Friday, 10:00 12/05/2017
Người đam mê hòa giải
Kinhtedothi - Với niềm đam mê hòa giải cùng tinh thần nhiệt tình, trách nhiệm, ông Dương Văn Tân (54 tuổi, cán bộ văn hóa - xã hội phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm) đã tham gia hòa giải thành công nhiều vụ việc ở cơ sở, đem đến niềm vui cho bà con trong khu dân cư.
Chú trọng tuyên truyền giáo dục pháp luật
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, ông Dương Văn Tân cho biết, trong gần 20 năm qua, ông luôn chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho Nhân dân dưới nhiều hình thức. Ngoài việc trực tiếp tham gia hòa giải ở khu dân cư, ông thường tư vấn và chia sẻ kinh nghiệm với thành viên các tổ hòa giải của tổ dân phố trong phường Xuân Đỉnh. Trong đó, chú trọng các kiến thức pháp luật đến cách tiếp cận đối tượng, lồng ghép với các yếu tố về phong tục tập quán, đạo đức xã hội, truyền thống gia đình, địa phương trong quá trình hòa giải, bảo đảm phù hợp với tính chất của từng vụ việc và đặc điểm của từng đối tượng để đạt hiệu quả cao. Công tác hòa giải dù chính thức hay không chính thức cũng luôn tồn tại song hành với sự phát triển của xã hội.
Lãnh đạo Bộ Tư pháp trao giải Đặc biệt cho đội Hà Nội tại Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc tổ chức hồi tháng 11/2016 (ông Dương Văn Tân nhận giải, đứng ngoài cùng, bên trái). Ảnh: Thái San |
Từng tham gia hòa giải nhiều vụ việc, ông Tân nhớ lại trên địa bàn phường đã xảy ra vụ việc 2 anh em ruột mâu thuẫn vì đất đai hồi giữa năm 2016. Đất của 2 bên đều có sổ đỏ, đã phân chia rồi nhưng khi người anh xây nhà, việc xác định mốc giới không chuẩn, khi đào móng, xây tường, bị lệch sang đất của người em với diện tích gần 2m2. Sự việc được phát hiện khi nhà người anh đổ mái tầng 1, dẫn đến xô xát giữa 2 anh em. "Tôi đã mời 2 bên ngồi lại với nhau, phân tích về Luật Đất đai, Dân sự; đặc biệt tình cảm anh em, do việc lỡ làng, phải cùng nhau tìm phương án giải quyết. Đây cũng do thợ làm ẩu, không phải do cố ý lấn chiếm, nhà đã xây cao rồi không thể phá để làm lại được nên với diện tích kia, người anh nên trả cho người em theo giá thị trường ở thời điểm hiện tại. Cuối cùng, 2 anh em vui vẻ hòa giải, thống nhất phương án đó" - ông Tân chia sẻ. Còn đó những khó khănDù tham gia hòa giải thành công nhiều vụ việc, ông Tân cho biết, công tác này vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Do thành phần cơ cấu của tổ hòa giải theo quy định nên có một số lượng không nhỏ các hòa giải viên tuy nhiệt tình, trách nhiệm nhưng còn hạn chế về kiến thức pháp luật; đặc biệt về kỹ năng hòa giải. Bên cạnh đó, phần lớn các hòa giải viên phải bươn chải kiếm sống hoặc bận rộn với công việc gia đình nên nhiều vụ việc mâu thuẫn xảy ra trong khu dân cư, hòa giải viên không phát hiện và có mặt sớm, vì vậy hậu quả của vụ việc chưa được ngăn ngừa kịp thời. Trong khi đó, người dân ở đô thị hoặc các khu vực đang đô thị hóa thường có xu hướng “kín cổng, cao tường”, ít quan tâm đến các vụ việc mâu thuẫn trong cộng đồng.Để không ngừng nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, ông Tân đề xuất, phải củng cố, kiện toàn đội ngũ hòa giải ở cơ sở bảo đảm đủ về số lượng, trong đó chú trọng yếu tố tinh thần và năng lực của các thành viên. Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền nâng cao vai trò, mối quan hệ đoàn kết gắn bó, quan tâm chia sẻ trong mỗi gia đình, dòng họ và cộng đồng dân cư trong việc hòa giải mâu thuẫn phát sinh; bảo đảm hòa giải là hoạt động của toàn dân, không phải chỉ của tổ hòa giải.
Tại vòng chung kết cuộc thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ III tổ chức hồi tháng 11/2016, ông Dương Văn Tân là thành viên trong đội tuyển của Hà Nội được nhận Bằng khen “Hòa giải viên có kỹ năng hòa giải xuất sắc nhất”, góp phần cùng đội tuyển Hà Nội đạt giải Đặc biệt của cuộc thi. Mới đây, ông đã được UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen ghi nhận thành tích trong công tác hòa giải ở cơ sở. |