Ngành Giáo dục vượt thách thức, ra sức phấn đấu và không ngừng sáng tạo
Kinhtedothi- “Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cùng các cơ quan tham mưu và toàn ngành sẽ ra sức phấn đấu, khắc phục khó khăn, sáng tạo không ngừng, hoàn thành tốt nhiệm vụ”- Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm mới diễn ra sáng nay (12/8).
Hội nghị được diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với 64 điểm cầu trên cả nước. Tham dự chỉ đạo hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cùng các Thứ trưởng.
Tại điểm cầu Hà Nội có Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội và đại diện các UBND quận, huyện, thị xã cùng phòng GD&ĐT 30 đơn vị trên địa bàn TP.
Vượt khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ của năm học
Năm học 2021 – 2022, ngành Giáo dục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động giáo dục nhưng dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp hiệu quả của các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố; được sự ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân; đặc biệt là sự tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, sự cố gắng, nỗ lực của học sinh, sinh viên, toàn ngành Giáo dục đã hoàn thành kế hoạch, đảm bảo các kết quả, chỉ tiêu đề ra và các yêu cầu của năm học 2021 - 2022 đã được thực hiện.
Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Minh Sơn chỉ ra 9 nhóm kết quả nổi bật ngành GD&ĐT đã đạt được, thể hiện rõ nét nhất là chất lượng giáo dục được củng cố, duy trì đối với tất cả các cấp học; chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn tiếp tục nâng lên, được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Ngành giáo dục triển khai đồng bộ các giải pháp duy trì chất lượng đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng; đồng thời quan tâm giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống; nâng cao hiệu quả giáo dục thể chất, y tế trường học và giáo dục quốc phòng, an ninh. Đội ngũ không ngừng được chuẩn hóa, từng bước khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên. Toàn ngành tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục; tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về GD&ĐT, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; đẩy mạnh chuyển đổi số và các phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”.
Năm học 2022 - 2023, với chủ đề “Đoàn kết, nỗ lực vượt khó khăn, đổi mới sáng tạo, củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo”, ngành GD&ĐT xác định 12 phương hướng, nhiệm vụ như: Chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh; Tăng cường công tác chính trị, tư tưởng; Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; Hội nhập quốc tế; Đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua trong toàn ngành; tăng cường công tác truyền thông giáo dục...
Hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách là khâu đột phá
Tại Hội nghị, đại diện UBND, sở GD&ĐT, lãnh đạo một số trường ĐH đã đóng góp nhiều ý kiến, giải pháp để ngành giáo dục làm tốt hơn nhiệm vụ được Đảng và Chính phủ giao cho, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, ngành GD&ĐT luôn nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Giáo dục là quá trình liên tục và có nhiều việc phải làm; tinh thần chung là bám sát Nghị quyết 29 để đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục và đào tạo; thực hiện làm sao cho thực chất việc dạy và học để phát triển cho học sinh cả “đức - trí - thể - mỹ. Ngành Giáo dục cần tiếp tục thực hiện quyết liệt đổi mới quản lý nhà nước; huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để nâng cao chất lượng giáo dục; xây dựng được môi trường văn hóa, dân chủ trong trường học; chủ động đề xuất, huy động đóng góp của toàn xã hội cho công tác GD&ĐT và đẩy mạnh công tác chuyển đổi số.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị ngành GD&ĐT tập trung thực hiện ngay việc bổ trợ kiến thức cho học sinh do ảnh hưởng của dịch bệnh, tập trung cùng các địa phương phân bổ tuyển dụng biên chế mới được bổ sung cho thật tốt; theo dõi sát công tác tuyển sinh đại học, trong đó có việc chỉ đạo tuyển sinh các trường văn hóa nghệ thuật, học văn hóa trong các trường nghề; khẩn trương đôn đốc Bộ Tài chính trình Chính phủ chủ trương dùng ngân sách mua SGK cho học sinh mượn; thực hiện tinh thần không tăng phần học phí cha mẹ học sinh phải đóng, hướng tới đẩy nhanh lộ trình miễn giảm học phí cấp phổ thông…
Kết thúc hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn ghi nhận, biểu dương và gửi lời cảm ơn tới các thầy cô giáo, cán bộ quản lý của toàn ngành, phụ huynh, học sinh bởi những nỗ lực vượt bậc, tình thần cố gắng, đồng hành trong một năm đầy gian khó; đồng thời gửi lời cảm ơn đến các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Chính phủ, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội, các Ban, Bộ, ngành đoàn thể trung ương, lãnh đạo 63 tỉnh/thành phố trong cả nước... đã quan tâm tới sự nghiệp giáo dục của nước nhà và trực tiếp chỉ đạo sát sao, luôn tạo điều kiện tốt nhất cho ngành Giáo dục.
