2 vị trí (Km5+600; Km6+500), khối lượng ước tính 705m3; Tỉnh 677 sạt lở ta luy dương tắc đường  tại km23+550, khối lượng ước tính 350m3; Đường Đăk Kôi - Đăk Pxi sạt lở ta luy dương tắc đường tại km0+300 với khối lượng ước tính 225m3, nước dâng ngập sâu nguy hiểm 2 vị trí ở Km20+450 (dài 50m, cao 0,3m) và km27+150 (dài 300m; cao 1,2m)… Ước tổng thiệt hại khoảng hơn 1,1 tỷ đồng.

Sở GTVT đã chỉ đạo các đơn vị quản lý đường đặt biển cảnh báo, dựng parie, cắt cử người trực gác 24/24 giờ ngăn không cho người và các phương tiện qua lại tại các vị trí ngập sâu nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.

Đơn vị quản lý nỗ lực khắc phục sạt lở. Ảnh: PN

Ông Phan Mười- Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết:Trong 2 ngày nay, chúng tôi thường xuyên đi các tuyến đường và chỉ đạo các đơn vị quản lý đường cắt cử người thường xuyên tuần tra, trực 24/24 giờ tại các tuyến đường, vị trí xung yếu và điều động, huy động máy móc, nhân lực chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả của bão số 4 gây ra; tiến hành chặt phát cây đổ trên đường và huy động máy móc khẩn trương hốt, gạt đất đá các điểm sạt lở để đảm bảo giao thông. Đến nay, một số điểm ngập sâu nước đang rút giao thông đã đi lại bình thường. Một số tuyến tỉnh lộ, quốc lộ (do Sở quản lý) đã cơ bản thông tuyến tạm thời, đảm bảo giao thông.   

Gần 20ha cà phê và các loại cây công nghiệp của tỉnh Kon Tum bị ngập úng. Ảnh: TN/báo Kon Tum

Không chỉ vậy, trong sáng 28/9, trên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh ta xuất hiện nhiều điểm sạt lở ở nhiều điểm như tại km1422+500 bị sạt lở taluy dương chiều dài 20m, ước khoảng 320m3, km1442+100 sạt lở khối lượng 240m3 và sạt lở ta luy dương nhiều vị trí từ km1424-km1434 với tổng khối lượng ước khoảng hơn 3.300 m3. Ngoài ra, tại Km1487+300 (cầu Đăk Trùi 1) bị ngập nước cao 0,5m dài 150m và km1466+400 (cầu Nước Long) nước sâu 1m dài 50m khiến giao thông ách tắc hoàn toàn.

Tại các vị trí nước ngập, đơn vị quản lý đường đã cử người canh gác, cắm biển báo và cùng lực lượng Cảnh sát giao thông tỉnh túc trực tại hai đầu cầu ngăn người và phương tiện không cho qua lại đợi nước rút mới cho các phương tiện đi qua.

Ông Nguyễn Quảng- Giám đốc Công ty Cổ phẩn Quản lý đường bộ Kon Tum cho biết: Tại các vị trí sạt lở, ngay lập tức chúng tôi đã huy động máy móc trực tại các điểm trên dọc tuyến đường Hồ Chí Minh khẩn trương hốt dọn, ban ủi đất đá tràn mặt đường và đến đầu giờ chiều đã thông xe. Còn tại các điểm ngập nước thì đến nay nước đã rút và thông xe đi lại bình thường.

“Hiện chúng tôi vẫn cắt cử lực lượng bám sát, trực 24/24 giờ và tập kết sẵn máy móc trên các điểm xung yếu có nguy cơ sạt lở để sẵn sàng ứng cứu bảo đảm giao thông khi xảy ra sạt lở trên tuyến đường”- ông Nguyễn Quảng cho hay.

Đã thông xe đường Hồ Chí Minh. Ảnh: PN/báo Kon Tum

Đến 16 giờ chiều 28/9, hầu như tất cả tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh đã thông xe tạm. Hiện chỉ còn tuyến đường Ngọc Hoàng- Măng Bút- Tu Mơ Rông-Ngọc Linh là vẫn còn ách tắc. Đơn vị quản lý đường đang triển khai công tác khắc phục để thông xe trong thời gian sớm nhất.

