Một chính quyền thành phố ra tay giúp người dân "thoát ế"
KInhtedothi - 100 đàn ông và phụ nữ Hàn Quốc đã tham gia một sự kiện mai mối tập thể do thành phố Seongnam tổ chức - một nỗ lực của chính quyền địa phương nhằm đảo ngược tỷ lệ sinh thấp ở Hàn Quốc, nơi mà tỷ lệ hôn nhân đã giảm sút.
Những người tham gia, hầu hết ở độ tuổi 20 và 30, lặng lẽ ngồi cạnh nhau cho đến khi người dẫn chương trình bắt đầu sự kiện bằng trò chơi oẳn tù tì, khiến căn phòng nhanh chóng tràn ngập tiếng nói cười.
Không chỉ các trò chơi kết nối, chính quyền Seongnam tỏ rõ quyết tâm khi chuẩn bị rượu vang đỏ, sôcôla, dịch vụ trang điểm miễn phí và thậm chí cả kiểm tra lý lịch cho những người độc thân tham gia. Thành phố cho biết, sau 5 vòng sự kiện trong năm nay, 198 người trong số 460 người đã tìm được nửa kia của mình.
Thủ đô Seoul của Hàn Quốc cũng đã cân nhắc tổ chức một sự kiện tương tự nhưng đã tạm dừng kế hoạch sau khi vấp phải những chỉ trích rằng sẽ gây lãng phí tiền thuế nếu không giải quyết được gốc rễ lý do khiến người dân chọn không kết hôn và sinh con - đáng chú ý nhất là bởi chi phí nhà ở và giáo dục quá cao.
Hwang Da-bin, người tham gia một sự kiện hẹn hò hồi tháng 9, cho biết sự kiện do thành phố tổ chức đã giúp anh tiết kiệm chi phí đăng ký thông qua các công ty mai mối chuyên nghiệp. "Chúng ta đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học thực sự và chính phủ cần phải làm bất cứ điều gì. Tôi không hiểu vì sao mọi người lại phàn nàn về điều này" - Hwang nói.
Tỷ lệ sinh của Hàn Quốc đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 0,78 vào năm ngoái, đánh dấu một cột mốc nghiệt ngã khác đối với quốc gia vốn đã có tỷ suất sinh - số con dự kiến trên mỗi phụ nữ - thấp nhất thế giới.
Con số này thấp hơn nhiều so với 1,66 ở Mỹ và thậm chí là thấp hơn của Nhật Bản - 1,3 - vào năm 2021. Tỷ lệ trung bình giữa các quốc gia trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ở mức 1,58 cùng năm đó.
Jung Jae-hoon, giáo sư khoa phúc lợi xã hội tại Đại học Phụ nữ Seoul, thì cho rằng những sự kiện mai mối như vậy là "vô nghĩa" nếu nhằm mục đích dẫn đến tỷ lệ sinh cao hơn. Ông giải thích: "Chính phủ cần phải chi tiền trực tiếp hơn vào việc hỗ trợ mang thai, sinh con và nuôi dạy con cái thì mới có thể gọi đó là chính sách nhằm tăng tỷ lệ sinh".
Bất chấp những lời chỉ trích, hàng nghìn người đã đăng ký tham gia các sự kiện mai mối do thành phố Seongnam tổ chức trong năm nay. Lee Yu-mi, 36 tuổi, làm việc cho chính quyền thành phố, cho biết cô đã phải nộp đơn 3 lần mới dành được một suất tham dự sự kiện.
Thị trưởng Seongnam Shin Sang-jin tin rằng, việc truyền bá quan điểm tích cực về hôn nhân cuối cùng sẽ giúp tăng tỷ lệ sinh, đồng thời nhấn mạnh rằng các sự kiện "hẹn hò giấu mặt" chỉ là một trong nhiều chính sách mà thành phố của ông đã triển khai để đảo ngược tỷ lệ sinh lao dốc.
Ông Shin nói: "Tỷ lệ sinh thấp tất nhiên không thể được giải quyết chỉ bằng một chính sách duy nhất. Nhiệm vụ của thành phố cũng là tạo môi trường để những người muốn kết hôn tìm được bạn đời của mình".
![Người trẻ Singapore mệt mỏi vì phong tục lì xì ngày Tết](https://resource.kinhtedothi.vn/2023/01/21/chinese-new-year-red-pockets-lucky-money.jpg)
Người trẻ Singapore mệt mỏi vì phong tục lì xì ngày Tết
Kinhtedothi - Tại Singapore, nơi có hơn 75% dân số là người gốc Hoa ăn Tết Nguyên đán, nhiều người trẻ tuổi đang cảm thấy truyền thống lì xì ngày Tết đã lỗi thời, khi áp lực về giá trị phong bao thường được đánh đồng với lòng hiếu thảo, sự tôn trọng...
![Nam giới nghỉ thai sản 4 tuần, tỷ lệ sinh ở nước này vẫn "lẹt đẹt"](https://resource.kinhtedothi.vn/2023/03/26/nhat-ban.jpg)
Nam giới nghỉ thai sản 4 tuần, tỷ lệ sinh ở nước này vẫn "lẹt đẹt"
Kinhtedothi - Dù kế hoạch của chính phủ là thiện chí, nhưng nhiều người đàn ông Nhật Bản chỉ đơn giản là quá sợ hãi khi nghỉ phép vì những hậu quả có thể xảy ra.
![Bài toán dân số thách thức nhiều quốc gia](https://resource.kinhtedothi.vn//2023/09/22/638309084058989210-nguoi-cao-tuoi-nhat-ban.jpg)
Bài toán dân số thách thức nhiều quốc gia
Kinhtedothi - Đến năm 2050, ước tính người từ 65 tuổi trở lên sẽ chiếm gần 40% dân số ở một số khu vực Đông Á và châu Âu... Với tình trạng số lượng lao động ngày càng giảm, các quốc gia sẽ phải đối mặt với sự suy giảm dần về phúc lợi và sức mạnh kinh tế.