Bộ GD&ĐT xác định việc hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách là khâu đột phá, là việc ưu tiên trước hết; trong đó triển khai rà soát các quy định theo hướng đẩy mạnh phân cấp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc chồng chéo, ban hành thêm cơ chế chính sách nhằm mở đường, tạo điều kiện cho tự chủ và đổi mới sáng tạo.
Nhận định nhiệm vụ, công việc trong năm học mới là hết sức nặng nề, Bộ trưởng bày tỏ mong muốn nhận được sự phối hợp của lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương để cùng ngành Giáo dục đẩy nhanh tiến độ, thực hiện các nhiệm vụ quan trọng được Đảng, Nhà nước, Nhân dân giao phó.
Hà Nội đề ra 6 giải pháp thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học
Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương thông tin về 5 kết quả nổi bật của ngành GD&ĐT Hà Nội đạt được trong năm học vừa qua, đó là hoàn thành công tác rà soát hệ thống trường học trên địa bàn TP đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; triển khai thực hiện hiệu quả phòng chống dịch Covid-19, hỗ trợ giáo viên, học sinh gặp khó khăn do dịch bệnh; công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia; đẩy mạnh chuyển đổi số….
Ngành GD&ĐT Hà Nội đề ra 6 giải pháp để triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 và các năm tiếp theo. Cụ thể: Thực hiện công tác luân chuyển, bố trí giáo viên đúng sở trường, nâng cao năng lực nhà giáo; triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ giáo dục, cụ thể hóa chỉ đạo của Đảng, thích ứng với thời kì mới.
Ban hành chính sách liên quan đến giáo dục đào tạo, cơ chế thu hút nhân tài về công tác tại Hà Nội, xây dựng cải tạo trường lớp, nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn, giáo dục đại trà thực hiện chương trình GDPT 2018. Tăng cường ứng dụng CNTT, thúc đẩy chuyển đổi số, tạo đột phá trong quản trị nhà trường…
Ngành GD&ĐT Hà Nội cũng kiến nghị với Chính phủ xem xét, cho phép quy định số lượng cấp phó theo quy mô và loại hình của cơ sở giáo dục, kí hợp đồng lao động với nhân viên làm công tác chuyên môn. Đồng thời kiến nghị với Bộ GD&ĐT về việc xây trường chuẩn quốc gia, tháo gỡ những khó khăn của Trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện; xây dựng biểu đồ cơ cấu tỷ lệ giáo viên môn học của Chương trinh GDPT 2018 để thống nhất trên cả nước.
Ngành Giáo dục Hà Nội và những dấu ấn qua mùa thi, tuyển sinh năm 2022
Kinhtedothi–Cùng cả nước, Hà Nội vừa bước qua mùa thi, tuyển sinh năm 2022. Với kinh nghiệm cùng việc vận dụng linh hoạt, sáng tạo, đồng bộ nhiều biện pháp và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, ngành Giáo dục Hà Nội đã tạo dấu ấn mạnh mẽ, được Nhân dân Thủ đô ghi nhận, ủng hộ.
Bộ Công an công bố điểm đánh giá tuyển sinh CAND và điểm sàn xét tuyển
Kinhtedothi - Bộ Công an vừa công bố kết quả thi đánh giá tuyển sinh CAND và ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào năm 2022.
Tiếp tục hỗ trợ giáo viên ngoài công lập chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid- 19
Kinhtedothi - Ngày 11/8, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 103/NQ-CP về chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.