Nghệ nhân Nguyễn Thị Tam – giọng ca trù miệt mài truyền lửa đam mê
Kinhtedothi – Năm nay đã 74 tuổi, song Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Tam vẫn miệt mài truyền “lửa” đam mê ca trù cho các thế hệ trẻ với mong muốn giữ gìn, phát huy nét đẹp loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống của dân tộc.
Tối 11/3 là một buổi tối rất đáng nhớ, ghi dấu sự kiện đặc biệt của nghệ thuật ca trù đất Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng khi địa phương tổ chức chương trình giao lưu, vinh danh nghệ nhân Nguyễn Thị Tam được phong tặng danh hiệu nghệ nhân Nhân dân loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian ca trù.
Thăng hoa giá trị nghệ thuật dân gian
Càng đặc biệt hơn, lễ vinh danh được tổ chức tại đền Đầm Giếng – nơi thờ Đệ nhị cung phi Nguyễn Thị Hồng (thời vua Lê Chính Hòa, cuối thế kỷ XVII), người được mệnh danh là bà chúa của nghệ thuật ca trù xứ Đoài.
Hiện nay, tại đền Đầm Giếng vẫn còn bức hoành phi ghi 4 chữ "Kim chi ngọc diệp" (tức là Cành vàng lá ngọc) được khắc treo từ thời vua Lê Chính Hòa. Có những câu đối ngợi ca công đức của bà như: "Tiếng hát trong như ánh trăng làm rung vòng xuyến của cung phi/Ân trạch lớn như sóng nước phù cho cây cối của làng Mỗ tươi tốt".
Dưới mái đền cổ kính rêu phong, giữa không gian huyền ảo linh thiêng ấy, những nhịp phách, ngón đàn vang lên tạo đà thăng hoa cho giọng hát đầy khi ngân nga lúc đổ hột nức nở của nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Tam (nghệ danh Nguyễn Thị Minh Tam) cùng các thành viên Câu lạc bộ ca trù xã Thượng Mỗ.
Diện bộ áo ài nền nã, sang trọng màu mận chín nổi bật trên sân khấu, nghệ nhân Nguyễn Thị Tam say mê cất lên những lời ca đầy thổn thức phác họa một nét ca trù trên nền bài thơ “Ca trù ai cũng thêm Xuân” của tác giả Nguyễn Tọa: “Lắng nghe em hát ca trù/Tiếng như lời mẹ hát ru thuở nào… Bây giờ cuộc sống đổi thay/No cơm ấm áo càng say ca trù/Quê ta, xưa hát ả đào/Trống đàn phách nhịp ai nào chẳng mê”.
Lời hát ấy da diết như một lời tri ân quê hương cũng như giới thiệu tới hàng trăm quan khách, đại biểu về nét đẹp của ca trù Thượng Mỗ.
Năm nay đã 74 tuổi, song giọng hát của nghệ nhân Nguyễn Thị Tam vẫn còn rất “lửa” với kỹ thuật điêu luyện, từ cách ém hơi trong cổ, ậm ự mà lời ca tròn vành rõ chữ. Có bài, bà thể hiện cách hát chơi đổ hột, đổ con kiến làm cho tiếng hát thêm duyên, có khi như tiếng nức nở, thở than quyện vào lòng người.
Bà Tam là con cháu dòng họ Nguyễn Duy - một dòng họ hát ca trù nổi tiếng của tỉnh Hà Tây (cũ). Cụ Nguyễn Thị Chán (mẹ bà Tam) từng là ca nương nức tiếng vào những năm 40 của thế kỷ trước.
Chia sẻ với Kinh tế & Đô thị, nghệ nhân Nguyễn Thị Tam kể, từ nhỏ bà đã được đắm mình trong những tiếng hát làn điệu ứ hự mượt mà, những câu ca sâu lắng mà đầy triết lý của ca trù. Năm lên 12 tuổi, bà được bố mẹ cho đi dự nhiều buổi biểu diễn trong vùng và bắt đầu học hát ca trù.
Thừa hưởng “dòng máu” ca trù chảy xuôi trong người nên chẳng mấy, cô bé Nguyễn Thị Tam đã thuộc làu 36 làn điệu cổ của mẹ từ Tỳ Bà, Bắc Phản đến Cung Bắc...
Thấy con ham mê ca trù, cụ Nguyễn Thị Chán dồn tâm sức uốn nắn con từ cách cầm phách sao cho giòn đến cách lấy hơi, nhả chữ. Rồi ca trù cứ bén rễ, nẩy mầm trong bà như một lẽ sống và đam mê cho tới tận ngày nay.
Lắng nghe giọng hát ngọt ngào của nghệ nhân Nguyễn Thị Tam ở tuổi “ngoại thất thập cổ lai hy”, NSƯT Trần Tựa xúc động chia sẻ: “Bà Tam có một giọng ca trời phú khiến lòng người say đắm. Không chỉ vậy, những ngón đàn đáy của bà cũng rất điêu luyện”.
Nhiều người dân Thượng Mỗ cũng nhìn nhận, nghệ nhân Nguyễn Thị Tam “có giọng hát nhịp phách, ngón đàn đẹp như bông lúa củ khoai, thơm như hương bưởi hương cau mà vẫn thanh lịch, cao sang, quý phái, toát lên phong vị của người con gái xứ Đoài”.
Nguyên Bí thư Đảng ủy xã Thượng Mỗ Đặng Văn Hùng cho biết, ca trù xuất hiện ở Thượng Mỗ đã hơn 400 năm. Trong suốt thời gian chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, khi cả đất nước dành ưu tiên hàng đầu cho đấu tranh giải phóng dân tộc, ca trù từng rơi vào trầm lắng hơn.
