Saturday, 11:27 19/11/2016
Mở rộng đầu ra cho gạo thơm Bối Khê
Kinhtedothi - Là đặc sản mới của vùng đất Tam Hưng, huyện Thanh Oai, gạo thơm Bối Khê đã được cấp nhãn hiệu tập thể nhưng việc tìm đầu ra cho sản phẩm còn không ít khó khăn.
Chính vì vậy, mô hình chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ do Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội hỗ trợ triển khai trong năm 2016 được xem là giải pháp mở rộng đầu ra cho gạo Bối Khê hiện nay.
Đặc sản làng quê
Không chỉ là một vùng quê có truyền thống hiếu học và bề dày lịch sử, những năm gần đây, xã Tam Hưng được nhắc đến nhiều với “tiếng thơm” là một trong những điểm cung cấp sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao cho nội thành Hà Nội. Dù cách trung tâm TP không xa, song Tam Hưng vẫn còn là một xã thuần nông. Toàn xã có 730ha diện tích đất nông nghiệp, lại hoàn thành dồn điền đổi thửa, quy hoạch lại hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng nên thuận lợi cho phát triển các vùng chuyên canh theo hướng hàng hóa. Trong đó phải kể đến sản phẩm gạo thơm Bối Khê, đặc biệt là giống lúa Bắc thơm số 7 và Nếp cái hoa vàng.
Được sự hỗ trợ của Sở NN&PTNT Hà Nội, HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã Tam Hưng đã triển khai chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao giống Bắc thơm số 7. Cho đến nay, diện tích vẫn được duy trì và phát triển mở rộng hàng vụ từ 400 – 500ha, chiếm 70 – 80% diện tích đất canh tác của xã. Đáng chú ý, từ vụ Mùa năm 2012, HTX còn mạnh dạn đưa giống lúa nếp cái hoa vàng vào sản xuất đã làm thay đổi đáng kể cơ cấu sản phẩm tại địa phương. Ông Đỗ Văn Kiên – Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã Tam Hưng chia sẻ, ban đầu người dân chưa quen với giống nếp cái hoa vàng bởi trong khi các giống lúa khác đã gặt thì giống lúa này mới trỗ bông. Hơn nữa, khoảng cách cấy lại thưa nên người dân càng e ngại. Tuy nhiên, năng suất vụ đầu đạt bình quân 50 tạ/ha, thu nhập đạt từ 80 – 85 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn giống lúa thường từ 40 – 50% khiến người dân rất phấn khởi.
Từ thành công ban đầu, diện tích lúa nếp cái hoa vàng ở Tam Hưng ngày càng được nhân rộng, đến nay đạt 250ha. Không chỉ cho năng suất khá, giống lúa nếp cái hoa vàng cấy tại Tam Hưng còn có chất lượng rất thơm ngon. Khi nấu lên, hạt gạo vẫn đầy tròn, không vỡ, mùi thơm dịu nhẹ, xôi dẻo, ăn có vị đậm đà. Gạo nếp cái hoa vàng được người dân chế biến thành nhiều sản phẩm như xôi, bánh chưng, nấu rượu. Bánh chưng được làm từ gạo nếp cái hoa vàng thường để được lâu không bị cứng hay mốc. Còn đối với lúa Bắc thơm số 7, xay xát xong, hạt gạo nhỏ dài, màu trắng, có độ dẻo dính. Khi nấu lên có mùi thơm, cơm để nguội vẫn dẻo và giữ được hương vị. Chính vì thế, gạo thơm của xã Tam Hưng luôn được người tiêu dùng đánh giá cao.
Hợp tác để quảng bá
Với những ưu thế nổi trội cả về diện tích, sản lượng và chất lượng, năm 2014, xã Tam Hưng được Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội hỗ trợ tiến hành xây dựng và phát triển nhãn hiệu tập thể “Gạo thơm Bối Khê”. Sau nhiều nỗ lực, tháng 10/2015, nhãn hiệu tập thể “Gạo thơm Bối Khê” đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp cho HTX nông nghiệp xã Tam Hưng. Đây chính là tiền đề để nâng cao uy tín, chất lượng, giá trị sản phẩm trên thị trường và qua đó tăng hiệu quả kinh tế cũng như thu nhập cho người nông dân.
