Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Ôn thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy tại lò luyện: Nên hay không?

Kinhtedothi- Khi thông tin về việc một số trường ĐH giảm mạnh chỉ tiêu xét kết quả thi tốt nghiệp THPT; cùng với đó là gia tăng trường sử dụng kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực (ĐGNL), Đánh giá tư duy (ĐGTD), nhiều học sinh (HS) lớp 12 đã chuyển hướng ôn tập, cấp tốc tìm “lò” luyện thi.

Sốt sắng tìm “lò” luyện thi

Khi đang chật vật với việc học trực tuyến, cố gắng nắm vững kiến thức cốt lõi phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhiều HS lớp 12 đã chuyển hướng, tìm “lò” luyện một trong hai kỳ thi ĐGNL, ĐGTD để dành cho mình nhiều cơ hội trúng tuyển ĐH.

Em Nguyễn Ngọc Anh, HS lớp 12 tại quận Đống Đa, Hà Nội cho biết, ban đầu em chỉ định thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển khối A vào ĐH Thủy lợi nhưng khi biết đợt tới, trường này sẽ sử dụng kết quả thi ĐGNL nên em đã tìm được một trung tâm ôn luyện ĐGNL khá uy tín. Giờ lịch học của em kín mít cả tuần, hết học trên lớp, ôn tốt nghiệp đến ôn ĐGNL. Có nhiều khi em thấy hơi “loạn” đầu do thực sự chưa định hình rõ hướng học, hướng thi”.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021

Nếu như các năm học trước, HS ngoại thành ít có cơ hội học “lò” luyện ĐGNL ở nội thành thì năm nay, các “lò” luyện online mọc ra nhiều, HS dễ dàng tìm cho mình một lớp để ôn thi. Em Nguyễn Tuấn Hải, trú tại thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng đang theo học một lớp online luyện thi ĐGNL phấn khởi chia sẻ: “Nếu học trực tiếp thì em không có điều kiện đến trung tâm để học nhưng may mắn, trong giai đoạn dịch bệnh, trung tâm chuyển hình thức online. Em mới học được vài buổi nên cũng chưa lĩnh hội được nhiều. Cách thức ra đề ĐGNL khác đề tốt nghiệp, thời gian không còn nhiều nên em và các bạn rất sốt ruột”.

 

Thí sinh chỉ nên tiếp cận nguồn đề chính thống

Hiện trên mạng xã hội và thị trường sách xuất hiện nhiều đầu sách như: Tốc chiến luyện đề kiểm tra tư duy, tăng tốc luyện đề thi đánh giá năng lực…. PGS. Nguyễn Phong Điền khuyến cáo, thí sinh chỉ quan tâm đến nội dung thi thử trên hệ thống thi thử online của ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ công bố vào 23/1/2022 để biết độ khó và cấu trúc đề thi tư duy. Đó là kênh thông tin duy nhất và chính thống. Các kênh khác đều là rởm!

Còn PGS.TS Nguyễn Tiến Thảo cho hay: Trung tâm khảo thí- ĐH Quốc gia Hà Nội chỉ phát hành Đề tham khảo. Tất các các sách luyện thi hay tài liệu tương tự đều không do Trung tâm phát hành. Thí sinh không nên mua những sách, tài liệu như vậy vì đều là thông tin cóp nhặt không chính xác, không phục vụ hay mang lại lợi ích gì cho thí sinh!

Bên cạnh đó, có phụ huynh cho rằng học online không hiệu quả, các trung tâm học quá đông, khó tương tác nên đã tìm gia sư về nhà dạy con ôn luyện kỳ ĐGTD. “Tôi đã tìm được một sinh viên năm hai ĐH Bách khoa, từng đỗ Bách khoa bằng kỳ thi ĐGTD đến nhà kèm con trực tiếp nên khá tin tưởng”- chị Nguyễn Thị Như, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết. Tuy nhiên, khi được hỏi, “kể cả sinh viên ĐH Bách khoa, thi đỗ bằng ĐGTD nhưng cũng chỉ thi một lần thì lấy đâu kinh nghiệm để dạy?”, chị Như thành thật nói: “Thời gian thi đến nơi rồi mà không ôn luyện thì thấy không yên tâm nên mời được thầy dạy chủ yếu để ổn định khâu tâm lý”.

Không nên ôn tại trung tâm luyện thi!

