Nhân viên đường sắt, những chủ nhà thật thà, tốt bụng
Kinhtedothi - “Để mưu sinh, nuôi 4 con ăn học có lúc tôi đã phải chạy Grab nhưng nói đến tiền bạc và hành lý của hành khách đi tàu thì tôi và anh chị em tổ tàu cương quyết tìm cách trả về cho chủ nhân” Trưởng tàu Lê Ngọc Huấn khẳng định.
Năm 2023, cán bộ, nhân viên đường sắt đã trả lại cho hành khách đi tàu hàng trăm trường hợp bỏ quên giấy tờ, tiền bạc và tài sản trị giá trên 1 tỷ đồng. Ngoài thư cám ơn, nhiều hành khách để quên ví, giấy tờ, tiền bạc khi đi tàu đã có thư gửi tới các cơ quan báo chí đề nghị viết bài biểu dương “người tốt, việc tốt”.
Ga tàu là nhà
“Đến thời điểm này phải khẳng định công tác an ninh, trật tự ga, tàu đường sắt đã có những bước chuyển biến rõ rệt, đúng như nhiều hành khách tự cảm nhận “ga tàu là nhà, nhân viên đường sắt là chủ nhà thật thà, tốt bụng”. Trong quý I năm nay, đường sắt đã đón gần 1,7 triệu lượt hành khách đi tàu, vượt kế hoạch 5%, tăng 12% so với cùng kỳ và đang có xu hướng tăng trong thời gian tới” Chủ tịch Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Đặng Sỹ Mạnh thông báo.
Nhiều năm nay, đường sắt đã đầu tư hệ thống camera tại các ga tàu, phần mềm bán vé đã có thông tin hành khách, đặc biệt là làm tốt công tác giáo dục ý thức, trách nhiệm cho đội ngũ nhân viên phục vụ trên tàu, dưới ga công tác an ninh, trật tự nói chung, công tác quản lý tư trang, hành lý của hành khách đi tàu đã chuyển biến tích cực. 100% các trường hợp hành khách bỏ quên ví, hành lý, tài sản, giấy tờ trên tàu đều được hoàn trả. Nhiều hành lý, thậm chí cho đến khi nhận lại tài sản, giấy tờ mới sực nhớ, mình bỏ quên mà không hay. Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Tâm (Viện Lãnh đạo học và Chính sách công) chia sẻ, thật may mắn khi đi tàu từ Vinh ra Hà Nội, về đến nhà bản thân chị cũng không biết mình bị quên ví trên tàu, khi anh em đường sắt gọi báo, chị mới giật mình.
Những bông hoa đẹp
Theo số liệu thống kê, trong quý I năm nay, riêng Đoàn Tiếp viên Đường sắt Hà Nội đã lập biên bản và bàn giao 44 trường hợp hành khách để quên tài sản trên tàu, ngoài giấy tờ, còn có 74 triệu đồng, 886 USD, 2.150 Nhân dân tệ, 480 AUD (tiền Úc), 11 điện thoại di động, 3 laptop, 1 đồng hồ Rolex…với tổng trị giá khoảng 300 triệu đồng. Các tập thể tổ tàu do các trưởng tàu Lê Ngọc Huấn, Kiều Mạnh Cường, các nhân viên Lê Minh Tuấn, Nguyễn Quang Trung (Trạm Tiếp viên Hà Nội), tổ tàu TV9 của Trưởng tàu Nguyễn Đức Vân và cá nhân trưởng tàu Nguyễn Đức Vân (Trạm Tiếp viên Vinh) đã được biểu dương, khen thưởng.
Những tập thể, cá nhân này đã và đang truyền cảm hứng cho chính đội ngũ anh, chị em làm công tác phục vụ của ngành đường sắt, làm đẹp thêm hình ảnh người công nhân đường sắt, lan tỏa truyền thống văn hóa đường sắt. Họ chính là những bông hoa đẹp trong đội ngũ gần 24 ngàn lao động của Tổng công ty Đường sắt xứng đáng được biểu dương trên báo, đài.
“Thực tế, hiện nay anh em nhân viên trên tàu chúng tôi chưa giàu tiền bạc nhưng lại đang giàu lòng tự trọng, bất luận hành khách để quên bao nhiều tiền, các tổ tàu đều tìm mọi cách liên hệ trả lại người mất. Đến giờ, 100% tổ tàu đều quán triệt tới từng nhân viên tổ tàu và điều này đang làm hình ảnh nhân viên đường sắt đẹp dần trong mắt hành khách đi tàu. Ngoài các tập thể được Tổng công ty, Công ty khen thưởng trị giá 6 triệu đồng, Đoàn Tiếp viên đã khen thưởng kịp thời 1 tập thể, 3 cá nhân tiêu biểu với số tiền 1,4 triệu đồng” Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đoàn Tiếp viên Đường sắt Hà Nội Vũ Thanh Bình khẳng định.
