Tại các cơ sở sản xuất đũa ăn dùng một lần ở xã Van Mai, huyện Mai Châu, Hòa Bình, đũa bị trộn lẫn cả bụi đất bẩn vì quá trình sản xuất không đảm bảo vệ sinh. Thậm chí, người làm còn sử dụng nhiều loại hóa chất công nghiệp để chống mốc, tạo độ trơn.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Để biết rõ và chính xác hơn về mức độ độc hại của những đôi đũa này, phóng viên VTV24 đã phối hợp với các chuyên gia thuộc Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Bộ Y tế thực hiện một vài xét nghiệm kiểm tra nhanh.
Tiến hành ngâm mẫu đũa ăn vào nước nóng lấy từ hai cơ sở ở xã Vạn Mai, chỉ sau vài giây, cốc nước đã chuyển sang màu vàng nhạt, xuất hiện vẩn đục cùng lớp màng trắng với nhiều tạp chất nổi lên.
Tuy nhiên, kết quả phân tích mới là điều khiến nhiều người lo ngai vì cả hai mẫu đũa đều phát hiện còn lưu huỳnh tồn dư, với hàm lượng vượt quá tiêu chuẩn gần 2 lần, nếu so với tiêu chuẩn nước ăn uống.
Kết quả thử nghiệm cũng khiến chính lãnh đạo Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường cảm thấy bất ngờ về chất lượng những đôi đũa ăn dùng một lần này, vì lâu nay đây vẫn là sản phẩm được tiêu thụ và sử dụng phổ biến trong các nhà hàng, quán ăn.
PGS.TS Doãn Ngọc Hải - Viện trưởng Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Bộ Y tế - cho biết: "Lưu huỳnh ở đây là lưu huỳnh công nghiệp. Về quy định không được dùng trong thực phẩm. Các nhà sản xuất nghĩ rằng chỉ đưa vào trong đũa thôi chứ không phải là trong thực phẩm. Nhưng đũa đấy lại sử dụng cho nên khi sử dụng thì lưu huỳnh sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe".
Tuy nhiên, kết quả phân tích cũng cho thấy, hàm lượng lưu huỳnh và các tạp chất thôi nhiễm từ đũa cũng giảm đáng kể qua 3 lần ngâm đũa trong nước. Vì thế, PGS.TS Doãn Ngọc Hải khuyến cáo, để hạn chế nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, người tiêu dùng nên ngâm rửa nhiều lần loại đũa này trước khi sử dụng, bởi lâu nay nhiều người vẫn có thói quen dùng trực tiếp ngay sau khi bóc bao bì.