Khẳng định “kỳ thi ĐGTD có yếu tố phân loại cao hơn, nhiều thách thức hơn so với kỳ thi tốt nghiệp THPT và cấu trúc đề thi không khuyến khích học tủ, học lệch, học thêm”,  PGS. Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: “ĐH Bách khoa đã công bố bố cục đề thi, thời lượng làm bài, cấu trúc điểm. Hình thức thi quen thuộc để cho các em làm bài trên giấy, chủ yếu là trắc nghiệm. Môn Toán có một phần liên quan đến tự luận để đánh giá xem các em có thể trình bày phương pháp giải, quy trình giải Toán một cách logic, rành mạch. Việc thiết kế môn Đọc hiểu, môn Khoa học tự nhiên đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức nền tảng tốt. Và mặc dù đề thi được thiết kế trong khuôn khổ các kiến thức được học trong bậc phổ thông nhưng tính phân loại thí sinh khá – giỏi chắc chắn sẽ cao hơn đề thi THPT những năm qua. Đây là yếu tổ đảm bảo chất lượng “đầu vào” của Bách khoa Hà Nội”. 

Công tác tổ chức dự kỳ thi ĐGNL của ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2021 được tổ chức nghiêm túc, thành công
Công tác tổ chức dự kỳ thi ĐGNL của ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2021 được tổ chức nghiêm túc, thành công

Còn PGS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm khảo thí, Phó trưởng Ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, bài thi ĐGNL không phải là bài kiểm tra kiến thức đơn thuần mà là ĐGNL người học sau khi tốt nghiệp chương trình THPT theo những nhóm năng lực xác định. Nếu đã xác định thi ĐGNL, thí sinh nên làm đề thi tham khảo để thấy mình cần tự luyện tập bổ sung những gì. Câu hỏi thi ĐGNL hướng tới từ cơ bản đến hiểu, vận dụng thấp đến cao. Do đó, các thí sinh sẽ khởi điểm giống nhau và năng lực, khả năng tư duy của thí sinh sẽ quyết định điểm bài thi.

“Nhân đây chúng tôi cũng thông tin thêm là ngay sau khi ĐH Quốc gia Hà Nội tuyên bố sử dụng kết quả thi ĐGNL để xét tuyển ĐH, một số trung tâm, lớp luyện thi đã mở ra và quảng bá thu hút thí sinh ôn luyện. Tôi đã nhiều lần nhắc lại, việc ôn luyện tại các trung tâm không mang lại kết quả gì cho thí sinh. Qua phản ảnh của thí sinh trên các diễn đàn, mạng xã hội đều cho thấy chính bản thân các thí sinh cũng có lời khuyên không nên ôn luyện tại các trung tâm. Những bạn đạt điểm thi ĐGNL cao nhất năm 2021 đều là những thí sinh tự học. Các bạn đó cũng đã có nhiều bài viết chia sẻ trên mạng xã hội và các diễn đàn học thuật về bài thi ĐGNL về kinh nghiệm tự học, chuẩn bị tâm lý vững vàng trước ngày thi”, PGS.TS Nguyễn Tiến Thảo lưu ý.

 

Cẩn trọng kẻo sập bẫy lừa

Theo cảnh báo khẩn ĐH Quốc gia Hà Nội, có một số đối tượng xấu đang lợi dụng, lừa thí sinh nộp tiền môi giới để sửa thông tin lỗi tại tài khoản đăng ký dự thi kỳ thi ĐGNL. ĐH Quốc gia Hà Nội khẳng định trường không thu tiền hay nhờ bất cứ ai can thiệp vào hệ thống khaothi.vnu.edu.vn để sửa thông tin lỗi đăng ký của thí sinh. Thí sinh tuyệt đối không liên hệ trợ giúp với các đối tượng khác về kỳ thi ĐGNL 2022. Thí sinh có thể sửa lỗi đăng ký sau khi mọi hoạt động của cổng đăng ký ổn định hoặc sửa thông tin sai khi đến phòng thi. Phía nhà trường đã thông báo cho công an về việc điều tra, làm rõ việc giả danh lừa đảo trên.

 

Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Tồn tại nhiều sai phạm tại Sở Giáo dục và đào tạo Sơn La

Tồn tại nhiều sai phạm tại Sở Giáo dục và đào tạo Sơn La

11/01/2025 | 14:58

Kinhtedothi - Thanh tra tỉnh Sơn La chỉ rõ một số tồn tại, khuyết điểm trong quản lý, sử dụng nguồn kinh phí đầu tư và nguồn kinh phí cải tạo, sửa chữa do Sở Giáo dục và đào tạo Sơn La và các đơn vị trực thuộc Sở làm chủ đầu tư.

Tin tài trợ