Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

[Năm tuần trong bệnh viện Covid-19 ở Matxcơva] Bài 1: Bỏ giãn cách, tăng nguy cơ nhiễm SASR-CoV-2

Kinhtedothi - Tác giả Huy Nguyễn, tên thật là Nguyễn Huy Hoàng, GS.TS văn học, đã có nhiều năm sống, học tập và công tác tại Liên bang Nga. Hơn 2 tháng điều trị bệnh Covid-19 tại Nga, ngay sau khi khỏi bệnh và ra viện, GS.TS Nguyễn Huy Hoàng đã gửi đến báo Kinh tế & Đô thị loạt bài viết ghi nhận khoảng thời gian nằm trên giường bệnh. Báo Kinh tế & Đô thị xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả.

 Hơn ba chục năm sống và làm việc ở Liên bang Nga, tôi đã không dưới mười lần đến thăm khám và nằm ở bệnh viện Nga. Nhưng đây là lần nằm viện lâu nhất, đối mặt trực tiếp với những giờ phút nguy kịch giữa ranh giới sống – chết, tôi thực sự thấm thía giá trị đích thực của cuộc đời, hiểu thêm về tấm lòng nhân hậu của người Nga và chiêm nghiệm được bao điều mà trong cuộc sống thường nhật khó lòng nhận ra được.
 Nhân viên dọn vệ sinh đang làm việc tại một cơ sở y tế của Nga.

Từ ngày 9/6/2020, Thủ đô Matxcơva, nơi được đánh giá là tâm dịch Covid-19 lớn nhất tại Liên bang Nga, chính thức dỡ bỏ các biện pháp cách ly, giãn cách xã hội. Trên metro, ô tô buýt, tàu điện và các phương tiện giao thông công cộng, người dân mặc nhiên cởi bỏ khẩu trang. Chỉ có các cửa hàng ăn, nhà hàng xếp chỗ cho khách hàng cách xa nhau, hoặc chỉ bán hàng mang theo, nên về hình thức, có vẻ đang nghiêm chỉnh thực hiện luật phòng dịch.

Gặp cơn vạ gió, tai bay bất kỳ

Nếu như vào khoảng cuối tháng 4, con số người dân nhiễm bệnh được coi là cao nhất, thì đến khoảng tháng 9, con số đó đã thăng gấp đôi, sau đó gấp ba, gấp bốn… không chỉ ở thủ đô mà còn toàn khắp cõi nước Nga. Bộ Y tế Nga đã cảnh báo, đầu mùa đông, đợt dịch thứ hai xuất hiện sẽ có sức lây lan rất lớn. Nhưng mặc kệ, người dân Nga vốn có truyền thống tranh thủ những ngày hè ngắn ngủi tắm nắng, nghỉ ngơi và tận hưởng những chuyến đi ngoại ô hoặc khu nghỉ dưỡng.

Riêng tôi, biết mình “thấp thước, nhẹ cân”, hễ cứ rời nhà là mang theo khẩu trang, xịt nước khử khuẩn. Cứ sau hai giờ, là tôi thay khẩu trang, ra khỏi metro hay ô tô buýt, là đến ngay bình rửa tay tự động, lau kỹ lưỡng hai bàn tay, rồi mới bước ra ngoài. Về tới nhà, hay tới cơ quan là treo áo ra ban công, làm mọi thủ tục mà bên vệ sinh dịch tễ hướng dẫn.

Thế mà, một hôm từ cơ quan về nhà, tôi cảm thấy hơi thở khó khăn, lồng ngực như bị một bàn tay vô hình bóp chặt, mỗi khi cúi xuống thấy đau như thắt lại. Đo nhiệt độ, ban đầu, không thấy thay đổi lắm, chỉ xê dịch từ 36,80C đến 37,20C. Nhưng tôi cảm thấy có cái gì không ổn, suốt đêm không chợp mắt, nghĩ rằng, hay là mình bị nhiễm Covid-19. Điều này không có gì lạ, bởi vì cuối tháng 9, đầu tháng 10, số bệnh nhân của Thủ đô Matxcơva đã tăng hơn bốn lần; và của nước Nga đã tăng hơn ba lần tháng trước, lên gần tới 23 ngàn người nhiễm một ngày. Sáng sớm, tôi gọi đến Trung tâm y tế quận, thông báo về nhiệt độ và các triệu chứng của mình, không quên nhấn mạnh, là tôi có bệnh gout rất nặng.

Chưa đầy nửa tiếng, xe cấp cứu đến, bà bác sĩ và một y tá mang theo thiết bị y tế kiểm tra nhiệt độ, kiểm tra phổi, huyết áp và test cho tôi, dựa vào kết quả, bà cho hay rằng, chưa thể khẳng định là tôi bị nhiễm virus Covid. Bà ghi cho tôi một đơn thuốc khá dài, liệt kê các loại thuốc cần thiết để phòng và hạn chế sự phát triển của virút.
 Xe cứu thương xếp hàng đưa bệnh nhân nhập viện.

