Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Ngành công nghệ mới nổi tại Việt Nam thu hút đầu tư từ Mỹ

Kinhtedothi - Mỹ mới đây cam kết đầu tư vào một ngành công nghệ tuy mới nhưng sẽ có triển vọng phát triển ở Việt Nam trong tương lai.

Ngày 15/8, Bộ Ngoại giao Mỹ, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội cùng các đối tác: Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn Thông (PTIT), Công ty Cổ phần Công nghệ VMO Holdings và Công ty TNHH New Energy Nexus Việt Nam đồng tổ chức Sự kiện kết nối đầu tư Doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ khí hậu Việt Nam.

Sự kiện quy tụ một hệ sinh thái năng động gồm 100 công ty khởi nghiệp (startup) nhà đầu tư cùng các chuyên gia đầu ngành công nghệ khí hậu, với mục tiêu thu hẹp khoảng cách giữa các startup, huy động nguồn vốn cần thiết để thúc đẩy sự phát triển ngành công nghệ khí hậu trong nước.

Phát biểu tại sự kiện, ông Alan Brinker, Viên chức Khí hậu khu vực của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, nhấn mạnh quan hệ đối tác chiến lược toàn diện đã mở ra cơ hội cho hai nước trong việc xác định những lĩnh vực hợp tác mới. Một trong số đó là hợp tác giải quyết các thách thức của biến đổi khí hậu thông qua thúc đẩy chuyển đổi năng lượng.

Sự kiện kết nối đầu tư Doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ khí hậu Việt Nam quy tụ gần 100 startup, nhà đầu tư cùng các chuyên gia đầu ngành công nghệ khí hậu. Ảnh: Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam.

Đáng chú ý, bà Dorothy McAulife, Đặc phái viên Tổng thống Mỹ Joe Biden về Quan hệ đối tác toàn cầu tại Bộ Ngoại giao Mỹ, đã có bài phát biểu gửi đến sự kiện. Bà nhấn mạnh cam kết của Mỹ trong việc tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu về khí hậu, và tiếp tục hợp tác với các đối tác Việt Nam để hỗ trợ khởi nghiệp về khí hậu thông qua Trung tâm Hợp tác Khởi nghiệp về Biến đổi khí hậu (CCE Hub).

"Kể từ khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng cùng Tổng thống Mỹ Joe Biden để tuyên bố về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, và khẳng định rằng hai quốc gia sẽ cùng hợp tác để đạt được mục tiêu chung về hoà bình, thịnh vượng và phát triển bền vững, chúng ta đã đạt được nhiều tiến bộ để hiện thực hoá những khát vọng đó. Một phần trong đó là việc thiết lập Trung tâm hợp tác khởi nghiệp về Biến đổi khí hậu (CCE Hub) để hỗ trợ các nhà sáng lập công nghệ khí hậu tại Hà Nội", bà Dorothy McAulife phát biểu. 

Lĩnh vực của tương lai

Những năm gần đây, tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, biểu hiện rõ ràng nhất là sự nóng lên toàn cầu dẫn đến băng tan xảy ra ở hai cực và đó là nguyên nhân chính của việc mực nước biển đang ngày càng tăng cao. Những tác động của hiện tượng này ảnh hưởng đáng kể đến Việt Nam, đặc biệt là với hệ sinh thái, tài nguyên môi trường và cuộc sống của con người.

Một nghiên cứu gần đây của Ngân hàng thế giới (WB) chỉ rõ biến đổi khí hậu có thể khiến cho Việt Nam mất khoảng từ 12% - 14,5% GDP mỗi năm vào năm 2050, đồng thời có thể khiến 1 triệu người rơi vào tình trạng nghèo cùng cực vào năm 2030. WB cũng ước tính để khắc phục tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam sẽ cần thêm 368 tỷ USD đến năm 2040 và duy trì mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0.

Điều này đòi hỏi Việt Nam phải chuyển đổi mô hình phát triển, từ một nền kinh tế phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và tài nguyên thiên nhiên, sang một nền kinh tế xanh, giảm phát thải carbon nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu. Do đó, các công nghệ giảm phát thải hiệu ứng nhà kính hoặc giải quyết những tác động của sự nóng lên toàn cầu cần được xem xét, ưu tiên phát triển trong thời gian tới.

Đầu tư vào công nghệ khí hậu tại Việt Nam chỉ chiếm 4% tổng vốn đầu tư mạo hiểm trong năm 2023, thấp hơn nhiều so với mức trung bình thế giới là 10%, nhưng đang đứng trước cơ hội tăng trưởng khi những kết nối được thúc đẩy. Bên cạnh đó, các startup trong lĩnh vực công nghệ khí hậu ở Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển với những giải pháp sáng tạo.

Về vấn đề này, Đặc phái viên Dorothy McAulife nhấn mạnh Mỹ cam kết tiếp tục hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng, phát triển thị trường carbon, bảo vệ rừng, tăng cường khả năng phục hồi của ngành nông nghiệp, và phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam. Sự hỗ trợ này sẽ thông qua các đơn vị như Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA), Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) và Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ (DFC). 

