Phát hiện bất ngờ trên tàu Trung Quốc bị bắt ngoài khơi bờ biển Malaysia
Kinhtedothi - Giới chức hàng hải của Malaysia hôm nay (29/5) cho biết đã tìm thấy đạn đại bác từ Thế chiến II trên một con tàu chở hàng của Trung Quốc, bị bắt giữ vào cuối tuần qua vì thả neo trái phép trong vùng biển của Malaysia.
Theo Cơ quan Thực thi Hàng hải Malaysia (MMEA), một con tàu đăng ký tại Phúc Châu, Trung Quốc chở 32 thủy thủ đoàn đã không xuất trình được giấy phép neo đậu trong cuộc kiểm tra định kỳ ở vùng biển ngoài khơi bang Johor, phía Nam Malaysia, hôm 28/5.
Các nhà chức trách đã tìm thấy kim loại phế liệu và đạn pháo trên tàu khi kiểm tra kỹ hơn. Những quả đạn này có thể liên quan đến một vụ thu giữ của cảnh sát tại một cầu cảng ở Johor hồi tuần trước, với nhiều quả pháo thời Thế chiến II chưa phát nổ.
MMEA cho biết, các nhà chức trách tin rằng những thứ đó có thể đã được nhặt từ xác tàu HMS Prince of Wales của Anh trong Thế chiến II ngoài khơi Malaysia, đồng thời cho biết thêm họ đang làm việc với Cục Di sản Quốc gia Malaysia và các cơ quan khác để xác định loại đạn được tìm thấy.
Đáng chú ý, phát hiện này được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện các báo cáo trong tháng cho biết "những người nhặt rác" đã nhắm mục tiêu vào hai xác tàu đắm của Anh là HMS Prince of Wales và HMS Repulse - bị ngư lôi Nhật Bản đánh chìm vào năm 1941, chỉ 3 ngày sau cuộc tấn công tàn khốc vào Trân Châu Cảng ở Hawaii (Mỹ).
Sau các báo cáo về hoạt động trục vớt bất hợp pháp, Bảo tàng Quốc gia của Hải quân Hoàng gia Anh tuần trước cho biết họ "lo ngại trước hành vi phá hoại rõ ràng" đối với hai xác tàu. Bộ Quốc phòng Anh cũng lên án hành vi này là "xúc phạm" các ngôi mộ quân nhân trên biển.
Bờ biển ngoài khơi Malaysia và Indonesia đến nay vẫn rải rác xác tàu đắm từ thời Thế chiến II. Theo Daily Mail, các xà lan có cần cẩu thuộc sở hữu của Trung Quốc đã thực hiện nhiều hoạt động bất hợp pháp tại các xác tàu thuộc một số quốc gia, bao gồm Anh, Nhật Bản, Hà Lan, Ấn Độ và Australia.
Các xác tàu đắm được chỉ định là "nghĩa trang chiến tranh" chính thức theo Đạo luật Bảo vệ Xác tàu năm 1973 và Đạo luật Bảo vệ Quan hệ Hàng hải năm 1986, và theo đó sẽ không được xâm phạm.
Năm 2018, Bộ trưởng Quốc phòng Anh lúc bấy giờ Gavin Williamson đã ra lệnh cho các tàu khảo sát của Hải quân Hoàng gia kiểm tra xác tàu chiến Anh bị cướp trước đó. Cơ quan này cho biết họ đã liên lạc với chính quyền địa phương sau vụ cướp phá xác tàu mới nhất, cảnh báo "sẽ có phản ứng thích đáng".
Ai hưởng lợi sau đòn trả đũa Mỹ mới nhất của Trung Quốc?
Kinhtedothi - Lệnh cấm của Trung Quốc đối với việc sử dụng chip của công ty Micron Technology có trụ sở tại Mỹ, trong một số lĩnh vực nhất định, cho thấy những rủi ro mà ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu phải đối mặt khi căng thẳng Mỹ - Trung leo thang.
Tổng số 13 nạn nhân Việt trong tai nạn giao thông ở Trung Quốc
Kinhtedothi - Cơ quan chức năng Trung Quốc đã thông báo có thêm 2 nạn nhân mang giấy tờ Việt Nam tử vong trong vụ tai nạn.
Yêu cầu Trung Quốc rút tàu Hướng Dương Hồng 10 khỏi vùng biển Việt Nam
Kinhtedothi - Thông tin được Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đưa ra ngày 25/5.