Người dân mua sắm nhộn nhịp Rằm tháng 7, một số mặt hàng tăng giá
Kinhtedothi – Dạo quanh một số chợ truyền thống của Hà Nội trong dịp Rằm tháng 7 Âm lịch, hàng hóa phục vụ nhu cầu của người dân khá dồi dào, một số mặt hàng tăng giá mạnh so với trước.
Hôm nay 11/8 – tức ngày 14 tháng 7 Âm lịch, do ảnh hưởng của con bão số 2, mưa lớn trút xuống cả buổi sáng khiến các chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội khá vắng khách mua. Tuy nhiên, cuối buổi chiều, trời hửng nắng, số lượng người đi chợ mua sắm tăng trở lại.
![](https://resource.kinhtedothi.vn/2022/08/11/ram411.gif)
Bà Bùi Kim Thanh, ở quận Thanh Xuân, chia sẻ: “Dù trời mưa chưa dứt, nhưng tôi cũng muốn mua sắm để tối nay cúng Rằm, con cháu đến quây quần, đầm ấm. Chỉ còn hôm nay đến trưa mai nữa thôi. Cúng trưa thì các con đi làm không đến được. Tôi nghĩ cúng Rằm tháng 7 nó như một dịp Tết cổ truyền từ thời xưa để lại".
Cũng theo bà Thanh, đây không chỉ là dịp dâng lễ tạ ơn, báo hiếu tổ tiên, ông cha đã sinh thành ra ta mà còn là dịp con cháu quây quần đầm ấm. Nếu ai còn cha mẹ thì mua đồng quà, tấm bánh để biếu. Dù nhỏ nhưng đã thể hiện đạo hiếu làm con. Những ai không còn cha mẹ làm cơm dâng lên cúng lễ, thể hiện tấm lòng trân quý của mình đối với người đã khuất. Đây là một nét văn hóa đẹp của người Việt Nam, sẽ trường tồn theo năm tháng, từ đời này, qua đời khác.
![](https://resource.kinhtedothi.vn/2022/08/11/19dbfd04-18a2-497a-af2d-cfdb24aaa4d4.gif)
Trong buổi sáng, dạo quanh một số chợ như: Thanh Xuân Bắc, Phùng Khoang, Hà Đông, chợ Xanh Văn Quán. Lượng người đi mua hàng hóa rải rác. Chiều tối, mưa đã tạnh ráo khiến lượng người mua tăng mạnh trở lại.
Những mặt hàng nhiều người mua tập trung vào thịt lợn, gà, giò chả, trái cây, hoa tươi, đồ hàng mã. Giá các mặt hàng này cao hẳn so với ngày trước đó. Cụ thể, giá thịt lợn sấn mông, sấn vai, bắp giò, sườn đều có giá ở mức 150.000 đồng/kg, tăng khoảng 20.000 đồng/kg so với trước.
Giá gà trống nguyên con có giá 150.000 – 160.000 đồng/kg tùy theo chợ, tăng từ 20.000 – 30.000 đồng/kg. Giò, chả Ước Lễ có giá từ 160.000 – 180.000 đồng/kg tùy theo chợ.
![](https://resource.kinhtedothi.vn/2022/08/11/ram511.gif)
Giá các loại hoa tươi cũng khá cao, cụ thể: Hoa ly cành 4-5 bông to có giá 150.000 đồng/chục. Hoa cúc vàng, trắng có giá 70.000 - 90.000 đồng/chục bông. Cả 2 loại hoa này tăng giá khoảng 20.000 – 30.000 đồng/chục bông. Hoa hồng ta có giá 40.000 – 50.000 đồng/chục bông; hồng Đà Lạt có giá 60.000 – 70.000 đồng/chục bông tùy loại, ổn định giá. Hoa lay ơn có giá 130.000 – 150.000 đồng/chục bông, tăng khoảng 30.000 – 50.000 đồng/chục bông so với trước.
