Ngành học mới, đón đầu xu thế
Kinhtedothi- Ngoài việc quan tâm đến các phương thức tuyển sinh thì việc ra đời những ngành học mới trong mùa tuyển sinh năm 2023 cũng đặc biệt thu hút sự chú ý của thí sinh, phụ huynh và xã hội.
Nhiều ngành học mới, lạ
Với khoảng 60 trường đại học khắp cả nước công bố đề án tuyển sinh năm 2023, điểm nổi bật là sự ra đời của nhiều ngành học mới lần đầu tiên được tuyển sinh.
Ở phía Bắc, các trường công bố mở ngành học mới là trường đại học Công nghiệp Hà Nội với dự kiến mở 5 ngành học mới gồm: Năng lượng tái tạo, Kỹ thuật sản xuất thông minh, Công nghệ kỹ thuật điện tử, Y sinh, Ngôn ngữ học. Trường đại học Thủy lợi sẽ mở 3 ngành học mới là Ngôn ngữ Hàn Quốc, Ngôn ngữ Trung Quốc và Luật kinh tế với chỉ tiêu dự kiến là 40 sinh viên/ngành. Còn trường Đại học Ngoại thương dự kiến mở 2 ngành mới Kinh tế chính trị và Kinh tế chính trị quốc tế. Trường Đại học Lâm nghiệp mở ngành Logistics, Tài chính - ngân hàng…
Với các trường đại học phía Nam, việc ra đời các ngành học mới cũng tạo nên không khí sôi động trong thu hút tuyển sinh giữa các trường. Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh (UEH) dự kiến mở và tuyển sinh 5 ngành học mới tại cơ sở chính gồm: Công nghệ tài chính (Fintech); Marketing công nghệ (Martech); Kinh doanh số (Digital business); Robot và trí tuệ nhân tạo (Robot & AI); Công nghệ logistics (Logtech); Chương trình song bằng mới về kinh tế chính trị - luật và quản trị địa phương. Tại phân hiệu ở Vĩnh Long, UEH mở mới 2 ngành Công nghệ và đổi mới sáng tạo; Kỹ sư Robot và trí tuệ nhân tạo (Robot & AI).
Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh (HUFI) dự kiến mở 5 ngành học mới trong năm 2023 gồm: Công nghệ tài chính, Khoa học dữ liệu, Luật, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Thương mại điện tử. Trường ĐH Hoa Sen cũng mở một số ngành học mới như Công nghệ tài chính (Fintech), Tiếp thị kỹ thuật số (digital marketing), Phim, Quan hệ công chúng, Kinh tế thể thao…
Trước đó, Bộ GD&ĐT đã ban hành danh mục thống kê ngành thí điểm, lựa chọn chỉ đưa vào những ngành mới tuyển sinh tốt hoặc có dự báo tin cậy về nhu cầu nguồn nhân lực trong tương lai. Song song đó, Bộ GD&ĐT cũng hướng dẫn cơ sở đào tạo rà soát lại các ngành tuyển sinh, loại bỏ ngành đào tạo không còn nhu cầu của xã hội và ngành mới đào tạo thí điểm kém hiệu quả.
Phù hợp xu thế
Kết quả thống kê thí sinh trúng tuyển theo từng lĩnh vực năm 2022 của Bộ GD&ĐT cho thấy, các ngành có nhiều thí sinh nộp nguyện vọng nhất là: Kinh doanh và quản lý (26%), Máy tính và CNTT (13%), Công nghệ Kỹ thuật (9%), Nhân văn (9%).
Nhìn nhận và đánh giá về xu hướng tuyển sinh, đào tạo và mở nhiều ngành mới theo hướng số hóa và công nghệ, ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông HUFI cho rằng, xu hướng công nghệ đang dẫn đầu ưu thế. Thực tế chỉ rõ, những ngành học mới không đơn thuần là công nghệ mà đan xen giữa công nghệ và kỹ thuật như quản trị kinh doanh thực phẩm, công nghệ tài chính, khoa học dữ liệu, AI, công nghệ thông tin… Việc mở các ngành học mới theo xu thế này chắc chắn sẽ được nhiều thí sinh quan tâm, lựa chọn thay vì những ngành kỹ thuật, công nghệ thuần túy như trước.
Trong quá trình lựa chọn, học sinh thích công nghệ và kỹ thuật nhưng cũng thích kinh tế. Để đáp ứng nhu cầu trên, việc các trường đại học xây dựng chương trình đào tạo mới, ngành mới để phù hợp với nhu cầu là điều dễ hiểu. ThS Phạm Thái Sơn nhấn mạnh: Những nhóm ngành kinh tế có thêm yếu tố khoa học kỹ thuật giúp thí sinh thấy yên tâm và thoải mái hơn. Đặc biệt, với xu thế chuyển đổi số như hiện nay, ngành học có thế mạnh về công nghệ sẽ gián tiếp mang lại cơ hội việc làm và thu nhập theo đúng nguyện vọng của các em.
Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT và dự báo xu hướng phát triển kinh tế thị trường trong 3 năm tới với các nhóm ngành Công nghệ thông tin, Big data, Kinh tế kỹ thuật và nhóm ngành Xã hội sẽ tăng cao. Những biến động về kinh tế, xã hội và sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của công nghệ đã góp phần tạo ra nhiều ngành nghề mới, kéo theo nhu cầu về nguồn nhân lực.
Bên cạnh đó, những ngành ngôn ngữ Hàn, Trung có sức hút mạnh với thí sinh ở các kỳ tuyển sinh trước với số điểm rất cao, thậm chí chạm ngưỡng tuyệt đối, vì vậy việc thêm trường mở ngành ngôn ngữ này sẽ tạo cơ hội cho nhiều thí sinh được học ngành mà mình yêu thích.
Dự kiến, thời gian tới sẽ có thêm nhiều trường đại học công bố phương án tuyển sinh và cũng có thêm nhiều ngành, khoa, chương trình đào tạo mới. Bộ GD&ĐT cũng lưu ý các cơ sở đào tạo ngoài đề án tuyển sinh năm 2023 thì cần sớm nghiên cứu và công bố định hướng tuyển sinh từ năm 2025 trở đi để thí sinh có thời gian ổn định tâm lý, tập trung ôn tập và lựa chọn nghề nghiệp.
Trường ĐH Ngoại thương, ĐH Công nghiệp Hà Nội: Mở ngành mới, giữ 6 phương thức
Kinhtedothi- Trường ĐH Ngoại thương và trường ĐH Công nghiệp Hà Nội vừa thông báo về phương thức tuyển sinh và các ngành đào tạo năm 2023. Theo đó, cả hai trường đều giữ ổn định 6 phương thức và dự kiến mở các ngành đạo tạo mới.
5 phương thức tuyển sinh năm 2023 của trường Đại học sư phạm Hà Nội
Kinhtedothi – Trường ĐH Sư phạm Hà Nội vừa công bố thông tin tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2023 với 5 phương thức, trong đó có những quy định cụ thể về kỳ thi đánh giá năng lực do trường tổ chức.
Sĩ tử lớp 5 đối mặt kỳ thi lớp 6 ngay sau nghỉ Tết
Kinhtedothi - Vừa hết kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều học sinh lớp 5 có định hướng thi lớp 6 các trường chất lượng cao, trường ngoài công lập có tiếng đã sẵn sàng lên dây cót để tham dự các kỳ đánh giá năng lực sắp được tổ chức.