Tới những năm 80 – 90 của thế kỷ trước, ca trù mới được phục dựng lại và ngày càng có bước phát triển thăng hoa. Cùng với chèo tàu Tân Hội, hội diều Bá Giang, ca trù Thượng Mỗ là một trong ba địa chỉ văn hóa dân gian đặc sắc của huyện Đan Phượng. Trong đó có sự đóng góp không nhỏ của nghệ nhân Nguyễn Thị Tam.
Để dòng chảy nghệ thuật ca trù sống mãi
Nghệ nhân Nguyễn Thị Tam tâm sự, những câu ca sâu lắng mà triết lý của ca trù như thôi thúc, cổ vũ bà phải nắm giữ tinh hoa ấy và gìn giữ, phát huy nghệ thuật ca trù lên một tầm cao mới. Bởi vậy, bà là người tâm huyết truyền dạy tới người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, ca nương trẻ về ca trù với mong mỏi dòng nghệ thuật dân tộc chảy mãi trong đời sống hiện đại.
Tiếp thêm nhiệt huyết của bà, năm 2003, UBND xã Thượng Mỗ đã quyết định thành lập Câu lạc bộ ca trù Thượng Mỗ. Bí thư Đảng ủy xã Thượng Mỗ Hoàng Quang Hưng cho biết, với niềm đam mê và tâm huyết với nghề, bà Nguyễn Thị Tam đã lĩnh trách nhiệm cao, vượt qua khó khăn, ngày đêm luyện tập cho các thành viên Câu lạc bộ. Vì thế, thời gian qua, Câu lạc bộ ca trù Thượng Mỗ đã có sự phát triển mạnh mẽ, gieo niềm đam mê cho biết bao nhiêu người trẻ.
Năm 2009, nghệ thuật ca trù đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Là một trong những cái nôi của ca trù xứ Đoài, việc bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật truyền thống này là nỗi trăn trở của rất nhiều nghệ nhân cũng như chính quyền xã Thượng Mỗ.
Trò chuyện với Kinh tế & Đô thị, nghệ nhân Nguyễn Thị Tam cho biết thêm, hiện nay Câu lạc bộ ca trù Thượng Mỗ có tổng số 45 hội viên. Cứ mỗi thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần, Câu lạc bộ lại tổ chức các buổi đào tạo ca trù cho những em nhỏ địa phương.
“Những ngày đầu mở lớp, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn vì ít cháu theo học, cơ sở vật chất còn hạn chế. Chúng tôi phải đi từng nhà vận động bố mẹ cho các cháu ra lớp học ca trù, rồi bỏ tiền mua quần áo cho bọn trẻ.
Học ca trù rất khó, phải thuộc 5 khổ phách rồi mới dạy hát. Khi dạy phải uốn nắn từng câu rồi cách lấy hơi, nhả chữ. Điều đáng mừng là nhiều cháu rất thông minh, lại cảm nhận được nét đẹp của ca trù nên quyết tâm theo đuổi nghệ thuật dân gian này” – bà Tam chia sẻ.
Tiếng lành vang xa, rất nhiều em nhỏ đã tìm đến Câu lạc bộ ca trù Thượng Mỗ theo học. Đặc biệt, trong những ngày Hè, tiếng đàn, nhịp phách, nhịp trống chầu, lời ca được ngân lên thường xuyên hơn.
“Bảo tồn, phát triển loại hình nghệ thuật ca trù không dễ dàng nhưng tôi tin rằng, ca trù sẽ từng bước đi vào đời sống đương đại và khẳng định được sức sống mãnh liệt” – nghệ nhân Nguyễn Thị Tam bày tỏ.
Ghi nhận những đóng góp của nghệ nhân Nguyễn Thị Tam, năm 2013, bà vinh dự được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian. Năm 2015, bà được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú và mới đây nhất là danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân loại hình nghệ thuật biểu diễn dân gian ca trù.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Thượng Mỗ Hoàng Quang Hưng, việc nghệ nhân Nguyễn Thị Tam được vinh danh là Nghệ nhân Nhân dân là niềm tự hào, vinh dự của nghệ thuật ca trù Thượng Mỗ cũng như người dân địa phương.
Ông Hoàng Quang Hưng mong muốn, nghệ nhân Nguyễn Thị Tam với tình yêu cháy bỏng cho nghệ thuật ca trù sẽ tiếp tục phát huy vai trò là nhân tố nòng cốt, đóng góp nhiều hơn nữa trong hoạt động bảo tồn di sản văn hóa ca trù xứ Đoài.
Huyện Đan Phượng: Xã Thượng Mỗ đón danh hiệu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
Kinhtedothi - Sáng 7/6, xã Thượng Mỗ (huyện Đan Phượng) long trọng tổ chức lễ công bố và đón nhận danh hiệu “Xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao”.
Nơi giữ vẹn nguyên các bài ca trù cổ
Kinhtedothi - Đến làng Chanh Thôn, huyện Phú Xuyên từ mỗi ngõ, xóm đều văng vẳng tiếng tom - chát và tiếng hát ngân nga vang - rền, rất nền - nẩy. Không được tập trung đông người để sinh hoạt CLB nhưng các nghệ nhân vẫn say mê với lời ca, tiếng hát, tiếng đàn ở tại nhà mình.
Tạo sức sống lâu bền cho di sản ca trù Thủ đô
Kinhtedothi - Sau 12 năm vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp (năm 2009) của UNESCO, nhiều nghệ nhân gạo cội đã đi xa. Di sản ca trù của Hà Nội đang được tiếp nối với sự góp sức của cả cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ.