Ngoại trưởng Mỹ thăm Trung Quốc
Kinhtedothi - Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tới thăm Trung Quốc – quốc gia cuối cùng trong chuyến công du 3 nước châu Á đầu tiên của nhà ngoại giao này.
Ngoại trưởng Mỹ Tillerson (trái) và Ngoại trưởng Trung Quốc. |
Trong chuyến thăm đến Nhật Bản và Hàn Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã đưa ra cảnh báo rằng, một phản ứng bằng quân sự sẽ được thiết lập nếu nguy cơ từ hạt nhân, tên lửa của CHDCND Triều Tiên gây ảnh hưởng tới Hàn Quốc hay lực lược Mỹ tại quốc gia này.
Trước đó, thông qua trang mạng cá nhân, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra tuyên bố cảnh báo, CHDCND Triều Tiên đang có “hành xử tồi tệ”, đồng thời cho rằng, Bắc Kinh chưa có hành động cụ thể nhằm gia tăng áp lực để khiến Bình Nhưỡng dừng thử tên lửa. Động thái trên được đưa ra, sau khi Bình Nhưỡng phóng thử 4 tên lửa đạn đạo, 3 trong số đó được xác nhận là rơi xuống vùng biển đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.
Giới quan sát nhận định, nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ gia tăng áp lực nhằm kiềm chế Bình Nhưỡng thử hạt nhân, sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tại các nước châu Á lần này.
Dự kiến, Ông Tillerson sẽ có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì. Trong khuôn khổ chuyến thăm này, Ngoại trưởng Mỹ Tillerson và giới chức Trung Quốc cũng dự định sẽ lên kế hoạch cho cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tại cuộc họp báo chung sau buổi hội đàm với Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida hôm 16/3 vừa qua, ông Tillerson đã đề cập đến chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của Trung Quốc trong việc giải quyết vấn đề này. Ông Tillerson hối thúc Trung Quốc gia tăng sức ép với Triều Tiên.
Trong chặng dừng chân tại Hàn Quốc ngày hôm 17/3, Ngoại trưởng Mỹ cũng lên tiếng chỉ trích Trung Quốc vì đã áp dụng các biện pháp trả đũa kinh tế chống lại Hàn Quốc vì liên quan tới việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo tầm cao (THAAD) của Mỹ tại nước này.