Nhớ một thời lê la rượu “cỏ”!
Kinhtedothi - Lứa chúng tôi tốt nghiệp đại học sau năm 1994, thời đó còn đói kém lắm, ăn còn bữa đực bữa cái, lấy đâu ra tiền mà nhậu nhẹt…
Ra trường, lứa chúng tôi có nhiều số không. Không tiền bạc, không xe cộ, không nhà cửa, phương tiện liên lạc thì ngoài điện thoại công cộng, ông nào oai lắm thì có cái máy nhắn tin. Chấm hết. Ăn còn lo từng bữa, nói gì đến nhậu, ấy vậy nhưng nếu lâu ngày mà thiếu đi cái thứ nước cay cay là không được. Đặc biệt là những dịp như sinh nhật, tết Tây…
Nhưng hỡi ôi, ra trường rồi, những “cửa” ăn chịu đều bị đóng hết. Thế là mỗi khi đói cơm - thèm rượu, đành mon men đến với các đàn anh đi trước. Vì tình nghĩa anh em, chẳng ai nỡ từ chối nhau lúc đói kém!
Nói vậy thôi chứ lớp đàn anh (tiếng là ra trường trước), nhưng nhiều người vẫn chưa có việc làm, thành thử “cơm gặp mặt” lắm lúc chỉ “nhõn” món mì tôm nấu với mướp (vặt trộm ở giàn hoa) của một lớp học…
Nhưng “phi tửu bất thành lễ”, anh em gặp nhau thiếu chén rượu, mất vui. Thế là muốn có rượu, đành nhờ tài ngoại giao của các bậc đàn anh. Mà cũng chịu mấy bố khóa trước, dẫu chửa nuôi nổi thân, nhưng mỗi khi đám đàn em kéo đến phòng trọ, kiểu gì cũng phải lo cho chúng… cơm no rượu say!
Thời gian trôi đi, rồi chúng tôi ai cũng có việc làm, tạm biệt loại rượu săm - chúng tôi dần nâng cấp bữa uống của mình lên hàng “cỏ”. Cũng cần phải nhắc lại rằng, những năm 90 của thế kỷ trước, quán xá ở Hà thành còn khiêm lắm. Không phải phố nào cũng Lan Chín, Thu Hằng, Hải Xồm như bây giờ, vì bia hơi vẫn là thứ xa xỉ.
Những lúc trong túi có trăm bạc nhuận bút, anh em thường hú nhau ra mạn Tạm Thương, Thợ Nhuộm. Đấy là nơi của mấy thằng mới tập tọng viết lách, nhưng tầm uống rượu lắm đứa đã… thượng thừa…
Hồi ấy phương tiện liên lạc chỉ có điện thoại công cộng, nhưng sự hẹn hò của chúng tôi cực chuẩn. Cứ quãng giờ đấy, ngày đấy, nếu gọi số máy bàn mà không có mặt tại cơ quan, mò ra quán O phố Thợ Nhuộm, hoặc ngõ Tạm Thương, kiểu gì cũng gặp. Trong số vài quán rượu chúng tôi hay lê la, nhớ nhất vẫn là quán O phố Thợ Nhuộm.
Gọi là quán cho sang, kỳ thực địa chỉ trên tuềnh toàng lắm. Vài ba cái ghế gỗ đã sờn, trên vách lủng lẳng cây ghi ta, mấy vò rượu “cỏ” lăn lóc nơi góc tường, đồ nhắm chỉ quả cóc chấm muối, đĩa lạc rang húng lìu… Ấn tượng nhất là chủ quán, một bà O tuổi chừng thất thập.
Với chất giọng miền Trung trầm ấm, O dịu dàng với đám thực khách chỉ đáng tuổi con. Mỗi lúc cao hứng, bà còn ôm mandolin hát vài ca khúc thời chống Pháp, chống Mỹ…
Tuổi trẻ của chúng tôi sao trôi đi qua nhanh quá. Nhìn lại đa phần đã ở ngưỡng 7 phần ông! Ngoài ngũ tuần, “nhịp uống” cũng thưa dần theo sức khỏe. Hôm rồi, sau nhiều năm, anh em chúng tôi mới tụ tập, ông nào cũng lễ mễ mang theo 1 “lọ”, mà tuyền hạng có “tên tuổi”. Lâu ngày không gặp, rượu ngon - bạn hiền, trong đám có người nhắc đến quán O…
Mà chả biết từ lúc nào, hình như không có người quay về Thợ Nhuộm, chẳng biết bà O ngày nào còn mạnh bạo? Chỉ thứ rượu “cỏ” ngày nào giờ vẫn “cay” trong ký ức…
Thành lập Tổng đài hỗ trợ, ứng cứu học sinh, sinh viên trên không gian mạng
Kinhtedothi – UBND TP Hà Nội đặt ra mục tiêu giai đoạn 2023 – 2025 phấn đấu trên 90% học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp (GDNN) được tuyên truyền và tích cực thực hiện Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội và đến giai đoạn 2025 – 2030 là 100%.
Tăng cường bảo đảm an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên
Kinhtedothi - Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia vừa có công điện gửi Chủ tịch UBND kiêm Trưởng Ban ATGT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT và bảo đảm an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên.
Sân chơi khoa học bổ ích cho sinh viên
Kinhtedothi- Trường ĐH Thủ đô Hà Nội vừa tổ chức chung kết hoạt động sinh viên nghiên cứu khoa học năm học 2022-2023. Đây là hoạt động thường niên của trường với những đề tài nghiên cứu, giải quyết vấn đề thực tiễn, có sản phẩm ứng dụng trong học tập và hoạt động nghề nghiệp của sinh viên.