Nghèo hóa V-League
Kinhtedothi - Ít ngày nữa, V-League 2017 sẽ chính thức khởi tranh.
Thế nhưng, khác với khung cảnh sôi động ở những mùa giải trước, V-League đang chứng kiến sự trầm lắng của thị trường chuyển nhượng và sự thay đổi về định hướng đầu tư của nhiều đội bóng.
Thiếu gia đang chán?
Hai mùa giải liên tiếp, Cần Thơ chính là đội bóng tung tiền nhiều nhất cho thị trường chuyển nhượng. Họ xây dựng đội hình mới toanh dựa trên những ngôi sao của V-League. Những cầu thủ ngoại chất lượng như Oseni hay vua phá lưới Patiyo cũng được trải thảm đỏ đến đất Tây đô. Rất nhiều người tin, với chính sách vung tiền, Cần Thơ sẽ sớm trở thành biểu tượng của V-League. Và thực tế là từ chỗ suýt xuống hạng, mùa rồi Cần Thơ đã trụ hạng vững vàng. Ai cũng nghĩ, với cái đà đang có, đội bóng này sớm muộn sẽ hướng đến những tham vọng lớn hơn.
Khi tất cả đều tin Cần Thơ sẽ lột xác thì đội bóng này bất ngờ phát tín hiệu thay đổi chiến lược đầu tư. Các ngoại binh chất lượng bị thanh lý hợp đồng vì gánh nặng tài chính. Đến tận thời điểm này, dù sắp đến mùa giải mới nhưng Cần Thơ vẫn chưa thể ký hợp đồng với ngoại binh. Một loạt cầu thủ nội chất lượng khác cũng được thanh lý hợp đồng hoặc sẵn sàng thanh lý hợp đồng nếu có yêu cầu.
Muốn có được thành tích tốt, bắt buộc phải có lực lượng tốt. Muốn có đội hình tốt thì phải có đầu tư. Thế nhưng, sự thay đổi đến chóng mặt từ Cần Thơ cho thấy một thực tế buồn. Các nhà tài trợ hoặc thất vọng với thành tích đang có, hoặc đã quá mệt mỏi với những cỗ máy tiêu tiền nhưng hiệu quả về thương hiệu chưa được như mong muốn. Và điều này dẫn đến việc các nhà tài trợ không còn hào phóng bơm tiền cho đội bóng và buộc những người điều hành phải cắt giảm chi tiêu.
Thực tế không thể khác
Hà Nội T&T chuyển thành Hà Nội FC. QNK Quảng Nam chuyển thành Quảng Nam FC. Hải Phòng chính thức trở thành đội bóng nhà nước sau khi chốt được khoản tiền hỗ trợ hàng chục tỷ đồng mỗi năm từ ngân sách. Nhiều đội bóng cũng cố gắng tìm cơ chế để có được sự chống lưng từ ngân sách địa phương sau khi đuối sức với làn sóng xã hội hóa.
Sau nhiều năm sống chủ yếu từ bầu sữa của DN, khi sức khỏe của các DN gặp vấn đề thì cũng là lúc bóng đá lao đao. Bởi mang tiếng là bóng đá chuyên nghiệp nhưng đến thời điểm này, sự điều hành của V-League không khác là bao so với thời bóng đá bao cấp. Nói một cách ví von là bóng đá Việt Nam hiện nay hưởng lương chuyên nghiệp nhưng chất lượng nghiệp dư. Cũng vì điều này mà bóng đá không có khoản kinh phí nào khác đáng kể ngoài tài trợ từ DN chủ quản.
Các DN đang mệt mỏi với bóng đá sau những năm bơm tiền vô hạn độ. Ngân sách địa phương không phải muốn là lấy được tiền nuôi bóng đá. Thế nên, việc nghèo hóa V-League là thực tế khó tránh khỏi khi mà nhu cầu từ các đội bóng lớn hơn khả năng tài chính tự thân của họ. Khi ấy, có hai vấn đề nảy sinh. Một là các đội bóng giải thể khi không thể vượt qua áp lực về tài chính. Rất nhiều đội bóng đã lựa chọn giải pháp này. Giải pháp thứ hai đang được không ít đội bóng tiến hành là thắt chặt chi tiêu. Mà khoản chi tiêu lớn nhất với các đội bóng chính là chuyển nhượng. Và thế là thay vì coi việc tiêu tiền là thú vui thì nay, các đội bóng phải tính toán đến hiệu quả của từng bản hợp đồng, và chắc chắn giá trị của nó sẽ giảm đi đáng kể so với thời gian trước đây.