Ngăn người di cư tái định cư vì có bằng đại học
Hơn 1.000 người di cư Syria tại Thổ Nhĩ Kỳ đã không được tái định cư ở Mỹ hay quốc gia khác với lý do, họ sở hữu bằng cử nhân đại học.
Trước đó, số người này đã được giới chức Mỹ thông qua tái định cư nhưng lại bị chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ từ chối giấy phép xuất cảnh – chỉ vài ngày trước thời hạn rời đi.
Thông tin này đã làm phức tạp hơn hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp quốc (UN) về tái định cư người tị nạn tại New York, nơi các quốc gia phát triển được khuyến khích và thúc giục tham gia tiếp nhận người di cư. Hiện 86% người di cư đang phải sống tại các quốc gia đang phát triển.
Những quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, với số lượng người di cư lớn, luôn bày tỏ kỳ vọng các đối tác phương Tây sẽ san sẻ trách nhiệm này.Tuy nhiên, hành vi trên cho thấy, Ankara vẫn chưa sẵn sàng để Mỹ “chọn lựa” ra những cá nhân có trình độ trong cộng đồng người di cư.
Giải thích về việc này, một giới chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, nên chuyển những người di cư có trình độ văn hóa thấp hơn sang các quốc gia tái định cư trước, vì cộng đồng này “dễ bị tổn thương” hơn số người di cư được hưởng nền giáo dục tốt.
Ví dụ điển hình là Loreen và Shero cùng 3 đứa con, gia đình người Syria này phải rời khỏi quê hương vì chiến tranh. Họ đăng ký tái định cư tại Mỹ từ tháng 4/2014 và mất hai năm để được chấp thuận sau nhiều cuộc kiểm tra, phỏng vấn với giới chức Mỹ, Liên Hợp quốc… Hồi tháng 2/2016, phía Mỹ đã chấp nhận đơn của họ và gia đình này dự kiến sẽ chuyển sang Chicago vào ngày 31/5. Họ đã bán nội thất, vật dụng, kết thúc hợp đồng thuê căn hộ giá rẻ và rời tới một khu nhà đắt đỏ hơn chỉ vài tuần trước khi sang Mỹ. Nhưng chỉ 4 ngày trước khi rời đi, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đãmtừ chối giấy phép xuất cảnh của gia đình này.
Một giới chức Thổ Nhĩ kỳ thừa nhận, Ankara ngăn hành trình tái định cư của gia đình này bởi Loreen sở hữu bằng cử nhân ngân hàng. Đối với Shero và Loreen, tin tức này trở thành thảm họa. Giờ họ mắc kẹt trong căn hộ đắt đỏ, và hai đứa trẻ tiếp tục năm thứ 2 thất học.
Dù luật pháp Thổ Nhĩ Kỳ thời gian gần đây có sửa đổi, phần lớn những người di cư như Shero và Loreen vẫn chưa có quyền lao động hợp pháp. Do đó, cả hai vẫn phải lao động chân tay trong các khu chợ đen với mức lương tồi tàn dù sở hữu bằng cử nhân.
Giới chức LHQ cho biết, có ít nhất 5.000 trường hợp tương tự Loreen và Shero tại Thổ Nhĩ Kỳ. Nhiều trong số họ bày tỏ ý định, sẽ rời Ankara tới các quốc gia phương Tây bằng mọi giá với những phương tiện “không chính thống” trên đường biển. Như vậy, cách hành xử của Ankara đang châm ngòi thêm những phức tạp và rủi ro cho cuộc khủng hoảng di cư.
Tú Anh
Theo The Guardian
Nên đọc