Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính:
Phải thay đổi cách làm với các dự án trọng điểm Quốc gia
Kinhtedothi - Sáng 10/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng Quốc gia, trọng điểm ngành GTVT. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương hành động quyết liệt, chặt chẽ để “10 năm tới làm bằng 20 năm vừa qua”.
Còn nhiều khó khăn
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã chỉ ra sáu vướng mắc, khó khăn chính của các dự án quan trọng Quốc gia, trọng điểm ngành GTVT trên cả nước.
Thứ nhất là vướng mắc giải phóng mặt bằng (GPMB). Đây được xem là khâu khó khăn, phức tạp nhất, ảnh hưởng lớn đến tiến độ, chất lượng các dự án.
Thứ hai, nguồn cung vật liệu đắp nền đường còn hạn chế, thủ tục cấp phép khai thác mất nhiều thời gian dẫn đến một số thời điểm xuất hiện tình trạng khan hiếm, nâng giá, ép giá ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai dự án. Chính phủ đã có nhiều nghị quyết để tháo gỡ vướng mắc về thủ tục triển khai cấp phép nhưng nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, sự chuẩn bị kỹ lưỡng của chủ đầu tư thì vấn đề vật liệu sẽ là nút thắt lớn cho các dự án.
"Các địa phương cần đặc biệt quan tâm đến khâu lựa chọn đơn vị tư vấn lập dự án và bàn giao mốc để GPMB. Đây là khâu vô cùng quan trọng, có ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ các dự án. Phải lựa chọn đơn vị tư vấn tốt, đạt 70% khối lượng GPMB mới khởi công dự án" - Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể
Thứ ba, thời gian qua, giá nhiên, nguyên, vật liệu có biến động lớn ngoài khả năng dự báo của các bên liên quan. Việc tính toán chi phí trượt giá theo công thức điều chỉnh giá thông thường chưa bù đắp được mức độ biến động giá quá lớn, dẫn đến thiếu hụt tài chính và thua lỗ cho nhà thầu, gây ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án.
Thứ tư, năng lực của một số chủ đầu tư, ban QLDA, tư vấn, thiết kế, giám sát, nhà thầu thi công xây dựng còn hạn chế, chưa đồng đều, chưa đáp ứng được yêu cầu triển khai. Đồng thời, các dự án với phạm vi, quy mô đầu tư lớn, yêu cầu kỹ thuật cao, thời gian triển khai ngắn như hiện nay.
Thứ năm, một số dự án triển khai với các nguồn vốn khác nhau nên cần sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành và địa phương trong việc bố trí vốn, triển khai các dự án, dự án thành phần.
Thứ sáu, những dự án sử dụng vốn vay của tổ chức quốc tế như: đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, cao tốc Bến Lức - Long Thành… thủ tục triển khai phức tạp đan xen giữa các thông lệ quốc tế và quy định của pháp luật Việt Nam, dẫn đến việc điều chỉnh dự án, bổ sung vốn, quản lý hợp đồng khá phức tạp, kéo dài.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, Hà Nội hiện có 3 dự án trọng điểm Quốc gia ngành GTVT gồm: Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; tuyến ĐSĐT số 3 Nhổn - Ga Hà Nội; tuyến ĐSĐT số 2 Nam Thăng Long Trần Hưng Đạo.
