Moscow và Kiev tuyên bố nóng về hội nghị hòa bình ở Thụy Sĩ
Kinhtedothi - Điện Kremlin nói rằng tổ chức đàm phán hòa bình mà không có Nga là điều vô lý, trong khi Tổng thống Ukraine cho biết hội nghị hòa bình sắp tới ở Thụy Sĩ sẽ thảo luận 3 điểm chính thuộc “kế hoạch hòa bình" do ông đưa ra.
Điện Kremlin mới đây đã bình luận về hội nghị hòa bình mà tới nay Nga vẫn chưa được mời.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 28/5 tuyên bố, hội nghị hòa bình Ukraine sắp tới do Thụy Sĩ tổ chức hoàn toàn vô ích trong việc tìm giải pháp chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine.
![](https://resource.kinhtedothi.vn/2024/05/29/kremlin.jpg)
Hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine, dự kiến diễn ra từ ngày 15-16/6 tại khu nghỉ dưỡng Burgenstock, sẽ tập trung thảo luận đề xuất do Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đưa ra nhằm chấm dứt xung đột quân sự với Nga.
Hơn 160 quốc gia đã được mời tham dự, bao gồm các thành viên của nhóm G7, G20, Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) và EU, nhưng không có sự tham gia của Nga.
"Chúng tôi khẳng định, hội nghị hòa bình sắp tới tại Thụy Sĩ hoàn toàn không có triển vọng... vì việc tập hợp và thảo luận nghiêm túc về xung đột Ukraine mà không có sự tham gia của Nga là điều vô lý,” ông Peskov nói với phóng viên đài RT hôm 28/5.
Moscow từng gọi hội nghị ở Thụy Sĩ là "vô nghĩa" và tuyên bố không tham gia kể cả có được mời. Ukraine cho biết, Nga sẽ chỉ được mời nếu nước này đồng ý với một số điều kiện tiên quyết - điều mà Moscow cho là không thực tế.
Ông Peskov cũng bác bỏ thông tin về khả năng tổ chức một hội nghị hòa bình Ukraine ở Ả Rập Saudi. Ngày 27/5, tờ Bloomberg dẫn lời các quan chức Liên minh châu Âu (EU) cho hay, khối này đang nỗ lực sắp xếp một hội nghị ở Ả Rập Saudi vào mùa Thu năm nay với sự tham gia của Nga.
Cùng ngày, tờ Pravda đưa tin, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, hội nghị hòa bình ở Thụy Sĩ sắp tới sẽ thảo luận 3 điểm chính trong "công thức hòa bình" mà ông đưa ra hồi năm 2022.
![](https://resource.kinhtedothi.vn/2024/05/29/tong-thong-ukaine2.jpg)
Tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Bồ Đào Nha ở Lisbon hôm 28/5, Tổng thống Zelensky thông báo: "Chúng tôi đã chọn ra 3 điểm gồm an ninh hạt nhân, an ninh lương thực và các vấn đề nhân đạo, trong đó bao gồm không chỉ trao đổi tù binh mà còn cả việc hồi hương những trẻ em bị đưa về Nga. Ba vấn đề này rất quan trọng".
Nhà lãnh đạo Ukraine lưu ý thêm: "Hội nghị sắp tới cũng có thể sẽ thảo luận vấn đề an ninh hạt nhân, đặc biệt là về các cuộc tấn công của Moscow nhằm vào lĩnh vực năng lượng của Kiev".
Theo ông Zelensky, đại diện lãnh đạo các nước tại hội nghị hòa bình sẽ bàn bạc chi tiết kỹ thuật của từng điểm này.
Bên cạnh đó, Tổng thống Zelensky cho biết, nếu Tổng thống Mỹ Joe Biden bỏ lỡ hội nghị thượng đỉnh hoà bình diễn ra ở Thuỵ Sĩ vào tháng 6 tới, thì việc đó sẽ giống như “sự cổ vũ” dành cho Tổng thống Nga Vladimir Putin”.
