Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

“Người đứng đầu chịu trách nhiệm về chất lượng công tác thi đua, khen thưởng của đơn vị”

Kinhtedothi - Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh: Luật Thi đua, Khen thưởng được ban hành ngày 26/11/2003 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng, tạo sự thống nhất trong tổ chức và triển khai thực hiện công tác thi đua, khen thưởng, góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước.

 Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết 13 năm thực hiện Luật Thi đua, Khen thưởng do UBND TP Hà Nội tổ chức sáng nay, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh: Luật Thi đua, Khen thưởng được ban hành ngày 26/11/2003 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng, tạo sự thống nhất trong tổ chức và triển khai thực hiện công tác thi đua, khen thưởng, góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước. Trong đó, Thủ đô đã đạt nhiều kết quả nổi bật.
 Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Anh Tuấn
Theo Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, công tác quán triệt, tuyên truyền, tập huấn về Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành đã được TP tổ chức thường xuyên, góp phần nâng cao nhận thức, chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác thi đua, khen thưởng. Công tác tổ chức các phong trào thi đua của TP cũng có nhiều đổi mới thông qua việc xây dựng các mô hình, giải pháp thi đua bám sát nhiệm vụ chính trị, phù hợp với thực tế của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, từ đó từng bước khắc phục được tính hình thức, đem lại hiệu quả thiết thực trong thực hiện các nhiệm vụ công tác trọng tâm của các cấp, các ngành và của TP. Hà Nội đã ban hành kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật nhằm cụ thể hóa Luật Thi đua, Khen thưởng, trong đó nổi bật là việc ban hành quy định các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng theo đặc thù của TP, như danh hiệu «Người tốt, việc tốt », «Công dân Thủ đô ưu tú», «Công dân danh dự Thủ đô», «Vì sự nghiệp xây dựng Thủ đô». Thông qua cách làm mới và sáng tạo của TP, công tác thi đua, khen thưởng được thực hiện thiết thực, hiệu quả hơn; người lao động trực tiếp có thành tích được phát hiện và khen thưởng kịp thời, với tỷ lệ ngày càng tăng (năm 2016 đạt gần 90%).

Bên cạnh đó, việc phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến, mô hình mới, nhân tố mới đã được đẩy mạnh. Đặc biệt, Hà Nội đã phát động và duy trì “Cuộc thi phát hiện và viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt”, qua đó, đã phát hiện và đề xuất khen thưởng kịp thời nhiều gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt, khen thưởng thành tích đột xuất với các trường hợp là công nhân, nông dân, công chức, chiến sỹ, người dân, người lao động trực tiếp.

Đặc biệt, “TP Hà Nội là địa phương đi đầu trong toàn quốc về việc xây dựng, ban hành Quyết định thành lập và quy chế tổ chức, hoạt động của Quỹ Thi đua, Khen thưởng TP. Qua đó, đã thu hút xã hội hóa Quỹ thi đua, khen thưởng phục vụ công tác tổ chức các phong trào thi đua và chi thưởng xứng đáng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc”, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.

Cùng với đó, tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng chỉ ra những bất cập, hạn chế trong quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng. Trong đó, các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành Luật nhìn chung chưa được ban hành kịp thời; hệ thống văn bản còn tương đối cồng kềnh, phức tạp; Luật có đối tượng điều chỉnh rộng nhưng tiêu chuẩn khen thưởng cho từng đối tượng còn mang tính khái quát, chưa cụ thể hóa, chủ yếu tập trung trong cán bộ, công chức, công nhân viên Nhà nước, nên thực hiện còn lúng túng. Ngoài ra, thủ tục hành chính, thẩm quyền khen thưởng quy định trong Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành còn phức tạp, chồng chéo. “Ngay sau Hội nghị này, TP sẽ hoàn thiện báo cáo gửi Ban Thi đua Khen thưởng T.Ư để đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung Luật», Chủ tịch cho biết.

