Phạt Grab 60 triệu đồng vì dùng bản đồ vi phạm chủ quyền biển đảo
Kinhtedothi - Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh vừa ra quyết định xử phạt Công ty Grab Việt Nam về việc không thể hiện đầy đủ "Quần đảo Trường Sa", "Quần đảo Hoàng Sa" trong bản đồ ứng dụng Grab.
Chiều ngày 14/4, Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh Võ Thị Thu Sương cho biết, đơn vị này đã ra quyết định xử phạt Công ty Grab Việt Nam theo Điều 102 Nghị định số 15/2020 về vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
Theo đó, về việc hình ảnh bản đồ không thể hiện đầy đủ "Quần đảo Trường Sa", "Quần đảo Hoàng Sa" trong bản đồ ứng dụng Grab được phát hiện vào ngày 8/4, Sở Thông tin và Truyền thông đã làm việc đối với Công ty Grab Việt Nam để làm rõ các nội dung vi phạm.
Cụ thể, tại buổi làm việc, Công ty Grab Việt Nam đã xác nhận nội dung vi phạm và cho biết Công ty đang hợp tác với một đơn vị đối tác cung cấp dữ liệu bản đồ là OpenStreetMap để làm bản đồ nền trên ứng dụng Grab.
“Đồng thời công ty cũng nhận thức tính chất nghiêm trọng của sự việc, đã rà soát và cập nhật dữ liệu bản đồ nhằm đảm bảo chủ quyền quốc gia Việt Nam” – bà Võ Thị Thu Sương cho hay.
Căn cứ quy định pháp luật, hành vi vi phạm của Công ty Grab Việt Nam phải chịu xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 15 của Chính phủ với mức phạt là 60 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Sở Thông tin và Truyền thông cũng đề nghị Công ty Grab Việt Nam phải cam kết khắc phục cũng như triển khai các biện pháp ngăn ngừa sự việc tương tự trong tương lai và chấp hành đúng quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh của công ty.
Trước đó, trong hai ngày 8-9/4, người dùng ứng dụng đặt xe trực tuyến Grab phát hiện bản đồ tại trung vực quần đảo Trường Sa chỉ thể hiện tên tiếng Việt đối với đảo Sơn Ca và Sinh Tồn.
Nhiều đảo, quần đảo và khu vực khác thể hiện bằng tiếng Trung Quốc và tiếng Anh, trong đó có nhiều tên bị ghi trái phép cho các khu vực thuộc chủ quyền Việt Nam.
Bãi Chữ Thập, thuộc chủ quyền Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép, bản đồ Grab chú thích "Nansha District" tức "huyện Nam Sa". Nam Sa là tên gọi phi pháp mà Trung Quốc dùng để gọi quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Bãi đá Vành Khăn thuộc chủ quyền Việt Nam bị chú thích theo cách gọi phi pháp của Trung Quốc là Meiji Jiao, tức đảo Mỹ Tế và ghi chú đảo Mỹ Tế, Tam Sa, Trung Quốc. Thành phố Tam Sa là chính quyền phi pháp do Trung Quốc lập ra để quản lý nhiều quần đảo, bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Ngoài ra, một số đảo khác thuộc chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông cũng bị chú thích sai lệch.
Mới đây, một doanh nghiệp khác là Công ty Cổ phần Thời trang Yody vừa bị xử phạt 15 triệu đồng do cung cấp, chia sẻ hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia. Cụ thể trường hợp của Yody là thể hiện thiếu hình ảnh hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Kết quả xác minh cho thấy ngày 3/4, Yody giao cho một nhân viên quay dựng video kỷ niệm 9 năm ngày thành lập. Nhân viên này đã truy cập vào một website trên Internet, tải hình ảnh bản đồ Việt Nam không có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa để làm tư liệu gắn các địa điểm mà công ty có chi nhánh. Sau đó, video này tiếp tục được lãnh đạo công ty giao cho một bộ phận để thẩm định, nhưng bộ phận này cũng không để ý nội dung video có hình ảnh bản đồ Việt Nam thiếu quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Ngày 4/4, hãng thời trang chia sẻ video trên lên 53 tài khoản fanpage do công ty tạo, lập, sử dụng.
Liên quan đến vụ việc, hãng thời trang Yody cũng đã lên tiếng xin lỗi, thừa nhận thiếu sót và rà soát toàn bộ nội dung liên quan.
Grab tăng giá dịch vụ dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023
Kinhtedothi - Theo thông báo mới nhất từ Grab, người dùng sẽ phải trả thêm từ 5.000 đồng đến 15.000 đồng cho mỗi lần gọi xe dịp Tết Nguyên đán.
Grab thu phụ phí Tết, ai hưởng lợi?
Kinhtedothi - Hãng xe công nghệ Grab vừa gửi đi thông báo cho biết sẽ áp dụng "Phụ phí Tết Nguyên đán". Nhiều hành khách và cả tài xế tỏ ra bức xúc khi phí này được cộng trực tiếp vào giá cước.