Nga kêu gọi Mỹ, NATO phản hồi về đề xuất an ninh
Kinhtedothi - Nga hối thúc Mỹ và NATO sớm có phản hồi bằng văn bản về các yêu cầu an ninh của Moscow.
Theo hãng tin Tass, Ngoại trưởng Lavrov Sergey Lavrov cho biết Nga muốn Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nêu rõ họ sẽ chấp thuận và bác bỏ đề xuất an ninh nào kèm theo lý do và điều quan trọng nhất là toàn bộ thông tin này phải được trình bày bằng văn bản.
Phát biểu tại buổi họp báo về kết quả các hoạt động ngoại giao của Nga trong năm 2021, Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh rằng Moscow tin rằng có thể đạt được sự đồng thuận nếu Mỹ và NATO bày tỏ thiện chí và sẵn sàng thỏa hiệp.
Ông Lavrov lưu ý thêm hồi đầu năm ngoái, Moscow và Washington đã nhất trí gia hạn Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược (START mới) trong 5 năm mà không kèm theo bất kỳ điều kiện nào, và Nga mong muốn điều tương tự.
Ngoại trưởng Lavrov lưu ý thêm rằng Nga sẽ không chờ đợi vô thời hạn phản hồi của Mỹ và NATO về các đề xuất an ninh của nước này. “Nga chắc chắn sẽ tiếp tục duy trì hoạt động đảm bảo an ninh đề phòng bất kỳ tình huống nào trong tương lai”- ông Lavrov nói.
Theo Ngoại trưởng Lavrov, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đống cấp Mỹ Joe Biden đã khẳng định cần phải đối thoại về ổn định chiến lược tại cuộc họp thượng đỉnh ở Geneva vào tháng 6 năm ngoái.
Trước đó, vào tháng 12/2021, Nga đã công bố hai dự thảo về 8 đề xuất an ninh với Mỹ và NATO, nhằm tháo gỡ cuộc khủng hoảng. Trong dự thảo, Nga yêu cầu NATO rút toàn bộ binh sĩ và vũ khí khỏi những nước gia nhập liên minh sau năm 1997, gồm Ba Lan, Estonia, Litva, Latvia và các nước vùng Balkan. Moscow cũng muốn NATO ngừng mở rộng về phía đông, không kết nạp Ukraine vào khối và không diễn tập tại Ukraine, Đông Âu, Trung Á và các nước vùng Kavkaz nếu chưa có sự đồng thuận từ Nga.
Quan hệ giữa Nga với phương Tây leo thang căng thẳng liên quan đến tình hình Ukraine. Các cuộc tham vấn Mỹ-Nga về vấn đề Ukraine vừa diễn ra tại Geneva hôm 10/1, tiếp theo là cuộc họp của Hội đồng Nga-NATO tại Brussels vào ngày 12/1 và phiên họp của Hội đồng thường trực Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) tại Vienna vào ngày 13/1.
Tuy nhiên, sau các cuộc đàm phán trên, Phương Tây không chấp thuận những yêu cầu từ phía Nga bao gồm NATO đảm bảo không kết nạp Ukraine và không tiếp tục mở rộng hoạt động quân sự sang Đông Âu. Phía Mỹ bày tỏ mong muốn tiếp tục đối thoại với Nga và muốn giải quyết tình hình thông qua các biện pháp ngoại giao và giảm căng thẳng.
Trong khi đó, Nga cũng bác bỏ yêu cầu từ Mỹ và NATO đòi Moscow phải rút các binh sỹ đang triển khai ở vùng lãnh thổ giáp biên giới với Ukraine, mà phương Tây cho rằng đồng nghĩa với những ý định tiến hành một cuộc tấn công quân sự.
Liên quan đến hoạt động diễn tập an ninh, cùng ngày, Nga thông báo sẽ kiểm tra năng lực sẵn sàng chiến đấu của các binh sĩ tại vùng Viễn Đông, đồng thời tuyên bố sẽ diễn tập triển khai tới các địa điểm quân sự xa xôi của nước này.
Hãng thông tấn RIA đã đăng tải video của Bộ Quốc phòng Nga cho thấy nhiều xe thiết giáp và các khí tài quân sự khác đã đưa lên tàu tại Quân khu miền Đông.
Nga khẳng định có quyền điều động lực lượng trên khắp lãnh thổ nước này và động thái này không phải là mối đe dọa với bên ngoài.
Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Nga, các cuộc diễn tập sẽ giúp đánh giá mức độ sẵn sàng của các đơn vị cũng như việc thực hiện các nhiệm vụ theo yêu cầu sau khi tập hợp tại nhiều địa điểm xa xôi trên khắp lãnh thổ Nga. “Các lực lượng quân sự của Liên bang Nga đang tiếp tục các cuộc tập trận theo kế hoạch cho giai đoạn mùa đông. Để chuẩn bị tiến hành cuộc tập trận chiến lược "Vostok-2022", lực lượng quân đội tại vùng Viễn Đông đang tiến hành kiểm tra nhanh mức độ sẵn sàng của các đơn vị", thông báo của Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ.
Nga tăng quân ở biên giới Ukraine sau đàm phán an ninh
Kinhtedothi - Một ngày sau khi phía Mỹ thúc giục Nga tại các cuộc đàm phán ở Geneva về việc rút quân ở biên giới với Ukraine, Moscow cho biết khoảng 3.000 quân nhân bắt đầu huấn luyện chiến đấu, bao gồm cả các trận đánh giả ở bốn khu vực phía tây nam nước này.
Ukraine sẵn sàng đàm phán chấm dứt xung đột ở Donbass
Kinhtedothi - Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky nói rằng Kiev sẵn sàng đàm phán để chấm dứt xung đột ở Donbass.