Mỹ: Biểu tình “Tôi không thể thở được” biến thành bạo động, một thanh niên bị bắn chết
Kinhtedothi - Biểu tình bạo lực đã bùng phát tại Minneapolis, nhiều TP khác của Mỹ sau cái chết của 1 người đàn ông da màu và một thanh niên đã bị bắn chết tại các cuộc biểu tình ở TP Detroit, bang Michigan.
Các cuộc biểu tình liên quan tới các chết của một người đàn ông da màu George Floyd, người được cho là đã tử vong do bị cảnh sát ghì cổ, đã lan rộng ra hơn 10 TP ở Mỹ trong ngày 29/5 với những người quá khích phá vỡ các cửa sổ, đốt cháy ô tô và đụng độ với cảnh sát và các nhân viên an ninh.
Làn sóng biểu tình đang lan rộng trên khắp nước Mỹ, với những khẩu hiệu được hô vang, như: “không còn công lý, không còn hòa bình”; “Hãy chấm dứt sự tàn bạo của cảnh sát” hoặc “Tôi sẽ ngừng hét lên cho tới khi tất cả mọi người được thở”.
Nhiều người tham gia biểu tính có hành động quá khích khi phá vỡ các cửa sổ, đốt cháy ô tô và đụng độ với cảnh sát. |
Các cuộc biểu tình đã trở nên bạo lực hơn và một thanh niên đã bị bắn chết. Một thanh niên 19 tuổi đã bị bắn chết tại các cuộc biểu tình ở TP Detroit thuộc bang Michigan. Cảnh sát bang này hiện chưa xác định được liệu cái chết của thanh niên này có liên quan tới các vụ biểu tình hay không.
Hàng trăm người tham gia biểu tình tại TP Detroit biến thành các vụ bạo động khi tấn công lực lượng cảnh sát.
Hàng ngàn người biểu tình hô vang khắp các đường phố của thành phố New York, quận Brooklyn, gần khu vực Trung tâm Barclays.
Tại TP Minneapolis, bang Minnesota, nơi vụ ngộ sát ông George Floyd, diễn ra, nhiều người đã ném gạch đá vào cảnh sát.
Trong khi đó, cảnh sát đã phải sử dụng tới dùi cui, đạn cao su và bình xịt hơi cay để giải tán đám đông tham gia biểu tình có hành động quá khích.
Thống đốc bang Tim Walz đang yêu cầu bổ sung 1.000 vệ binh quốc gia để đối phó với bạo lực và bạo loạn đang diễn ra ở TP Minneapolis.
Trong khi đó, bộ Quốc phòng Mỹ, theo chỉ đạo của Tổng thống Donald Trump, đã ra lệnh cho lực lượng quân cảnh chuẩn bị sẵn sàng để được triển khai tới Minneapolis nếu tình hình vượt quá kiểm soát.
Các cuộc biểu tình cũng đã nổ ra tại thủ đô Washington khi người biểu tình tập trung trước cửa Nhà Trắng và buộc khu vực này phải bị phong tỏa trong 1 thời gian ngắn.
Cảnh sát đã đụng độ với người biểu tình ở New York và 12 người đã bị bắt giữ trong khi đó gần 200 người đã bị bắt giữ tại TP Houston thuộc bang Texas. Một số cảnh sát đã bị thương khi đụng độ với người biểu tình ở TP Houston và Los Angeles.
4 sỹ quan cảnh sát tại TP Minneapolis liên quan tới vụ việc hiện bị sa thải. Riêng Derek Chauvin - viên cảnh sát đã ghì cổ ông George Floyd, bị bắt giữ hôm 29/5 với cáo buộc giết người độ 3 và ngộ sát mức độ 2. Tuy nhiên, dư luận Minneapolis kêu gọi cần phải khép Chauvin vào khung hình phạt nặng hơn, đồng thời bắt giữ 3 viên sĩ quan còn lại.
Cảnh sát đã phải sử dụng tới dùi cui, đạn cao su và bình xịt hơi cay để giải tán đám đông tham gia biểu tình có hành động quá khích. |
Gia đình nạn nhân cũng phản đối hình phạt cho Chauvin và yêu cầu phải tăng tội danh lên giết người cấp độ 1 và 3 viên cảnh sát còn lại cũng phải bị bắt giữ.
Để ứng phó với tình hình, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã yêu cầu các đơn vị quân cảnh sẵn sàng cho tình huống được điều động tới TP Minneapolis.
Tổng thống Mỹ ngày 29/5 yêu cầu Bộ Quốc phòng xem xét các lựa chọn quân sự để dập tắt tình trạng bất ổn. |
Các cuộc biểu tình đòi công lý cho người da màu đang diễn ra tại nhiều nơi ở nước Mỹ và ngày càng trở nên bạo lực trong bối cảnh nước Mỹ vẫn đang tiếp tục phải đối phó với Covid-19, đại dịch đã khiến hơn 100.000 người tử vong.