Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Nhờ đâu vận tải đường sắt bắt đầu làm ăn có lãi?

Kinhtedothi - Ngành đường sắt dần phục hồi khi hoạt động kinh doanh đang có nhiều tín hiệu tích cực sau thời gian dài thua lỗ vì nhiều nguyên nhân khác nhau.

Các DN vận tải đường sắt đã bắt đầu làm ăn có lãi.

Đường sắt đã thoát lỗ

Thống kê mới nhất Tổng cục Thống kê cho thấy, tháng 10/2022, vận tải hành khách ước đạt 3.086,7 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 44,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 giảm 27,4%) và luân chuyển đạt 146,1 tỷ lượt khách.km, tăng 68,8% (cùng kỳ năm trước giảm 34,7%).

Đáng mừng nhất trong các lĩnh vực vận tải có lẽ là ngành đường sắt. Không phải vì vận tải đường sắt tăng trưởng mạnh nhất trong tháng 10 vừa qua, mà vì lâu lắm rồi hoạt động kinh doanh của ngành này mới có lãi.

Cụ thể, vận chuyển hành khách bằng đường sắt ước đạt 3,7 triệu hành khách (tăng ấn tượng 187,1%) và luân chuyển đạt 1,4 tỷ hành khách.km (tăng 140,2%) so với cùng kỳ năm trước. Còn vận chuyển hàng hóa giữ vững đà tăng, chuyên chở 4,8 triệu tấn (tăng 4,9%) và luân chuyển 3,8 tỷ tấn/km (tăng 19,6%) so với cùng kỳ năm trước.

Không những thế, báo cáo tài chính cũng cho thấy kết quả kinh doanh của Vận tải đường sắt có nhiều tín hiệu tích cực. Theo đó, kết quả sản xuất kinh doanh 9 tháng năm 2022 do Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội vừa công bố, tổng doanh thu cung cấp dịch vụ hàng hóa dịch vụ, doanh thu tài chính và thu nhập khác đạt hơn 1.760 tỷ đồng. Mức doanh thu này vượt 37% so với cùng kỳ 2021, tương đương tăng hơn 650 tỷ đồng.

Những tín hiệu tích cực trong kinh doanh của ngành đường sắt đã giúp lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 2022 ngành này bất ngờ đảo chiều. Từ mức lỗ hơn 88 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021, lên mức lãi hơn 35,2 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận từ vận tải hàng hóa khoảng 60%, từ vận tải hành khách khoảng 40%. Doanh thu và thu nhập của công ty tăng 37%, trong khi tỷ lệ tăng chi phí thấp hơn là 31%.

Kết quả kinh doanh của Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn phấn khởi không kém khi 9 tháng năm 2022, doanh thu sản xuất kinh doanh của đơn vị này đạt khoảng 1.219 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế hơn 38,3 tỷ. Trong khi cùng kỳ năm trước, doanh thu chỉ được hơn 648,6 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế âm hơn 61,3 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế quý III/2022 của Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn lãi hơn 18,7 tỷ đồng, góp phần đưa kết quả 9 tháng năm 2022 lãi hơn 38,3 tỷ đồng. Trong đó, lãi từ vận chuyển hàng hóa khoảng 23 tỷ đồng, từ vận chuyển hành khách khoảng 7 tỷ đồng và từ các hoạt động dịch vụ khác hơn 8 tỷ đồng.

Như vậy, trong các loại hình vận tải, hoạt động vận tải bằng đường sắt chứng kiến mức tăng trưởng vô cùng tích cực, cả về vận tải hành khách và hàng hóa so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều giải pháp đồng bộ được triển khai đã giúp tình hình kinh doanh của vận tải đường sắt có chuyển biến tích cực.

Nhiều giải pháp đồng bộ

Giới chuyên môn nhận định, trong bối cảnh nhu cầu di chuyển của người dân tăng cao, ngành đường sắt gặt hái một mùa hè bội thu sau khi thắng lớn dịp 30/4 - 1/5. Đây là một trong những nguyên nhân chính giúp các doanh nghiệp Vận tải đường sắt đều báo lãi sau 9 tháng đầu năm 2022 và doanh thu tăng mạnh, đặc biệt là doanh thu vận chuyển hành khách.

Nhìn tổng quan, tình hình dịch Covid-19 đã được kiểm soát chính là yếu tố quan trọng nhất giúp Vận tải đường sắt phục hồi. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, khi dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu đi lại của người dân dần phục hồi làm cho sản lượng, doanh thu cung cấp hàng hóa dịch vụ tăng lên. Điều này giúp cho các lĩnh vực vận tải hưởng lợi, trong đó có đường sắt.

Bên cạnh đó, sự chủ động và linh hoạt của các DN đường sắt trong việc thay đổi chiến lược và mô hình kinh doanh phù hợp với tình hình mới cũng giúp họ đang dần đứng dậy nhờ nội lực của chính mình. Đơn cử như Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn, DN này tiết giảm tối đa các khoản chi tiêu, do đó, kết quả, lợi nhuận sau thuế quý 3 ở mức gần 19 tỷ đồng, nâng mức lãi sau 3 quý đầu năm lên hơn 38 tỷ đồng.

Trong đó, lãi từ vận chuyển hàng hóa khoảng 23 tỷ đồng, từ vận chuyển hành khách khoảng 7 tỷ đồng và từ các hoạt động dịch vụ khác hơn 8 tỷ đồng. Trong khi đó, cùng kỳ 9 tháng năm 2021, doanh thu của Vận tải đường sắt Sài Gòn chỉ đạt gần 650 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế âm hơn 60 tỷ đồng.

Lãnh đạo Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, bước sang năm 2022, sau thời gian triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, Chính phủ thực hiện điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp giúp cho cuộc sống trở lại trạng thái “bình thường mới”, đời sống kinh tế - xã hội trở lại trạng thái như trước đại dịch Covid-19. Vì lẽ đó, các hoạt động du lịch, dịch vụ, thể thao, văn hoá – nghệ thuật trở lại bình thường, nhu cầu hành khách di chuyển bằng đường sắt gia tăng.

PGS.TS Ngô Trí Long – chuyên gia kinh tế nhìn nhận, một nguyên nhân không kém phần quan trọng giúp Vận tải đường sắt phục hồi phải nhắc đến là trong kế hoạch dài hơi, các doanh nghiệp đường sắt sẽ được cơ cấu lại hoạt động. Theo đó, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội và Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn dự kiến hợp nhất thành một công ty cổ phần vận tải đường sắt.

Việc hợp nhất sẽ tăng cường tính chuyên môn hoá, tách bạch vận tải hàng hóa và vận tải hành khách, thu hút các thành phần kinh tế khác tham gia, đầu tư vào vận tải hàng hóa, hành khách để khai thác nguồn lực xã hội về tài chính, công nghệ, thị trường và đặc biệt là quản trị. Hơn nữa, việc hợp nhất sẽ hạn chế tối đa cạnh tranh nội bộ, kỳ vọng cải thiện hơn về hiệu quả sản xuất kinh doanh. 

 

“Nhận thức của ngành giao thông về vai trò đường sắt chưa tương xứng, trên thế giới, dù phát triển tới đâu, vận tải hàng hoá vẫn dựa vào đường sắt để giảm chi phí, đảm bảo an toàn” - Chủ tịch Hội Kinh tế và Vận tải đường sắt, GS.TS Bùi Xuân Phong

Tập trung 3 nội dung phát triển giao thông vận tải đường sắt

Tập trung 3 nội dung phát triển giao thông vận tải đường sắt

Ngành vận tải đường sắt chuyển mình mạnh mẽ

Ngành vận tải đường sắt chuyển mình mạnh mẽ

Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Chuyển đổi số để tối ưu hiệu quả quản lý vận tải

Chuyển đổi số để tối ưu hiệu quả quản lý vận tải

20/01/2025 | 08:27

Kinhtedothi - Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội Đào Việt Long cho biết, thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ đã mang đến những kết quả thiết thực, rõ rệt cho công tác quản lý GTVT của Hà Nội.

TOD và bài toán quy hoạch

TOD và bài toán quy hoạch

19/01/2025 | 09:24

Kinhtedothi - Transit Oriented Development (TOD) là định hướng phát triển đô thị lấy vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) nhanh, khối lớn làm hạt nhân trung tâm. Đây cũng là định hướng phát triển của Hà Nội trong hiện tại và tương lai, tuy nhiên TOD cũng đặt ra cho TP bài toán khó về quy hoạch.

Hà Nội: Tạm dừng đào đường, hè phố dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2025

Hà Nội: Tạm dừng đào đường, hè phố dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2025

17/01/2025 | 21:58

Kinhtedothi- Để đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị và tạo thuận lợi cho Nhân dân đi lại trong dịp Tết Nguyên đán 2025, Sở GTVT Hà Nội ban hành văn bản yêu cầu các đơn vị tạm dừng thi công đào đường, hè trên địa bàn TP từ ngày 22/1 - 12/2/2025.

Tin tài trợ