Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến
Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến thuộc địa phận xóm Đoàn Kết, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội. Đây vốn là ngôi nhà của gia đình cụ Nguyễn Văn Dương được Trung ương Đảng, Chính phủ chọn làm nơi ở và làm việc cho Bác từ ngày 3/12/1946 đến ngày 19/12/1946.
Làng Vạn Phúc xưa còn có tên gọi là Vạn Bảo, vốn là trang Vạn Bảo, xã Thượng Thanh Oai, tổng Thượng Thanh Oai, trấn Sơn Nam. Tấm bia đá ở Văn chỉ của làng được xây dựng thời Tây Sơn cho ta thấy ghi thôn Vạn Bảo thuộc xã Thượng Thanh Oai. Song, đến triều Nguyễn do phân định lại địa giới hành chính nên xã Thượng Thanh Oai có các thôn: Cầu Đơ, Kiều Tri, Văn Quán và Vạn Bảo. Riêng làng Vạn Bảo nằm biệt lập ở bên kia sông Cầu Am nên đã đổi lệ thuộc vào tổng Thiên Mỗ, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây.
Những ngày Bác ở đây, các đồng chí trong Thường vụ Trung ương Đảng thường trực tiếp đến trao đổi công việc, thỉnh thị xin ý kiến và bằng nhiều đường dây khác nhau, các đồng chí phụ trách các ngành hoặc được mời đến trực tiếp báo cáo, hoặc kịp thời gửi các kế hoạch hoạt động để xin chỉ thị của Người. Các số báo Cứu quốc, Sự thật vẫn được đều đặn chuyển tới để Người xem.Đến những ngày giữa tháng 12, tình hình Hà Nội và cả nước đã rất căng thẳng. Do thái độ hiếu chiến của thực dân Pháp, thời kỳ tạm hòa hoãn đã không thể kéo dài được nữa. Không khí chiến sự đã bị dồn ép lại như một liều thuốc súng nhồi chặt, chỉ chờ dịp là nổ tung.Thấy trước được khả năng tất yếu sẽ phải đến, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã tích cực và chủ động chuẩn bị cho ngày nổ ra kháng chiến. Đến lúc này, việc di chuyển các cơ sở sản xuất, đặc biệt là sản xuất cơ khí, các trạm quân y, các cơ quan không có nhiệm vụ trực tiếp chiến đấu đã cơ bản hoàn thành.
Để động viên hơn nữa khí thế của toàn dân, để biểu lộ ý chí kiên quyết chiến đấu hy sinh cho độc lập, tự do của toàn thể dân tộc, trong những ngày ở Vạn Phúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Trung ương Đảng, Chính phủ chuẩn bị Lời Kêu gọi Toàn quốc kháng chiến.Hai buổi chiều liên tiếp 18 và 19/12, Hội nghị thường vụ Trung ương Đảng mở rộng đã được triệu tập ở làng Vạn Phúc. Hội nghị đã nghiên cứu và thông qua văn kiện “Toàn dân kháng chiến” do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh dự thảo. Đây là bản chỉ thị nêu rõ đường lối, chính sách và cách tiến hành cũng như lực lượng của cuộc kháng chiến. Chỉ thị của Đảng cũng khẳng định cuộc kháng chiến tuy lâu dài, gian khổ nhưng nhất định sẽ thắng lợi vẻ vang. Đặc biêt, Hội nghị Thường vụ Trung ương đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị góp ý kiến cho “Lời Kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” do Người soạn thảo. Đúng 20 giờ Ngày 19/12/1946, Đài tiếng nói Việt Nam phát tín hiệu đầu tiên phát động toàn quốc kháng chiến, tiếp đó Bộ trưởng quốc phòng phát mệnh lệnh chiến đấu: “Tổ quốc lâm nguy! Giờ chiến đấu đã điểm!”Từ đó, ngày 19/12 đã đi vào lịch sử, ghi một dấu ấn chứng tỏ sự sáng suốt, quyết đoán sự lựa chọn duy nhất đúng của Bác Hồ và của Ban Thường vụ Trung ương, chứng tỏ sự giác ngộ và ý thức trách nhiệm cao của mỗi người dân trước vận mệnh đất nước. Ngày Toàn quốc kháng chiến đã mở đầu cho 9 năm kháng chiến trường kỳ để giành thắng lợi vẻ vang, làm ngời sáng thêm chân lý: “Không có gì quý hơn độc lập - tự do” đã được chính Chủ tịch Hồ Chí Minh tổng kết sau này.Trong những ngày Bác ở đây, gia đình cụ Dương tuy không được thông báo chính thức cũng biết là Bác. Tuy vậy, gia đình đã tự giác giữ gìn tuyệt đối bí mật và tạo mọi điều kiện để Bác làm việc thuận lợi. Tối ngày 19, trước khi đi, Bác đã cho mời cụ Dương tới gặp, Bác cảm ơn gia đình đã giúp đỡ ăn ở và tạo điều kiện để đảm bảo bí mật tốt. Nói chuyện với cụ Dương, khi thấy cụ tỏ ý băn khoăn lực lượng Pháp mạnh, ta còn yếu, kháng chiến bao giờ mới thành công. Bác đã ân cần giải thích và nhắc nhở: “Kháng chiến nhất định thắng lợi. Còn thắng nhanh hay chậm là do ta. Nếu nhân dân ta ai cũng đồng lòng gắng sức thì dù giặc Pháp có mạnh đến mấy chúng cũng phải thua. Gia đình ta có bát ăn, bát để, tôi mong ông bà và nhân dân Vạn Phúc tích cực góp phần ủng hộ cho kháng chiến”. Hiện nay, Nhà lưu niệm Bác Hồ ở Vạn Phúc đã trải qua nhiều lần tu bổ tôn tạo nhưng vẫn giữ nguyên kết cấu kiến trúc như những ngày Bác Hồ về ở và làm việc. Ngoài phòng khách và các công trình bổ trợ xung quanh, di tích còn căn gác tầng 2 được bố trí các hiện vật và đồ dùng như ngày Bác Hồ ở, tầng 1 là phòng trưng bày bổ trợ sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh về ở và làm việc và một gian trưng bày về truyền thống cách mạng phường Vạn Phúc.Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Vạn Phúc đã được Bộ Văn hóa và Thông tin công nhận là Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh cấp Quốc gia theo Quyết định số 09/VH-QĐ ngày 21/2/1975.