Người dân Nhật Bản đối phó với bão giá hàng tiêu dùng ra sao?
Kinhtedothi - Trước tình trạng giá thực phẩm tại Nhật Bản tăng vọt, nhiều người tiêu dùng đang tìm cách thích nghi bằng cách trồng rau tại nhà và sử dụng các nguyên liệu thay thế trong bữa ăn hàng ngày.

Kirina Mochizuki, một bà nội trợ người Nhật, luôn coi okonomiyaki, món bánh xèo truyền thống của Hiroshima là món ăn đơn giản và tiết kiệm. Tuy nhiên, với giá bắp cải tăng gấp ba lần, bà phải thường xuyên đi siêu thị săn hàng giảm giá hoặc thay thế nguyên liệu bằng rong biển khô.
"Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng okonomiyaki lại trở thành một món ăn xa xỉ," Mochizuki chia sẻ. Bà thậm chí còn tận dụng phần gốc hành lá bỏ đi để tự trồng lại với nước.
Dữ liệu mới công bố cho thấy giá bắp cải tại Tokyo đã tăng hơn ba lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó giá gạo, mặt hàng thiết yếu được dự báo sẽ duy trì mức cao đến quý 1 năm 2026.
Sau nhiều năm giá cả ổn định, Nhật Bản hiện phải đối mặt với lạm phát kéo dài. Dù Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã tăng lãi suất lên mức cao nhất trong 17 năm nhằm thúc đẩy tiền lương, thu nhập thực tế của người lao động vẫn giảm trong 29 trên 32 tháng qua.
Tỷ lệ chi tiêu hộ gia đình dành cho thực phẩm đã đạt mức cao nhất trong vòng bốn thập kỷ, buộc nhiều người phải cắt giảm khẩu phần rau xanh. Dữ liệu mới nhất cho thấy mức tiêu thụ rau của người Nhật đã giảm xuống mức thấp kỷ lục vào tháng 11/2024.
Trước áp lực kinh tế, nhiều người Nhật đã tìm đến các giải pháp tiết kiệm như sử dụng furikake, loại gia vị khô làm từ hỗ hợp cá khô, vừng và rong biển để ăn cùng cơm hàng ngày. Doanh số furikake năm 2024 đã đạt mức kỷ lục.
Chính phủ Nhật Bản cũng đang cố gắng giảm gánh nặng chi phí cho người dân. Một gói kích thích kinh tế bao gồm trợ cấp tiền mặt cho các hộ gia đình thu nhập thấp đã được triển khai.
Đồng thời, Bộ Nông nghiệp Nhật Bản đang xem xét cho phép bán gạo dự trữ với giá thấp hơn nhằm kiểm soát giá trên thị trường.
Đối với YouTuber Kazuki Nakata, giá thực phẩm tăng cao đã giúp kênh của anh thu hút thêm hàng nghìn người theo dõi. Từ sở thích trồng rau trong nhà khi đại dịch, Nakata nay có gần 90.000 người theo dõi trên YouTube, mong muốn học cách trồng rau trong nước mà không cần đất.
Anh từ bỏ công việc bán lẻ vào năm 2023 để tập trung vào việc trồng 47 loại rau khắp nhà, từ rau shiso, hành tây đến củ cải trắng tất cả đều phát triển trong chai nhựa, lon bia hoặc thậm chí giỏ xe đạp.

Giá tiêu dùng tại Trung Quốc lần đầu tăng trong 6 tháng
Kinhtedothi - Giá tiêu dùng tại Trung Quốc đã lần đầu tiên tăng trong vòng 6 tháng, khi người dân đẩy mạnh chi tiêu trong dịp Tết Nguyên đán.

Thị trường Anh: khởi sắc trong tâm lý người tiêu dùng
Kinhtedothi - Lạm phát giảm và tình hình việc làm ổn định trở lại đang là hai lý do chính giúp cải thiện tâm lý người tiêu dùng tại Anh.

Chiến thắng của ông Trump tạo "cú hích" chưa từng có cho người tiêu dùng Mỹ
Kinhtedothi - Một thước đo tâm lý người tiêu dùng theo thời gian thực lần đầu tiên chuyển sang hướng “tích cực” kể đầu năm 2021, sau chiến thắng của Tổng thống đắc cử Donald Trump và đảng Cộng hòa trong kỳ bầu cử vừa qua.