Đặc phái viên Tổng thống Mỹ Joe Biden về Quan hệ đối tác toàn cầu tại Bộ Ngoại giao Mỹ phát biểu tại Sự kiện kết nối đầu tư Doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ khí hậu Việt Nam. Ảnh: Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam

"Trên thực tế, vào tháng 3 năm nay, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Mỹ (US EXIM Bank) đã ký kết Biên bản ghi nhớ trị giá 500 triệu USD với Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) về xuất khẩu năng lượng xanh", bà McAulife phát biểu. Ngoài ra, công ty New Energy Nexus và Bộ ngoại giao Mỹ đã cam kết cùng đầu tư 450.000 USD trong 2 năm tới để xây dựng các chương trình của CCE Hub, bao gồm hỗ trợ các startup công nghệ khí hậu tại Việt Nam và Đông Nam Á.

‘Bệ phóng’ cho công nghệ khí hậu

Để ghi nhận vai trò quan trọng của tinh thần khởi nghiệp trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, CCE Bộ Ngoại giao Mỹ đã thành lập bên lề Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021. Chương trình nhằm mục đích giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu và góp phần trao quyền kinh tế cho các nước đang phát triển bằng cách nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp tập trung vào các giải pháp khí hậu. 

CCE Hub tại Việt Nam được khởi động vào tháng 9/2023 trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới thủ đô Hà Nội năm ngoái. Mục tiêu của chương trình là tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập các doanh nghiệp tiên phong trong các giải pháp bền vững như năng lượng sạch, nông nghiệp bền vững, khả năng phục hồi và chống chịu với biến đổi khí hậu ...

Sự kiện kết nối đầu tư Doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ khí hậu Việt Nam là một trong những dấu mốc quan trọng của CCE Hub. Được vận hành bởi VMO và PTIT, đây là trung tâm đầu tiên của CCE tại châu Á và thứ hai trên thế giới.

Lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa Bộ Ngoại giao Mỹ, PTIT và VMO Holdings về việc khai trương Trung tâm Hợp tác Khởi nghiệp về Biến đổi Khí hậu (CCE Hub) tại Việt Nam. Ảnh: Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam

"Trong nỗ lực hỗ trợ khởi nghiệp về khí hậu tại Việt Nam, chúng tôi rất biết ơn khi có những đối tác như Công ty công nghệ VMO và PTITT. Đây là những đối tác đã đóng góp quan trọng trong việc giúp chúng tôi ra mắt CCE Hub và thúc đẩy sứ mệnh của CCE đó là tạo động lực cho các startup tập trung vào phát triển bền vững trên toàn thế giới", Đặc phái viên Dorothy McAulife phát biểu tại sự kiện.

Ngoài ra, bà McAulife cũng vui mừng thông báo CCE Hub đã chào đón những đối tác mới như New Energy Nexus và Quỹ bảo tồn thiên nhiên quốc tế (WWF). “Những sự hợp tác này sẽ thúc đẩy đầu tư tập trung vào khí hậu và giúp toàn khu vực đạt được các mục tiêu về khí hậu”, vị đặc phái viên nhấn mạnh.

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
"Xương sống" ngành năng lượng tái tạo Việt Nam

"Xương sống" ngành năng lượng tái tạo Việt Nam

13/01/2025 | 14:27

Kinhtedothi - Sở hữu tiềm năng to lớn cả về điện gió, điện Mặt trời và cả điện sinh khối, Việt Nam được xem là “mỏ vàng” về năng lượng tái tạo. Ngành này đang thu hút sự chú ý của giới đầu tư trong nước và trên khắp thế giới.

Chưa ghi nhận công dân Việt Nam thương vong bởi động đất ở Tây Tạng

Chưa ghi nhận công dân Việt Nam thương vong bởi động đất ở Tây Tạng

09/01/2025 | 20:39

Kinhtedothi - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định chưa có ghi nhận nào về thương vong đối với công dân Việt Nam sau trận động đất tại Tây Tạng (Trung Quốc), song Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc vẫn tích cực theo dõi tình hình và sẵn sàng hỗ trợ nếu cần thiết.

Tin mới
Bổ sung quy định mới giúp khắc phục bất cập đầu tư trạm dừng nghỉ

Bổ sung quy định mới giúp khắc phục bất cập đầu tư trạm dừng nghỉ

25/01/2025 | 07:30

Kinhtedothi - Do các quy định ở giai đoạn trước về đầu tư, kinh doanh, khai thác trạm dừng nghỉ chưa đầy đủ, rõ ràng, nên việc triển khai xã hội hóa nguồn lực gặp rất nhiều khó khăn. Từ ngày 1/1/2025, Nghị định 165/2024/NĐ-CP có hiệu lực sẽ giúp khai thông cơ chế, tháo gỡ các bất cập.

TOD và bài toán quy hoạch

TOD và bài toán quy hoạch

19/01/2025 | 09:24

Kinhtedothi - Transit Oriented Development (TOD) là định hướng phát triển đô thị lấy vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) nhanh, khối lớn làm hạt nhân trung tâm. Đây cũng là định hướng phát triển của Hà Nội trong hiện tại và tương lai, tuy nhiên TOD cũng đặt ra cho TP bài toán khó về quy hoạch.

Tin tài trợ