Theo ông Đỗ Văn Kiên, nắm bắt được nhu cầu về việc sử dụng lương thực ngày càng đòi hỏi cao về chất lượng phải ngon, sạch của người tiêu dùng Thủ đô, HTX đã yêu cầu và hướng dẫn các hộ xã viên tuân thủ tuyệt đối quy trình sản xuất an toàn. HTX cũng hỗ trợ xã viên trong công tác thủy lợi, phòng trừ sâu bệnh, lên lịch gieo cấy, thu hoạch để đảm bảo độ đồng đều cho vùng lúa hàng hóa. Tuy nhiên, vấn đề trăn trở nhất của địa phương là tiêu thụ sản phẩm. Theo thống kê, hàng năm sản lượng lương thực của xã sản xuất ra đạt từ 8.000 – 8.500 tấn, trong đó tiêu dùng của bà con trong xã là khoảng 4.000 tấn, HTX cũng chỉ mới thu mua được 20% cho xã viên nên vẫn còn một lượng lớn lúa gạo cần tiêu thụ.
Đứng trước khó khăn của xã Tam Hưng, năm 2016, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội đã đứng ra triển khai mô hình chuỗi liên kết từ sản xuất tới tiêu thụ gạo thơm Bối Khê với diện tích ban đầu 20ha giống lúa nếp cái hoa vàng. Ông Nguyễn Bá Bằng – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội cho biết, Trung tâm đã kết nối với một số đơn vị, DN để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm gạo hàng hóa cho xã Tam Hưng. Đơn cử như Công ty TNHH MTV Công nông nghiệp Hà Nội, Công ty CP Nông sản thực phẩm sạch Tây Bắc, Công ty CP Nhất Nam (chuỗi siêu thị Fivimart), Hiệp hội Thực phẩm sạch (TPS)... Đến nay, sản phẩm gạo thơm Bối Khê đã từng bước tiếp cận với các hệ thống siêu thị, cửa hàng phân phối nông sản thực phẩm an toàn. Qua đó sản phẩm được quảng bá rộng rãi hơn nữa đến với người tiêu dùng Thủ đô cũng như người dân các tỉnh, thành trong cả nước. “Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục tổ chức các hội nghị khách hàng để giới thiệu sản phẩm cho HTX Tam Hưng” – ông Bằng cho biết thêm.
Chuyên nghiệp hóa chuỗi sản xuất
Trước đây, mỗi khi có đơn đặt hàng, HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã Tam Hưng lại phải huy động nhân lực chở thóc đến các cửa hàng tư nhân để xay xát, sau đó về đóng bao gói theo yêu cầu của khách hàng. Điều này không chỉ làm tăng chi phí, giá thành sản phẩm mà HTX cũng bị động khi có đơn hàng lớn. Nhận thấy những bất cập này, ngoài hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội tiếp tục hỗ trợ HTX Tam Hưng hệ thống máy xay xát đồng bộ. Hiện nay, HTX đang lắp đặt hệ thống máy móc, trang thiết bị gồm máy xay xát, lọc sạn, đánh bóng... dự kiến sẽ đưa vào hoạt động trong một vài ngày tới.
Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã Tam Hưng Đỗ Văn Kiên vui mừng cho biết, công suất của hệ thống máy là xay xát được 1,5 tấn/giờ. Hơn nữa lại có máy đánh bóng nên chất lượng gạo thành phẩm được nâng cao hơn trước. Dự kiến, ngoài chế biến sản phẩm của xã viên, HTX còn làm dịch vụ xay xát, đóng gói gạo cho người dân trong vùng có nhu cầu. Hiện nay, gạo thơm Bối Khê sau xay xát được đóng gói 1kg, 5kg có lô gô, nhãn hiệu sản phẩm hoặc đóng bao lớn theo yêu cầu của khách hàng. Giá bán hiện ở mức 30.000 đồng/kg gạo nếp cái hoa vàng, 18.000 đồng/kg gạo Bắc thơm số 7.
Cùng với hệ thống xay xát, HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã Tam Hưng cũng đang tiếp tục trang bị máy móc nhằm triển khai thêm các dịch vụ máy sấy lúa tươi, máy phun thuốc bảo vệ thực vật... Qua đó từng bước chuyên nghiệp hóa chuỗi liên kết từ sản xuất, tới chế biến và tiêu thụ sản phẩm gạo thơm Bối Khê.
Khách hàng có nhu cầu liên kết tiêu thụ sản phẩm, vui lòng liên hệ: HTX Kinh doanh Dịch vụ nông nghiệp xã Tam Hưng Địa chỉ: xã Tam Hưng – huyện Thanh Oai – Hà Nội Người đại diện: Đỗ Văn Kiên – Giám đốc HTX. Điện thoại: 0934342879 |