Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Nhiều tiêu chí xây dựng nông thôn mới là lãng phí

Kinhtedothi - Sáng 4/11, thảo luận về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với tái cơ cấu nền nông nghiệp, các đại biểu (ĐB) Quốc hội đều đồng tình với những kết quả to lớn chương trình đã đạt được, nhưng cũng chỉ ra không ít bất cập cần sửa đổi.

Các ĐB đều đánh giá, đây là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, hợp lòng dân, sát với yêu cầu, nguyện vọng của Nhân dân. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được phê duyệt và triển khai rộng rãi trên toàn quốc đã đạt những kết quả quan trọng. Diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi nhất là hệ thống giao thông nông thôn, kết cấu hạ tầng xã hội; mô hình sản xuất tập trung bước đầu được hình thành, thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, nhận thức của người dân được thay đổi, phát huy vai trò chủ thể của Nhân dân trong xây dựng NTM.
Từ chỗ còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước, người dân đã chủ động tham gia tích cực vào xây dựng NTM (bằng nhiều hình thức cụ thể như hiến đất, đóng góp ngày công, kinh phí...). Cơ chế trao quyền tự quyết cho cộng đồng thôn, xã đã phát huy sự năng động, sáng tạo của các địa phương... xây dựng NTM đã trở thành phong trào sôi động rộng khắp cả nước; đã có sự tham gia của toàn xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, kể cả lực lượng quân đội với phong trào "Quân đội chung sức xây dựng NTM". Qua giám sát cho thấy, những xã được địa phương quan tâm ưu tiên tập trung nguồn lực để đầu tư đều sớm đạt tiêu chí NTM, thu nhập của người dân đã được nâng lên đáng kể
Như ĐB Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) nhận xét: Chưa có chương trình nào nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng của toàn xã hội như Chương trình xây dựng NTM. NTM đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, theo ĐB: "Nguồn lực đầu tư cho chương trình xây dựng NTM chưa đáp ứng được như cầu thực tế của các địa phương và việc đầu tư cũng khác nhau, nên kết quả thực hiện giữa các địa phương không đồng đều. Trong khi, khu vực Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Hồng có nhiều xã đạt đủ tiêu chí NTM thì ở các tỉnh như miền núi, vùng sâu, vùng xa, việc xây dựng NTM còn rất hạn chế".
Về việc đầu tư cho xây dựng NTM hiện nay, có một số tiêu chí rất lãng phí như xã nào cũng xây chợ, trung tâm bưu điện, trong khi lại thiếu trường học, cơ sở y tế, nhà văn hóa, nhất là nhà văn hóa thôn, bản đang rất cần hay thư viện cho các em học sinh nông thôn.
"Trong 2 ngày thảo luận tình hình kinh tế - xã hội và tái cơ cấu nền kinh tế, tất cả các ý kiến chỉ nói về kinh tế mà không nói về văn hóa, đây là sự chênh lệch. Kinh nghiệm một số nước, cứ phát triển kinh tế, văn hóa sẽ phát triển, song cũng có thể ngược lại là văn hóa có thể bị tác động, mai một. Như ở Việt Nam, bây giờ không ai đưa ra lối thoát để cho các em học sinh ở nông thôn có chỗ vui chơi, để thoát ra khỏi các quán games, các tệ nạn xã hội", ĐB nêu. Và cũng chỉ ra bất cập nữa trong xây dựng NTM, đó là nhiều xã chạy theo thành tích huy động quá sức dân, thậm chí huy động cả người già, gia đình, chính sách. Từ đó dẫn đến vấn đề nợ trong NTM cao, hiện có tới 53/63 tỉnh, thành đang nợ đọng xây dựng NTM. Thậm chí, có một số cán bộ thôn bản còn lợi dụng chương trình này để tham ô, tha hóa, gây bất bình trong quần chúng nhân dân.
Từ các hạn chế này, ĐB Phương đề xuất, Nhà nước cần phải đầu tư cho phát triển nông thôn. Để giải quyết vấn đề quá tải dân số ở nông thôn, chúng ta phải bắt đầu từ nông thôn, tức là đầu tư cho nông thôn nhiều hơn nữa để làm sao cho người dân ở nông thôn không bỏ lên các thành phố lớn, thậm chí còn thu hút người dân ở đô thị về với nông thôn. Bởi chúng ta suy ra từ chính mình ra, tôi được biết nhiều đại biểu đang ngồi ở đây, đều mua nhà cho con cái lên thành phố ở cả.
ĐB Võ Kim Cự (đoàn Hà Tĩnh) cũng cho rằng, hình thái tổ chức sản xuất nông nghiệp nước ta còn manh mún, lạc hậu, mang tính tự cung tự cấp. Một số địa phương không có doanh nghiệp, HTX nên không có ai lo từ cung cấp giống, vật tư nông nghiệp đến tiêu thụ sản phẩm. Việc xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu nông nghiệp là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, là vấn đề trọng tâm và thường xuyên của cả hệ thống chính trị vì trên 70% dân số nước ta gắn với nông nghiệp. Chúng ta xây dựng nền nông nghiệp xanh, sạch, hữu cơ, một nền nông nghiệp hàng hóa. Tuy vậy, hiện ngành nông nghiệp còn một số tồn tại. Đó là khâu tiêu thụ sản phẩm còn đang bị phân tán giữa ngành và địa phương. Việc đầu tư phát triển, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất chưa đúng mức và đúng tầm.
Để đạt được mục tiêu đã đề ra, ĐB Võ Kim Cự kiến nghị: Thời gian tới cần làm tốt công tác quy hoạch và điều chỉnh sản phẩm nông nghiệp theo vùng và liên vùng; Đầu tư công nghệ cao đối với những sản phẩm chủ lực của nông nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa nông nghiệp. Về cơ chế chính sách, cơ quan có thẩm quyền cần cụ thể hóa Điều 6 Luật Hợp tác xã, sớm ban hành Nghị định riêng về chính sách hỗ trợ Hợp tác xã nông nghiệp, cần đầu tư nguồn lực đúng tầm hơn nhằm khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp làng nghề. Trong quá trình triển khai xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, vai trò của địa phương rất quan trọng có ý nghĩa quyết định. Do vậy, đề nghị Trung ương sớm chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 13 và 5 năm thực hiện Luật Hợp tác xã.
Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Tin tài trợ