Hành khách ghi nhận
Hành khách Vũ Đức Nhiệm (Chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư và Xây dựng có trụ sở tại Thanh Hóa) đi tàu SE20 ngày 18/2/2024 từ Đà Nẵng về Thanh Hóa đã để quên ví có 20,45 triệu đồng, 1 điện thoại Vetur và nhiều giấy tờ quan trọng khách. Sau khi được nhận đủ tiền, giấy tờ, trong thư cám ơn gửi Tổng giám đốc Đường sắt Việt Nam Hoàng Gia Khánh đã bày tỏ “chân thành cảm ơn các anh chị em Trạm Vận tải đường sắt Thanh Hóa và tổ tàu SE20- trưởng tàu Nguyễn Đức Vân” và đánh giá cao việc ngành đường sắt đã làm tốt công tác giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ nhân viên phục vụ. Tương tự hành khách Trần Thị Thu Hà đi tàu SE1 ngày 19/2/2024, Trưởng tàu Hoàng Văn Đại đoạn Vinh-Đà Nẵng cũng đã nhận được trên 20 triệu đồng, 2 điện thoại đắt tiền đã có lời cám ơn tới lãnh đạo Công ty Cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội.
Trong 2 năm Covid-19, nhiều tháng ròng đường sắt ngừng chạy tàu, nhân viên đường sắt nghỉ chờ việc phải tất tả xuôi ngược bán hàng online, chạy xe ôm, bảo vệ chung cư để nuôi sống gia đình. Khi chạy lại tàu, nhặt được tiền, tài sản của hành khách, tất thảy anh, chị, em đều tìm cách trả lại cho khách, không ai có ý nghĩ tơ hào. Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Đoàn Tiếp viên Đường sắt Hà Nội Phan Hải Cường chia sẻ: đơn vị chúng tôi vừa có 3 tập thể tổ tàu và 3 cá nhân được Công ty và Tổng công ty biểu dương, khen thưởng nhưng tôi tin rằng bất cứ cá nhân, tổ tàu nào của Đoàn Tiếp viên Đường sắt Hà Nội nếu đối diện với các tình huống trên đều hành động như thế.
Hiện nay tại tất cả các nhà ga và gần 50 tổ tàu Thống Nhất, tàu địa phương, quy trình xử lý khi phát hiện hành khách bỏ quên tiền bạc, tài sản đã được triển khai chuyên nghiệp. Đối với những người mới vào nghề, đây là những bài học đầu tiên, là văn hóa đường sắt, đạo đức nghề nghiệp mà người đi trước nhất định phải bày, dạy cho người đi sau nên không hề để xẩy ra tình huống đáng tiếc nào. Hành khách có thể coi ga, tàu như chính ngôi nhà thân yêu của mình mà họ và nhân viên chính là những người thân thiết, ruột thịt, không cần quá cảnh giác, lo sợ mất mát. Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trong lần đi tàu SE3 đã có những lời biểu dương khen ngợi về thái độ và tinh thần phục vụ cũng như sự đổi mới tích cực của đường sắt.
Nói về nét đẹp ga tàu trong thời gian gần đây, Chủ tịch Công đoàn Đường sắt Việt Nam Mai Thành Phương cho biết: người đường sắt luôn tâm niệm “đói cho sạch, rách cho thơm”, nhặt được tiền, tài sản của hành khách để quên hay thất lạc là dứt khoát phải tìm mọi cách liên lạc để trả lại. Điều này làm cho hành khách ngày càng an tâm khi chọn tàu hỏa làm phương tiện di chuyển, cùng với việc vệ sinh ga, tàu sạch sẽ, giá vé hợp lý, tỷ lệ tàu đúng giờ cao…các mác tàu SE1/2, SE3/4, SE19/20 luôn kín chỗ.
Nhờ đâu vận tải đường sắt bắt đầu làm ăn có lãi?
Kinhtedothi - Ngành đường sắt dần phục hồi khi hoạt động kinh doanh đang có nhiều tín hiệu tích cực sau thời gian dài thua lỗ vì nhiều nguyên nhân khác nhau.
Đầu tư nâng cấp đường sắt xong lại thiếu đầu máy, toa xe
Kinhtedothi - Điểm mới về quy định niên hạn phương tiện trong Luật Đường sắt 2017 đã “trói chặt” kinh doanh vận tải đường sắt khi không thể kiếm đâu ra 7.000 tỷ đồng đầu tư đóng mới đầu máy, toa xe. Nếu nhập đầu máy diesel thì đến năm 2050 cũng sẽ bị cấm chạy theo Công ước COP26.
Bộ Chính trị kết luận về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt
Kinhtedothi-Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã ký ban hành Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030.