|
Cán bộ Hội CTĐ TP hướng dẫn học sinh kỹ năng sơ cấp cứu. |
Theo Ban tổ chức, Dự án Nâng cao năng lực Sơ cấp cứu tại trường học và cộng đồng sẽ trực tiếp hỗ trợ hoạt động giáo dục, tập huấn về kỹ năng sơ cấp cứu cho hơn 10.000 giáo viên, học sinh tại 20 trường học ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đồng thời gián tiếp đem lại lợi ích bảo vệ sức khỏe cho hàng chục ngàn gia đình Việt. Đây là hoạt động nhằm mục tiêu nâng cao năng lực sơ cấp cứu cho giáo viên, học sinh và cộng đồng nhằm giảm thiểu rủi ro tai nạn thương tích trong cộng đồng, đồng thời xây dựng và triển khai mô hình trang bị kiến thức và kỹ năng sơ cấp cứu trong trường học để có thể nhân rộng mô hình trong những năm sau. Thông qua các ngày hội sơ cấp cứu, Dự án cũng sẽ giáo dục nhận thức cho hàng ngàn người dân tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh về lĩnh vực sơ cấp cứu.
Tại lễ phát động, các học sinh của trường Tiểu học Khương Mai đã được tham gia tìm hiểu các kiến thức về sơ cấp cứu ban đầu, tham gia thực hành một số kỹ thuật sơ cấp cứu.
Được biết, với tổng kinh phí hơn 1,8 tỷ đồng, Dự án được triển khai từ tháng 11/2018 - 6/2019 tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Năm nay, dự án sẽ khởi động cho việc áp dụng mô hình nâng cao năng lực sơ cấp cứu trên diện rộng tại nhiều trường học và động cộng dân cư trong những năm tiếp theo.
|
Học sinh thực hành kỹ năng sơ cấp cứu. |
Theo đó, các hoạt động chính của dự án bao gồm: Tập huấn nâng cao năng lực về sơ cấp cứu cho đội ngũ giáo viên nòng cốt và học sinh khối 4 và 5 của 20 trường tiểu học. Truyền thông nâng cao nhận thức về sự cần thiết của việc trang bị kiến thức và kỹ năng sơ cấp cứu cho cộng đồng, đặc biệt là trong trường học, nhằm phòng chống và giảm thiểu rủi ro do tai nạn thương tích gây ra. Thông qua các hình thức truyền thông như: Tổ chức các cuộc thi sơ cấp cứu cho học sinh 20 trường, tổ chức Ngày hội sơ cấp cứu tại cộng đồng dân cư và tổ chức các hội thảo nhằm tạo tiền đề mở rộng việc dạy kiến thức về sơ cấp cứu cho giáo viên và học sinh trên diện rộng tại các TP lớn vào các năm tiếp theo. Thiết kế, chỉnh sửa và in ấn/sản xuất tài liệu và bộ công cụ truyền thông cũng như cung cấp tủ/túi sơ cấp cứu cho các trường tiểu học. Tiến hành điều tra kiến thức, thái độ thực hành về sơ cấp cứu (KAP) trước và sau can thiệp.