Để phong trào thi đua, công tác khen thưởng của TP thời gian tới thu được nhiều thành quả, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô, Chủ tịch UBND TP đề nghị thủ trưởng các đơn vị thuộc TP bám sát chỉ đạo của lãnh đạo Hội đồng Thi đua Khen thưởng T.Ư, nội dung Chương trình hành động 228 ngày 31/12/2014 của UBND TP về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng giai đoạn 2015-2020 và Kế hoạch 115 ngày 1/6/2017 của UBND TP về khắc phục những tồn tại, hạn chế; đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng của TP. Trong đó, yêu cầu Hội đồng Thi đua Khen thưởng các quận, huyện, thị xã; các sở, ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể, các đơn vị thuộc TP xác định rõ vai trò, trách nhiệm người đứng đầu theo tinh thần Chỉ thị 34 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng. Người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị; trưởng các phòng, ban, ngành phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng tại cơ quan, đơn vị; lấy kết quả thực hiện công tác thi đua, khen thưởng của cơ quan, đơn vị là một tiêu chí đánh giá năng lực người đứng đầu.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung yêu cầu tập trung chỉ đạo đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thi đua khen thưởng theo 5 nội dung: Thứ nhất, nội dung hoạt động cụm thi đua cần hướng tới xây dựng các chuyên đề thi đua bám sát nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá của TP để các đơn vị trong cụm cùng thi đua đăng ký và đề ra các giải pháp, tiêu chí đánh giá, mô hình thực hiện; đề cao vai trò trách nhiệm của cụm trưởng, khối trưởng; thường xuyên tổ chức trao đổi, học tập, nhân rộng mô hình, chuyên đề thi đua; tăng cường giao lưu, học tập, nhân rộng điển hình tiên tiến...

Thứ hai, về đổi mới nội dung, hình thức phát động các phong trào thi đua, căn cứ nhiệm vụ chính trị được giao, các đơn vị cần rà soát, lựa chọn nhiệm vụ trọng tâm, khâu yếu, việc khó, tập trung xây dựng các chuyên đề thi đua, các mô hình, giải pháp đăng ký với cụm thi đua và TP để tổ chức thực hiện hiệu quả các phong trào, như “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị”, “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc trong tình hình mới”; “An toàn thực phẩm”... Trong đó, cần tổ chức phát động thi đua, vận động đội ngũ cán bộ công nhân viên chức và người dân tham gia thực hiện.

Thứ ba, để đổi mới công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết, nhân điển hình tiên tiến; nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, mỗi đơn vị phải thành lập tổ công tác để phát hiện, tuyên truyền và đề xuất khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, gương người tốt việc tốt trong thực hiện nhiệm vụ và trên các lĩnh vực đời sống xã hội; đồng thời phát động ít nhất 1 đợt thi đua cùng điển hình tiên tiến trong năm. “Hàng tháng, mỗi đơn vị phát hiện và đề xuất 2-5 gương điển hình tiên tiến để khen thưởng, trong đó phát hiện, kịp thời khen thưởng cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân lao động trực tiếp sản xuất, giữ gìn an ninh trật tự, sẵn sàng chiến đấu”, Chủ tịch UBND TP nêu rõ.

Thứ tư, yêu cầu các đơn vị ứng dụng có hiệu quả CNTT trong chỉ đạo điều hành và thực hiện cải cách TTHC có liên quan đến quy trình, thủ tục, hồ sơ khen thưởng mức độ 3; đặc biệt ứng dụng CNTT trong xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý, điều hành; rà soát, cải cách TTHC, đơn giản hóa TTHC trong thi đua, khen thưởng...

Thứ năm, cần kiện toàn tổ chức và đội ngũ cán bộ làm công tác này các cấp gắn với hoạt động thực tiễn của đơn vị, đảm bảo số lượng, tính kế thừa và ổn định; kiện toàn, phân công rõ trách nhiệm của Hội đồng Thi đua Khen thưởng và Hội đồng sáng kiến, sáng tạo các cấp; sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy định của Hội đồng theo hướng rõ người, rõ việc; một người, một đầu mối xuyên suốt. Lưu ý, UBND các quận, huyện, thị xã bố trí 1 cán bộ chuyên trách làm công tác thi đua, khen thưởng; phường, xã, thị trấn bố trí cán bộ Văn phòng Thống kê kiêm nhiệm làm công tác này; các sở, ban, ngành, đơn vị thuộc TP bố trí cán bộ kiêm nhiệm làm công tác thi đua, khen thưởng đảm bảo tính ổn định.

Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Tin tài trợ