Những thương vụ bán vốn Nhà nước đình đám trong năm nay
Năm 2018, nhiều DN Nhà nước thực hiện cổ phần hóa, thị trường mua bán, sáp nhập sẽ có những thương vụ đình đám.
Hapro và những khu đất vàng
Mặc dù kinh doanh không hiệu quả nhưng nhờ sở hữu những khu đất có vị trí đắc địa tại Hà Nội, 65% số cổ phần của Công ty mẹ - Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đang nằm trong tầm ngắm của các DN bán lẻ. Tổng Công ty thương mại Hà Nội (Hapro) tiến hành cổ phần hóa (IPO) vào cuối tháng 3 tới.
Theo Bản công bố thông tin của Hapro, trước cổ phần hóa, Tổng công ty đang quản lý và sử dụng 183 cơ sở nhà, đất. Sau cổ phần hóa, Công ty cổ phần Hapro tiếp tục quản lý sử dụng 114 địa điểm, trong đó có 96 cơ sở nhà, đất tại Hà Nội.
Trong số đó, có 32 địa điểm cơ sở nhà, đất Hapro ký hợp đồng thuê nhà đất với Nhà nước thì không tính giá trị tài sản trên đất và đất thuê vào giá trị DN, phần diện tích Hapro xây dựng thêm được xác định vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa.
Có 64 địa điểm có tài sản nhà là tài sản của DN, đất thuê của Nhà nước. Trong đó, có dự án 11B Tràng Thi, quận Hoàn Kiếm không tính vào giá trị DN cổ phần hóa, đã tính vào giá trị vốn góp của Hapro tại CTCP Khách sạn Tràng Thi (đang nắm giữ 30%). Hiện Hapro đang đứng tên thuê đất, có trách nhiệm phối hợp với CTCP Khách sạn Tràng Thi và Sở TN-MT Hà Nội để hoàn tất thủ tục đất đai, đầu tư dự án khách sạn tại 11B Tràng Thi.
Còn 63 cơ sở nhà, đất còn lại Hapro sẽ phải tiến hành đánh giá lại tài sản trên đất để xác định vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa.
Nhựa Bình Minh nằm trong tầm ngắm của ông chủ người Thái
Ngày 12/2/2018 chỉ mấy ngày trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất, SCIC đã có thông báo bán vốn tại CTCP Nhựa Bình Minh (HoSE: BMP).
Ngay sau khi Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước - SCIC đăng ký bán toàn bộ hơn 24,1 triệu cổ phần nắm giữ tại CTCP Nhựa Bình Minh (BMP), một doanh nghiệp nhựa của Thái Lan đã “nhảy” vào đăng ký tham gia đấu giá. DN Thái này không đâu xa lạ mà chính là The Nawaplastic Industries (Saraburi) Co., Ltd, cổ đông lớn nắm giữ hơn 16,7 triệu cổ phiếu BMP, tương đương hơn 20,4% vốn điều lệ tại Nhựa Bình Minh.
BMP đang giữ vương vị DN đầu ngành nhựa. Giá cổ phiếu BMP đang được cho là có mức tăng trưởng ngắn hạn nhưng chưa đủ mạnh mẽ cùng giai đoạn VN-Index tăng trưởng mạnh vừa qua. Nếu tính đến tháng 12/2017, trong vòng 1 tháng BMP tăng 29%, trong 3 tháng tăng 30%, nhưng trong vòng 1 năm lại giảm 12% so với cùng kỳ năm 2016.
Cổ phiếu Tổng công ty Khí Việt Nam cũng được chờ đợi
Nằm im khá lâu trên thị trường với quy mô cồng kềnh về vốn hóa, giá trị lẫn tỷ lệ sở hữu Nhà nước, Tổng công ty Khí Việt Nam (HoSE: GAS) lên sàn chứng khoán từ 2012, cũng sẽ có bước chuyển động mới năm 2018.
Theo lộ trình, PVN -Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, cổ đông lớn nắm hơn 96% cổ phần của GAS sẽ thoái vốn khỏi DN này về mức 65%. GAS có room cho nhà đầu tư nước ngoài là 49%. Với hoạt động chính là kinh doanh các lĩnh vực khá đặc thù bao gồm: Khí khô, LPG, kinh doanh khí ngưng tụ và cho thuê bất động sản và ở cương vị 1 trong 3 Tổng công ty lớn nhất của PVN, thì GAS có thể được xem là một mặt hàng hấp dẫn bậc nhất đối với các nhà đầu tư mong muốn trở thành cổ đông chiến lược.