![](https://resource.kinhtedothi.vn/2022/08/11/ram611.gif)
Theo một tiểu thương ở chợ Thanh Xuân Bắc, giá hoa cúc năm nay cao hơn cả dịp Tết Nguyên đán. Do thời tiết khá nắng nóng nên các vùng trồng Hà Nội không có nhiều hoa cúc để bán. Hầu hết hoa cúc nhập từ ở Đà Lạt. Còn hoa hồng rẻ là do các vùng trồng ở Hà Nội vẫn duy trì được lượng hoa cung cấp ra thị trường, do đó giá bác chỉ như ngày thường, có nơi nhích tăng khoảng 5.000 – 10.000 đồng/chục.
Các loại trái cây trong chợ đều rất dồi dào nguồn cung, phong phú về chủng loại. Theo ghi nhận, các cửa hàng, quầy bán trái cây có dán nhãn hàng hóa, truy xuất nguồn gốc xuất xứ ngày càng được người dân ưa chuộng, mặc dù giá cao hơn rất nhiều so với các cửa hàng không dán nhãn truy xuất nguồn gốc.
![](https://resource.kinhtedothi.vn/2022/08/11/ram711.gif)
Chị Đặng Thị Thủy, ở Nam Từ Liêm, cho biết: "Hôm nay tôi đi mua trái cây về thắp hương Rằm. Tuy cửa hàng bán trái cây này đắt hơn ở ngoài nhiều giá, nhưng trái cây ở đây có dán tem truy xuất nguồn gốc. Như vậy, trái cây đã được cơ quan chức năng kiểm nghiệm về an toàn thực phẩm nên mình cũng yên tâm hơn".
Theo tìm hiểu, giá bán các loại trái cây dịp Rằm tháng 7 đã tăng khoảng 10.000 – 30.000 đồng/kg tùy loại. Cụ thể, na to đẹp có cành có giá từ 95.000 – 105.000 đồng/kg; xoài cát tru 70.000 đồng/kg; lựu 90.000 đồng/kg; cam sành 40.000 – 50.000 đồng/kg; đu đủ 45.000 – 50.000 đồng/kg.
![](https://resource.kinhtedothi.vn/2022/08/11/ram311.gif)
Một trong những mặt hàng không thể thiếu trong ngày Rằm tháng 7 là đồ hàng mã cho chân linh gia tiên. Chiều nay, các hàng mã khá đông người mua. Một số tiểu thương chia sẻ, mấy năm gần đây người dân chủ yếu sắm quần áo, trang phục, tiền vàng cho chân linh. Các mã lớn như: xe, nhà đã không còn người mua.
Các mặt hàng quần áo, trang phục giá cả tùy theo chất lượng giấy dán. Những loại đóng hộp giấy đẹp có giá từ 40.000 – 50.000 đồng/bộ quần áo mã. Bộ giấy bình thường ở mức 25.000 – 35.000 đồng/bộ. Theo một số tiểu thương, các mặt hàng này tăng khoảng 5.000 – 7.000 đồng/bộ so với trước.
![Phụ nữ Hà Đông nhiều hoạt động chăm lo cho người có công](https://resource.kinhtedothi.vn/2022/07/26/phunu311.gif)
Phụ nữ Hà Đông nhiều hoạt động chăm lo cho người có công
Kinhtedothi - Trong nhiều năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) quận Hà Đông (Hà Nội) luôn coi trọng công tác hậu phương quân đội, chăm sóc giúp đỡ các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công. 5 năm qua đã có hàng nghìn đối tượng chính sách được Hội LHPN chăm lo.
![Công an quận Hà Đông triệt phá ổ nhóm cho vay nặng lãi](https://resource.kinhtedothi.vn/2022/07/26/tin-dung-den-ha-dong.jpg)
Công an quận Hà Đông triệt phá ổ nhóm cho vay nặng lãi
Kinhtedothi – Quá trình điều tra, cơ quan công an thu giữ sổ sách thể hiện số tiền các đối tượng cho khách vay lên tới hàng tỷ đồng với lãi suất cho vay từ 146%/năm đến 152%/năm.
![Hà Đông: Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm ở chợ còn nhiều khó khăn](https://resource.kinhtedothi.vn/2022/08/07/114415fb-a01a-4f58-8b22-f3b72ca0f8b6.png)
Hà Đông: Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm ở chợ còn nhiều khó khăn
Kinhtedothi - Thực hiện Đề án "Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025" (Đề án), trong 6 tháng đầu năm 2022 quận Hà Đông triển khai nhiều giải pháp. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn trong quá trình thực hiện.