Saturday, 09:40 15/10/2016
Kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo thế nào?
Kinhtedothi - Mức thu nhập bình quân của hộ dân tộc thiểu số đang rất thấp khi chỉ bằng 1/6 mức thu nhập bình quân cả nước.
Thông tin trên đã được ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo TƯ các chương trình MTQG giai đoạn 2016 -2020 đưa ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về giảm nghèo bền vững diễn ra ngày 15/10. Tại đây, kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 - 2015 đã được đưa ra cũng như mục tiêu và phương thức triển khai cho giai đoạn 2016 - 2020.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trong giai đoạn 2011 - 2015, ngân sách TƯ đã phân bổ để thực hiện Chương trình là hơn 33.842 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư là hơn 25.833 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là hơn 8.009 tỷ đồng, đạt 115% so với tổng kinh phí ngân sách TƯ phê duyệt. Việc bố trí vượt kế hoạch là do điều chỉnh tăng số lượng xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, các huyện hưởng 70% chính sách đầu tư như huyện nghèo và các xã biên giới, xã an toàn khu, xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi.
Mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số đang cách khá xã so với thu nhập bình quân của người dân cả nước |
Cũng trong giai đoạn 2011 - 2015, công tác giảm nghèo đã đạt được nhiều kết quả tích cực, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 14,2% năm 2010 xuống 11,76% cuối năm 2011, 9,6% cuối năm 2013, 7,8% cuối năm 2013 và cuối năm 2014 còn 5,97%. Đến cuối năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn 4,25% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015, tỷ lệ giảm bình quân 2%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo đã giảm từ 58,33% cuối năm 2010 xuống còn 50,97% cuối 2011, 43,89% cuối năm 2012, 38,2% cuối năm 2013, 32,59% cuối năm 2014 và còn 28% cuối năm 2015, tỷ lệ giảm bình quân 6%/năm.
Như vậy tỷ lệ giảm bình quân hộ nghèo đã đạt mục tiêu kế hoạch đề ra theo Nghị quyết 80/NQ-CP về định hướng giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 - 2020 và Quyết định 1489/QĐ-TTg về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 - 2015, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo TƯ khẳng định.
Ngoài ra, các chính sách giảm nghèo chung vàn các chính sách thuộc Chương trình như hỗ trợ giáo dục - đào tạo; mua thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, cận nghèo, hỗ trợ vay tín dụng ưu đãi ... tiếp túc được bố trí kinh phí thực hiện, qua đó phát huy tác dụng, hỗ trợ có hiệu quả cho hộ nghèo, người nghèo.
Tuy nhiên theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trong giai đoạn thực hiện Chương trình vẫn còn một số tồn tại và hạn chế như cơ chế điều phối cũng như phối hợp còn giữa các đơn vị có liên quan còn nhiều bất cập. Bên cạnh đó các chương trình nhỏ hơn còn có sự chồng chéo, nhiều chính sách vẫn hỗ trợ trực tiếp nên chưa tạo được ý thức chủ động của các cấp và người dân, phát sinh tư tưởng ỷ lại của các cấp và của bản thân người nghèo, tồn tại phổ biến nhiều địa phương và người dân muốn vào danh sách đối tượng nghèo để nhận được trợ giúp.
Không những thế, kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%, các biệt còn trên 60-70%. Số hộ nghèo là dân tộc thiểu số chiếm gần 50% tổng số hộ nghèo trong cả nước, thu nhập bình quân của hộ dân tộc thiểu số chỉ bằng 1/6 mức thu nhập bình quân cả nước.
Đối với công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, các mục tiêu cụ thể cũng được Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ. Cụ thể, giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân 1 - 1,5%/năm; riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm; hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3-4%/năm. Đảm bảo thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước cuối năm 2020 tăng lên 1,5 lần so với cuối 2015. Riêng các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn, hộ nghèo dân tộc thiểu số tăng gấp 2 lần. Đi cùng với đó cơ sở hạ tầng tại các địa phương thuộc diện nghèo cũng được tập trung đầu tư đồng bộ.
Phấn đấu 50% số huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, số xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; 20-30% số xã, thôn bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền nuosi thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó là 100% xã có mạng lưới trường mầm non, phổ thông, trung tâm học tập; 75% hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh ...
Để thực hiện các mục tiêu trên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp cùng các Bộ, ngành có liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 theo hướng bền vững, hiệu quả, khắc phục sự chồng chéo. Chuyển đổi nhiều phương pháp đo lường, đánh giá, tiếp cận hộ nghèo; hoàn thiện các chính sách về giảm nghèo cũng như ưu tiên bố trí nguồn lực cho các chương trình giảm nghèo. Không những thế công tác quản lý, điều hành, kiểm tra giám sát cũng sẽ được đẩy mạnh nhằm bảo đảm nguồn lực được công khai, dân chủ theo đúng nguyên tắc "Dân cần, dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ", Đào Ngọc Dung nói.
Cũng tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức phát động phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau". Đây là cơ hội để tìm ra và tôn vinh các DN, tập thể cá nhân có nhiều đóng góp về nguồn lực, cách làm hiệu quả trong công tác giảm nghèo bền vững.
Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ban, ngành có liên quan phối hợp đồng bộ với tinh thần trách nhiệm cao nhất, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng để hoàn thành các mục tiêu được đề ra.
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 có tổng kinh phí thực hiện 48.397 tỷ đồng. Mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân 1-1,5%/năm; Tại các huyện nghèo, xã nghèo, giảm 4%/năm; hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3-4%/năm. Bảo đảm thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo trên cả nước đến cuối 2020 tăng gấp 1,5 lần so với cuối 2015. |
Tags