Phải đền nếu gây thiệt hại tài sản công
Đó là thông tin được đại diện Bộ Tài chính đưa ra tại cuộc họp báo chuyên đề Quản lý, sử dụng tài sản công chiều 27/9. Cũng theo đại diện Bộ Tài chính, việc khoán xe cho một số chức danh tại Bộ Tài chính trước mắt sẽ thực hiện từ nhà đến cơ quan.
Lãng phí - người đứng đầu phải có trách nhiệm
Theo ông Trần Đức Thắng - Cục trưởng Cục Quản lý công sản - Bộ Tài chính, dự kiến, kỳ họp Quốc hội vào tháng 10 tới, Bộ Tài chính sẽ trình Quốc hội Dự thảo báo cáo Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước sửa đổi. Dự thảo này sẽ được thông qua vào kỳ họp kế tiếp năm 2017 và có hiệu lực vào tháng 1/1/2018. Luật này sẽ đưa ra các quy định nhằm quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm tài sản công; ngăn chặn, đẩy lùi thất thoát, lãng phí, tham nhũng và những hành vi khác xâm phạm tài sản công; khai thác tài sản công hợp lý… “Thực tế, thời gian qua, có những nơi thực hiện không nghiêm túc các chế độ sử dụng tài sản công. Dự thảo luật lần này quy định, người nào quản lý sử dụng tài sản công mà gây thiệt hại phải đền bù trước cho Nhà nước. Tùy theo hình thức vi phạm thì người đứng đầu nơi xảy ra vi phạm sẽ có trách nhiệm giải trình hoặc liên đới”- ông Thắng nói.
Đại diện Bộ Tài chính cũng cho hay, việc khai thác tài sản công theo nguyên tắc kinh tế thị trường. Không có chuyện đưa tài sản ra kinh doanh mà không được gì, đưa tài sản đi khai thác đảm bảo yếu tố công khai, minh bạch. Giao quyền, cấp quyền cho thuê, chuyển nhượng khai thác tài sản phải theo trình tự.
Khoán xe công từ nhà đến cơ quan
Trả lời báo chí xung quanh vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận về việc thí điểm khoán xe công ở Bộ Tài chính, áp dụng từ 1/10 tới đây, ông Thắng cho biết: Hiện nay, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng về sắp xếp xe công, sau khi bộ, ngành, địa phương rà soát sẽ triển khai. Trong đó xác định rõ tổng xe, theo tiêu chuẩn mới. Bộ cũng đã có văn bản gửi từng bộ, ngành, địa phương để so với định mức thừa thiếu như thế nào để yêu cầu sắp xếp, đưa về định mức chung. “Xe nào cũ quá thì cơ quan tự thanh lý. Xe nào còn sử dụng được mà thừa thì điều về Bộ Tài chính, để sắp xếp cho các cơ quan còn thiếu”- ông Thắng nhấn mạnh.
Hiện, tổng số xe công trên toàn quốc (không bao gồm xe tại lực lượng vũ trang, quốc phòng, an ninh) là 37.000 xe. Trong tổng số xe công này, theo Bộ Tài chính, tính ra thừa vài nghìn xe. Sau khi rà soát, Bộ sẽ xử lý không để một đơn vị theo định mức tiêu chuẩn có 2 xe công mà lại được giữ 3 xe công.
Về việc Bộ Tài chính tiên phong khoán xe công cho một số chức danh, trước mắt, Bộ này sẽ khoán từ nhà đến cơ quan với chi phí bằng giá taxi nhân quãng đường của chiều đi và về. “Việc khoán này chắc chắn tiết kiệm được nhiều so với việc sử dụng xe công. Tuy nhiên, chúng tôi cũng không thể thực hiện đường đột, mà phải có giai đoạn chuyển tiếp. Còn đi công tác vẫn phải bố trí xe công cho các đồng chí”- ông Thắng nhấn mạnh.
Theo đại diện Bộ Tài chính, định hướng tới đây, khoán xe công không chỉ tại Bộ Tài chính mà có thể mở rộng ra các địa phương khác có hạ tầng giao thông cộng cộng phát triển, chưa áp dụng ồ ạt.
Về đề nghị tăng số lượng xe công do thiếu xe công phục vụ công việc của UBND TP Hà Nội, ông Trần Đức Thắng cho rằng, theo Quyết định 32/2015 của Thủ tướng, các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc tỉnh ủy, UBND tỉnh, TP trực thuộc T.Ư; Quận ủy, Huyện ủy, Thành ủy, Thị ủy; HĐND và UBND quận, huyện, thị xã của TP được trang bị tối đa 2 xe một đơn vị. Quan điểm của người đứng đầu Cục Quản lý công sản, tiêu chuẩn định mức này cơ bản phù hợp và khó có ngoại lệ. |