Trong ngày hôm đó, mặc dù đã uống thuốc và thực hiện các chỉ định của bác sĩ, nhưng tôi không yên tâm chút nào. Trong vòng một năm, cộng đồng người Việt đã có tới hàng trăm người bị nhiễm Covid-19 và hàng chục người đã qua đời vì căn bệnh quái ác. Tôi gọi điện cho những người Việt từng bị nhiễm virus, từng nằm bệnh viện, khá hiểu biết lâm sàng về căn bệnh này, tham khảo các triệu chứng của họ, nghe ngóng thêm một vài lời khuyên. Và thực sự tôi không tin hoàn toàn vào việc test tức thời để chẩn đoán, tôi lắng nghe các động thái cơ thể của mình và quyết định đăng ký đi chụp cắt lớp cho chắc chắn. Để chủ động hơn, tôi mang theo quần áo và một số đồ dùng cá nhân cần thiết nhất để đề phòng khi bị buộc cách ly không kịp về nhà.

Bệnh nhân nhập viện liên tục tăng

Sau khi đến bệnh viện chuyên khoa xếp hàng và chờ đợi đến lượt mình. Hàng chục người ngồi trầm ngâm, lo lắng, kiên nhẫn chờ đợi. Do đã đăng ký từ trước, nên chỉ sau hơn chục phút, nhân viên y tế đã xướng tên tôi và dẫn tôi vào phòng chụp. Chưa đầy nửa tiếng, họ cho tôi biết là tôi bị tổn thương phổi 25%, và có thể điều trị tại nhà.

Thật tai bay, vạ gió, cẩn thận đến như tôi mà bị dính Covid-19 thì khó mà nói rằng, chẳng biết virút nó đến từ hướng nào, chẳng có cách nào hữu hiệu mà phòng tránh!

Sau cơn choáng váng một chút, tôi nhanh chóng quyết định, là không nên điều trị tại nhà, mà phải vào bệnh viện ngay lập tức, vì người bị bệnh gout như tôi, sợ nhất là có những biến chứng khôn lường, nhà tôi neo người, không thể tự lo được. Tôi được biết là, lúc này ở Thủ đô Matxcơva, số người nhập viện vì Covid-19 tăng chóng mặt, gây ra những sự quá tải thật sự đối với hệ thống y tế của Nga. Phó Thủ tướng Nga Tatiana Golikova cho biết, đến tháng 11, hơn 280.000 giường bệnh (khoảng 81% số lượng giường chuyên dành cho các bệnh nhân Covid-19) tại Nga đã được sử dụng hết.

Ngoài ra, ở Matxcơva cũng như trên toàn cõi nước Nga, 85% các hiệu thuốc không còn những loại thuốc thiết yếu điều trị Covid-19. Việc tăng nhanh các ca nhiễm và việc đăng tải chi tiết các loại thuốc điều trị trên mạng xã hội, đã khiến người dân đổ xô đi mua tại cửa hàng dược phẩm, dẫn đến nguồn cung bị thiếu hụt. Chính vì thế, những ca bệnh không nguy hiểm, thường được khuyên là nên theo dõi và điều trị tại nhà.

Tôi gặp bác sĩ trực trình bày về bệnh trạng, nhấn mạnh lịch sử bệnh lý của mình, cố gắng cường điệu lên chút ít, nào là từng có hai lần phẫu thuật, bị gout, bị bệnh tim mạch… có nguyện vọng vào điều trị ở bệnh viện để tránh các rủi ro.

Ông bác sĩ dễ tính lắng nghe một cách chăm chú và gật đầu, đồng ý cho tôi xếp vào diện vào chữa tại bệnh viện. Ông nhấc máy gọi tổng đài điều xe cấp cứu.

Nên nhớ là Thủ đô Matxcơva có tới 245 bệnh viện lớn, trong số đó có 14 bệnh viện và 30 trung tâm tiếp nhận bệnh nhân điều trị Covid- 19. Nếu tổng đài họ phân bố và cử xe cấp cứu đưa mình đến bệnh viện nào, thì mình phải nằm bệnh viện đó. May thì được vào bệnh viện tốt trung tâm, rủi thì ra bệnh viện ngoại ô, nơi cơ sở vật chất không thể nào so với trong thành phố được.

Một lát sau, một bác sĩ mặc áo bảo hộ trắng kín mít bước vào, yêu cầu tôi ra xe cứu thương. Bước vào khoang xe cứu thương lạnh ngắt, nằm xuống chiếc ghế băng rờn rợn màu xanh, được thít dây chặt lại, xung quanh thoang thoảng mùi cồn, tôi hiểu rằng, mình đã thành một bệnh nhân Covid-19.

(Còn nữa)

Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Chủ quan, nhiều bệnh nhân viêm phổi nặng nhập viện

Chủ quan, nhiều bệnh nhân viêm phổi nặng nhập viện

16/01/2025 | 13:49

Kinhtedothi - Gần đây, số ca mắc cúm, viêm phổi, viêm phế quản do các loại vi khuẩn, virus nhập viện tăng cao, chủ yếu là các bệnh nhi, người lớn trên 65 tuổi và những người có hệ miễn dịch yếu, có bệnh nền. Đáng nói, nhiều trường hợp bị nhiễm bệnh, trở nặng, nhập viện muộn.

Tin tài trợ