“Hội nghị thượng đỉnh hòa bình sắp tới tại Thụy Sĩ cần có sự tham dự của Tổng thống Biden và các lãnh đạo khác - những người đang chờ phản ứng của Mỹ. Sự vắng mặt của ông ấy chẳng khác nào một tràng pháo tay dành cho Tổng thống Nga Vladimir Putin” - ông Zelensky nhấn mạnh.
Trước đó, hôm 26/5, Tổng thống Zelensky cũng kêu gọi cả Tổng thống Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trực tiếp đến dự hội nghị, nhấn mạnh sự hiện diện của lãnh đạo hai quốc gia này là rất quan trọng.
Theo truyền thông thế giới, lãnh đạo một số quốc gia BRICS, đặc biệt là Brazil và Nam Phi, sẽ không tham gia hội nghị ở Thụy Sĩ.
Trợ lý của Tổng thống Nga về các vấn đề quốc tế Yury Ushakov cho biết, Trung Quốc có thể cũng sẽ không tham gia hội nghị hòa bình này.
Bắc Kinh từng nhấn mạnh, các cuộc thảo luận về một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Ukraine chắc chắn phải có sự tham gia của Nga.
Theo Bloomberg, Tổng thống Mỹ Biden có khả năng sẽ không tham gia hội nghị thượng đỉnh ở Thụy Sĩ.
Đề xuất hòa bình của ông Zelensky - gồm 10 điểm, được đưa ra vào năm 2022 - kêu gọi Nga rút quân, khôi phục biên giới như thời điểm năm 1991 và Moscow phải chịu trách nhiệm về chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Nga gọi đề xuất này là “phi thực tế” và không thể làm cơ sở cho bất kỳ cuộc đàm phán nào trong tương lai. Moscow cũng khẳng định đây là dấu hiệu cho thấy Kiev không sẵn lòng tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho xung đột.
Theo đài RT, Nga vẫn duy trì quan điểm sẵn sàng đàm phán hòa bình nhưng tuyên bố sẽ không chấp nhận bất cứ thỏa thuận nào bỏ qua lợi ích quốc gia của nước này.
![Nga cáo buộc Mỹ muốn kéo dài xung đột tại Ukraine](https://resource.kinhtedothi.vn//2024/05/25/dai-su-nga.jpg)
Nga cáo buộc Mỹ muốn kéo dài xung đột tại Ukraine
Kinhtedothi - Đại sứ Nga tại Mỹ kêu gọi Mỹ chấp nhận tình hình thực tế trên chiến trường Ukaine và ngừng hỗ trợ quân sự cho Kiev “càng sớm càng tốt”.
![Nga cảnh báo Ukraine nhắm vào "chiếc ô" hạt nhân](https://resource.kinhtedothi.vn//2024/05/25/nga-canh-bao-my-ho-tro-ukraine-pha-cau-truc-hat-nhan-toan-cau.jpg)
Nga cảnh báo Ukraine nhắm vào "chiếc ô" hạt nhân
Kinhtedothi - Theo quan chức Nga, cuộc tấn công mới nhất của Ukraine đã nhắm vào hệ thống cảnh báo sớm hạt nhân ở phía nam Vùng Krasnodar.
![Ông Macron ủng hộ quyết định dùng vũ khí "gây tranh cãi" của Ukraine](https://resource.kinhtedothi.vn//2024/05/29/phap-duc-ung-ho-quyet-dinh-su-dung-vu-khi-gay-tranh-cai-cua-ukraine.jpg)
Ông Macron ủng hộ quyết định dùng vũ khí "gây tranh cãi" của Ukraine
Kinhtedothi - Trong họp báo chung với Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 28/5, ông Macron cho rằng Ukraine nên được phép "sử dụng mọi phương án" để bảo vệ lãnh thổ khỏi cuộc tấn công của Nga, bao gồm cả thành phố thứ hai của nước này là Kharkiv.