Quảng Nam: Nhiều nơi bị ngập sâu, chia cắt toàn bộ do xả lũ thượng nguồn và mưa lớn

Tuyến ĐT611 từ xã Quế Lộc đi trung tâm huyện Nông Sơn ngập sâu trong nước. Ảnh: Minh Thông/báo Quảng Nam

Bão kèm mưa to cũng gây sạt lở đất tại Gành Dinh (xã Quế Lâm, huyện Nông Sơn) với khối lượng 10mđất đá, sạt lở 2 vị trí tại tuyến đường đầu cầu treo đi Tứ Nhũ (Quế Lâm) với tổng khối lượng đất đá 80m3; có 3 trụ điện tại xã Ninh Phước ngã gãy và 1 trụ điện trung thế tại xã Quế Lâm có nguy cơ ngã.

 Hiện mực nước sông Trường, huyện Bắc Trà My cao 2m, sông Nước Oa cao 1m gây chia cắt giao thông cục bộ. Ảnh: CTV

Ông Trần Thiện Thắng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nông Sơn cho biết, mực nước sông Thu Bồn đang lên nhanh do xả lũ từ thượng nguồn và mưa lớn khiến nhiều vùng bị ngập sâu, chia cắt toàn bộ. Nhiều tuyến đường qua cầu Khe Sé, cầu Bến Đình, cầu Nà Manh, cầu Bà Quỳnh... cũng bị ngập khiến giao thông tê liệt.

Điểm sạt lở lớn tại thôn 2 của xã Trà Cang, huyện Nam Trà My. Ảnh: Minh Trang/báo Quảng Nam

Huyện Nam Trà My thống kê đến 10 giờ ngày 28/9 có 60 nhà bị tốc mái và 1 nhà bị sạt lở phải di dời, ngoài ra có 3 điểm trường và 2 nhà văn hóa thôn cũng bị tốc mái. Đường giao thông đi các xã, thôn lưu thông bình thường, chỉ có vài điểm sạt lở nhỏ, riêng có một điểm sạt lở đất đá tại thôn 2 (xã Trà Cang) phương tiện không qua lại được.

Huyện Hiệp Đức bị thiệt hại khá nặng nề về cơ sở hạ tầng. Cụ thể, đường dẫn và cống từ cầu Khe Gió đi khu dân cư Nà Nổ bị sạt lở nghiêm trọng, khoét sâu vào chân công trình khoảng 15m. Sạt lở đất tại nhiều khu dân cư, tuyến ĐH2 (xã Phước Gia), ĐH5 (xã Hiệp Hòa), quốc lộ 14E (đoạn xã Sông Trà)... Có 2 trụ điện và 1 trụ cáp viễn thông bị ngã đổ; một số trường học bị tốc mái, sập cổng trường.

Đường vào khu dân cư Nà Nổ (xã Phước Gia) bị sạt lở nặng. Ảnh: Báo Quảng Nam
Một điểm sạt lở trên đường Trường Sơn Đông qua địa bàn Hiệp Đức. Ảnh: Báo Quảng Nam

Sau bão số 4, UBND huyện Hiệp Đức đã thành lập 3 tổ công tác trực tiếp kiểm tra tình hình thiệt hại và chỉ đạo các địa phương khắc phục.

Ông Trần Văn Ta - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tây Giang cho biết, qua thống kê sơ bộ, địa phương có 12 ngôi nhà trên tuyến đường số 1, thôn Agrồng (xã A Tiêng) bị ngập nước từ 0,5m - 1,8m; đường Hồ Chí Minh đoạn qua thôn Cr’toonh (xã A Vương) bị ngập sâu 1m, giao thông vào huyện tạm thời bị chia cắt.

Nhà dân tại trung tâm huyện Tây Giang bị ngập, tài sản hư hỏng nặng. Ảnh: Đăng Nguyên/Báo Quảng Nam

Ngoài ra, nhiều điểm sạt lở trên các tuyến đường; hoa màu bị hư hại, ngã đổ. Chính quyền địa phương đang huy động lực lượng giúp dân sau bão.

Tin lũ trên các sông ở Quảng Nam, cảnh báo lũ trên các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Trị và Kon Tum

Hiện nay, mực nước trên các sông ở Quảng Nam đang lên; các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị và hạ lưu sông Đăkbla (Kon Tum) có dao động; các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An biến đổi chậm. Mực nước lúc 13 giờ ngày 28/9 trên các sông như sau: Sông Vu Gia (Quảng Nam) tại Ái Nghĩa 8,83m, dưới báo động (BĐ)3 0,17m; sông Thu Bồn (Quảng Nam) tại Câu Lâu 2,97m, dưới BĐ2 0,03m.