Hiện. các dự án đang gặp khó khăn tương tự như nhiều dự án trọng điểm ngành GTVT khác. Ví dụ như dự án tuyến ĐSĐT số 3 do nhiều khác biệt giữa quy định của mẫu Hợp đồng FIDIC và pháp luật của Việt Nam về gia hạn thời gian, điều chỉnh giá, yêu cầu thay đổi…, dẫn đến tranh chấp với các nhà thầu quốc tế. Mặt khác việc bố trí vốn hàng năm không đủ theo nhu cầu, thủ tục điều chỉnh dự án và điều chỉnh các hiệp định vay, nghị định thư tài chính giữa Chính phủ Việt Nam và những nhà tài trợ hết sức phức tạp, kéo dài…
"Việc tách khâu GPMB thành dự án độc lập, về quy định đã có rồi và nên thực hiện theo luật đầu tư công như các dự án độc lập khác. Đối với từng dự án cụ thể, nếu địa phương đề nghị, Bộ KH&ĐT sẽ có văn bản hướng dẫn chi tiết thực hiện" - Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc
Quyết liệt, hiệu quả
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu thực hiện 3 đột phá chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội gồm: Thể chế, hạ tầng, nhân lực. Trong đó có các công trình, dự án quan trọng Quốc gia, trọng điểm ngành GTVT. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ mục tiêu đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Nước công nghiệp hiện đại phải có giao thông hiện đại, hạ tầng hiện đại. Đại hội XIII cũng đặt mục tiêu tới năm 2030, cả nước phải có ít nhất 5.000km cao tốc. Thủ tướng nhận định, hiện ở đâu cũng thấy nút thắt về giao thông, ảnh hưởng đến năng lực phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Do đó, khối lượng công việc của Ban Chỉ đạo rất lớn, 10 năm tới phải làm bằng 20 năm vừa qua.
"Phải cố gắng tận dụng các nguồn cát ở gần những dự án để tiết kiệm chi phí, tránh đội giá. Bộ TN&MT cần sớm có các đoàn phối hợp với địa phương để rà soát, giám sát việc khai thác cát; thu hồi các giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp trong khu vực dự án để cấp cho chủ đầu tư, nhà thầu thi công" - Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành
Hiện nay, trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam đều triển khai các dự án lớn của ngành GTVT. Do khối lượng công việc rất lớn, liên quan nhiều địa phương, bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng Quốc gia, trọng điểm ngành GTVT, nhằm tạo sức mạnh tổng hợp để tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo, kết nối công việc, theo dõi, đôn đốc, thúc đẩy, đề xuất xử lý các vướng mắc.
Thủ tướng cũng nêu rõ, vốn ngân sách tập trung cho các công trình, dự án này được tập trung từ nhiều nguồn và đã được Bộ Chính trị, Quốc hội thông qua chương trình phân bổ. Khối lượng vốn phải giải ngân rất lớn so với các năm trước, đòi hỏi phải có những thay đổi về cách làm, trên cơ sở rút kinh nghiệm trong những năm vừa qua, phát huy thành tựu, kết quả đã đạt được, khắc phục tồn tại, hạn chế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nói: “Nhìn lại trong 20 năm qua, khâu yếu nhất trong quá trình thực hiện các dự án là tổ chức thực hiện. Phải khắc phục được nhược điểm này bắt đầu từ nhận thức của từng đơn vị, cá nhân”. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần làm việc là suy nghĩ phải kỹ lưỡng, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả.
Mặt khác, quá trình thực hiện phải có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, khó khăn, vướng mắc ở đâu thì tháo gỡ ở đấy, đặc biệt, phải rõ thời điểm hoàn thành nhiệm vụ. Phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm các thành viên Ban Chỉ đạo, các địa phương, bộ, ngành, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, đạt hiệu quả cao nhất để đáp ứng mong đợi của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
"Đối với các chủ đầu tư và nhà thầu dự án, “lợi ích thì hài hoà, khó khăn phải chia sẻ”. Nhà đầu tư, nhà thầu phải chia sẻ khó khăn với Đảng, Nhà nước và Nhân dân" - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát Dự án đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội
Kinhtedothi - Sáng 7/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đi khảo sát thực địa Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm của TP Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội và có cuộc làm việc xử lý các khó khăn, vướng mắc của dự án.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đốc thúc tiến độ đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội
Kinhtedothi - Trong chuyến thị sát Dự án đường sắt đô thị (ĐSĐT) Nhổn - Ga Hà Nội sáng 7/8, Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bên liên quan đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo đưa đoạn trên cao vào vận hành trong cuối năm 2022.
Thủ tướng Chính phủ: Chuyển đổi số phải tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp
Kinhtedothi – Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải liên tục đổi mới, tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược trong thực hiện Đề án 06; phát huy tính chủ động, tính sáng tạo; đề cao trách nhiệm người đứng đầu; hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân.