Đến năm 2025:
Mỗi người dân sẽ chi tiêu khoảng 600 USD/năm để mua sắm online
Kinhtedothi - Theo Sách trắng thương mại điện tử, dự kiến đến năm 2025, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ đạt mức 35 tỷ USD, tương đương với việc mỗi người dân sẽ chi tiêu khoảng 600 USD/năm thông qua mua sắm online.
Điều này cho thấy, Việt Nam là nước có tiềm năng lớn về phát triển thương mại điện tử với tốc độ tăng trưởng thuộc Top 3 trong khu vực Ðông Nam Á. Để có được tốc độ tăng trưởng trên, bên cạnh việc các sàn thương mại điện tử đa dạng hóa sản phẩm cũng như thêm nhiều kênh tiếp cận cho người tiêu dùng còn phải kể đến sự vào cuộc của các ngân hàng, tổ chức tín dụng.
Cụ thể, hệ thống các tổ chức cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính trên thị trường đã phát triển khá đa dạng, hiện diện tại hầu hết tỉnh, thành phố trên cả nước. Số lượng chi nhánh, phòng giao dịch của hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) bình quân/100.000 người trưởng thành đạt 15,31 đơn vị; tỉ lệ xã/thị trấn có điểm cung ứng dịch vụ tài chính trên tổng số xã/thị trấn trên toàn quốc (không bao gồm Ngân hàng Chính sách xã hội) đạt 32,13%; số lượng máy ATM bình quân/100.000 người trưởng thành đạt 27,70 máy; số lượng máy POS bình quân/100.000 người trưởng thành đạt 439,26 máy. Điều này đã thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt của người dân ngày một tăng.
Thống kê cho thấy, trong thời gian qua, giá trị thanh toán qua Internet tăng 48,76%; thanh toán qua điện thoại di động tăng 87,5%; đặc biệt thanh toán qua mã QR tăng 125,5%; thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng tăng 21,16%... so với cùng kỳ năm 2020...
Một kết quả đáng chú ý khác là các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản, hướng đến những đối tượng mục tiêu của tài chính toàn diện được tích cực cải thiện. NHNN đã chỉ đạo các NHTM, tổ chức trung gian thanh toán tích cực đẩy mạnh cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Những con số tăng trưởng ấn tượng trên của ngành ngân hàng cũng như thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, người tiêu dùng ngoài việc hưởng các lợi ích từ thị trường thương mại điện tử cũng phải đối mặt với không ít các rủi ro.
Theo Tổng cục Quản lý thị trường, hàng hóa giới thiệu trên các website bán hàng trực tuyến, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, ứng dụng bán hàng rất phong phú, đa dạng với hàng nghìn chủng loại sản phẩm, nhiều hình thức dịch vụ giao nhận, thanh toán khác nhau. Mặc dù các lực lượng chức năng đã quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn, nhưng số vụ việc được phát hiện, xử lý còn thấp, trong khi đó, hành vi lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để vi phạm pháp luật ngày càng phức tạp. Việc xử lý vi phạm đối với các hành vi gian lận thương mại trên sàn thương mại điện tử cũng gặp không ít khó khăn, do việc thực hiện kiểm tra, truy tìm được những doanh nghiệp "ảo" không đơn giản.
Cũng chính vì tốc độ tăng trưởng nhanh và doanh thu ngày càng lớn, các đối tượng thường xuyên tận dụng mọi kẽ hở để vừa cung cấp thông tin về hàng hóa, thông tin giao dịch trên internet; quảng bá trực tuyến và khuyến mại rầm rộ; vừa thẩm lậu hoặc đưa những hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ qua cửa khẩu, biên giới, cảng biển, sân bay… bán tràn lan trên thị trường nội địa với quy mô lớn.
Như vậy, thị trường thương mại điện tử tăng trưởng mạnh nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đối với nền kinh tế. Do đó, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm phát hiện, xử lý và ngăn chặn các hành vi vận chuyển, kinh doanh, buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử trong thời gian tới cần được triển khai mạnh mẽ hơn nữa để bảo vệ người tiêu dùng.
Thương mại điện tử Việt Nam: Thời của thị trường ngách
Kinhtedothi - Từ đầu năm 2022, thị trường thương mại điện tử Việt Nam liên tục đón nhận những khoản đầu tư triệu USD. Tuy nhiên số tiền này thay vì rót cho những tên tuổi lớn như Shopee hay Lazada thì lại có điểm đến là các dự án tập trung khai thác mảng ngách của lĩnh vực.
Các doanh nghiệp bán lẻ Hà Nội đẩy mạnh thương mại điện tử
Theo Kế hoạch về phát triển thương mại điện tử trên địa bàn thành phố năm 2022, Hà Nội phấn đấu mục tiêu doanh số thương mại điện tử B2C (giao dịch giữa các doanh nghiệp với người tiêu dùng) chiếm 11% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn
Hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới: Quản thuế bằng cách nào?
Kinhtedothi - Giá trị thị trường thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam ngày càng gia tăng, đặc biệt là trong bối cảnh bình thường mới hiện nay. Nhiều cá nhân, tổ chức, nhiều nhà cung cấp nước ngoài… đang “hốt bạc” từ hoạt động này.