Quốc Lộ 12A đoạn qua xã Thuận Hóa bị sạt lở taluy dương. Ảnh: Bùi Biền

Trong 1-3 giờ tới, lũ trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa có khả năng đạt đỉnh ở mức 8,9m, dưới BĐ3 0,1m, sau xuống. Trong 6-12 giờ tới, lũ trên sông Thu Bồn tại Câu Lâu có khả năng đạt đỉnh ở mức 3,4m, trên BĐ2 0,4m, sau xuống; sông Vu Gia tiếp tục xuống. Trong 12-24 giờ tiếp theo, lũ trên các sông ở Quảng Nam tiếp tục xuống.

Sạt lở tại thôn Đạm Thủy 3, xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa. Ảnh: Bùi Biền

Cảnh báo: Từ nay (28/9) đến ngày 30/9, trên các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Trị và hạ lưu sông Đăkbla có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, biên độ lũ lên ở thượng lưu các sông từ 3-7m, hạ lưu từ 2-3m. Đỉnh lũ trên sông Ngàn Phố (Hà Tĩnh), các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị và hạ lưu sông Đăkbla lên mức BĐ1-BĐ2; các sông nhỏ, thượng lưu các sông ở Thanh Hóa, thượng lưu sông Cả (Nghệ An), sông Ngàn Sâu (Hà Tĩnh) lên mức BĐ1 và trên BĐ1; hạ lưu sông Mã, sông Cả ở dưới mức BĐ1.

Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Kon Tum, đặc biệt tại các huyện Hướng Hóa, Đăkrông (Quảng Trị); Phong Điền, A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc (Thừa Thiên Huế); Phước Sơn, Bắc Trà My, Nam Trà My, Hiệp Đức, Tiên Phước (Quảng Nam); Tu Mơ Rông, Konplong, Đắk Glei, Đăk Tô (Kon Tum). Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 2

Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất tối 28/9

Độ ẩm đất (lượng nước tích lũy trong đất) tính đến thời điểm 19 giờ ngày 28 tháng 9 năm 2022: Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và Kon Tum đã bão hòa hoặc đạt trạng thái gần bão hòa (trên 85%).

Diễn biến và dự báo mưa: Trong 06 giờ qua (từ 13h/28/9 - 19h/28/9), khu vực các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và Kon Tum đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to như: Quỳnh Bá 194mm, Thanh Mai 187mm (Nghệ An); Sơn Lâm 157mm, Sơn Hồng 143mm (Hà Tĩnh); Hướng Hóa 104mm (Quảng Bình),...

Dự báo trong 06 giờ tới, khu vực các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và Kon Tum tiếp tục có mưa với lượng mưa tích lũy phổ biến tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An từ 40- 80mm, có nơi trên 120mm; các tỉnh khác từ 20-40mm, có nơi trên 80mm. Nguy cơ cao, rất cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 1.

Cũng theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện nay (28/9), ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Hoà Bình, từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế có mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to; khu vực từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh có mưa to, có nơi mưa rất to đến đặc biệt to và dông. Lượng mưa tính từ 07h đến 19h ngày 28/9 có nơi trên 140mm như: Quỳnh Bá (Nghệ An) 230mm, Thanh Mai (Nghệ An) 216.2mm, Sơn Lâm (Hà Tĩnh) 176.6mm, Hương Hóa (Quảng Bình) 142mm,…

Dự báo: từ đêm 28/9 đến đêm 29/9, ở khu vực Bắc Trung Bộ, Hoà Bình, đồng bằng và ven biển Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Lượng mưa phổ biến ở khu vực Bắc Trung Bộ 70-150mm, có nơi trên 150mm; khu vực Hoà Bình, đồng bằng và ven biển Bắc Bộ 50-100mm, có nơi trên 100mm.

Từ đêm 28/9 đến đêm ngày 29/9, ở khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa 20-40mm, có nơi trên 70mm (mưa dông tập trung vào chiều và tối).

Khu vực Hà Nội: từ đêm 28/9 đến ngày 29/9 có mưa vừa và dông, có nơi mưa to.

Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét cấp 1.

Bão số 4 áp sát đất liền, miền Trung đã có mưa to kèm gió lớn

Bão số 4 áp sát đất liền, miền Trung đã có mưa to kèm gió lớn

Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

TP Hồ Chí Minh: thêm một dòng kênh trở lại màu xanh

TP Hồ Chí Minh: thêm một dòng kênh trở lại màu xanh

17/01/2025 | 14:19

Kinhtedothi – Hàng Bàng là một trong những con kênh thoát nước tại TP Hồ Chí Minh bị ô nhiễm trầm trọng, với hàng trăm hộ dân sinh sống trên kênh từ hàng chục năm qua, con kênh bị lấp hẳn. Việc khôi phục lại dòng kênh góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sống của người dân.

Tin tài trợ