Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Phát hiện thêm 21 ca nghi mắc Covid-19, Đồng Tháp tạm dừng hoạt động chợ đêm

Kinhtedothi - Ngày 28/6, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Tháp, ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh này cho rằng, mặc dù thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp đã siết chặt kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là tại tuyến biên giới. Tuy nhiên, tại một số bệnh viện đã xảy ra sự cố nghiêm trọng làm phức tạp tình hình dịch bệnh tại địa phương.

Ông Nguyễn Lâm Thái Thuận - Giám đốc Sở Y tế Đồng Tháp cho hay, tính đến sáng 28/6, tỉnh Đồng Tháp ghi nhận thêm 21 trường hợp nghi mắc Covid-19 (chờ Bộ Y tế công bố mã số bệnh nhân) có liên quan đến ổ dịch tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Sa Đéc, nâng tổng số ca nhiễm/nghi nhiễm liên quan ổ dịch này lên 30 ca (Bộ Y tế đã công bố 9 ca).
Đáng chú ý, các ca nghi nhiễm mới được phát hiện tại BVĐK Sa Đéc; Bệnh viện Quân Dân y; Xí nghiệp May 6 tại xã Tân Phú Đông, TP Sa Đéc (truy vết ban đầu ghi nhận 38 trường hợp thuộc địa bàn TP Sa Đéc và các huyện Lấp Vò, Lai Vung, Châu Thành có tiếp xúc gần ca nghi nhiễm); điểm cấp căn cước công dân trên địa bàn xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò. Số lượng F1 đến thời điểm này đã lên đến khoảng 500 người…
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: V.K 
Theo ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, để nhanh chóng khống chế tình hình, các ngành, địa phương phải quyết tâm cao độ, nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu; tập trung mọi lực lượng, giải pháp, nhất quyết không để ổ dịch tiếp tục lan rộng ra bên ngoài cộng đồng, nhất là tại các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp và các bệnh viện và đơn vị khác.
“Tuyệt đối bảo vệ an toàn cho các bệnh viện, các khu công nghiệp. Mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn sức khỏe cho nhân dân, cũng như đảm bảo các hoạt động sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp. Thống nhất tạm dừng hoạt động chợ đêm và hoạt động cấp căn cước công dân cho đến khi có thông báo mới. Thực hiện nguyên tắc 4 tại chỗ, ngành y tế và các địa phương cần chuẩn bị dự phòng các khu cách ly, đảm bảo đủ sinh phẩm xét nghiệm, huy động nguồn lực hỗ trợ cho ngành y tế để triển khai nhanh, thần tốc các nhiệm vụ” - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh.
Người đứng đầu UBND tỉnh Đồng Tháp cũng yêu cầu ngành y tế siết chặt, rà soát công tác phân luồng, kiểm soát chặt người ra vào bệnh viện. Các địa phương tăng cường kiểm soát chặt chẽ người ra, vào địa bàn, tạo điều kiện cho các phương tiện vận chuyển hàng hoá; yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức không đi đến vùng có dịch và không ra khỏi địa phương nếu không thật sự cần thiết.
Ủy ban MTTQ các cấp kích hoạt ngay hệ thống Tổ Nhân dân tự quản để tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng, chống dịch, tuyệt đối không chủ quan, lơi là, nhưng cũng không hoang mang, hoảng sợ.
Ông Đoàn Tấn Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho hay, tỉnh đang xem xét áp dụng hình thức cách ly y tế tại nhà đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 cho các đối tượng thuộc diện F1 (Bộ Y tế đang thí điểm tại TP Hồ Chí Minh) trong điều kiện cần thiết.

Về công tác thông tin, ông Đoàn Tấn Bửu chỉ đạo các địa phương phối hợp chặt chẽ, báo cáo có hệ thống, tránh hỗn loạn thông tin; các ngành, địa phương quán triệt, tuyên truyền, phổ biến trong nhân dân không hoang mang, tiếp nhận thông tin có chọn lọc, nên theo dõi các thông tin chính thống từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19; siết chặt quản lý, kiểm soát thông tin, nhất là các thông tin sai lệch trên mạng xã hội, gây hoang mang dư luận...

Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Chủ quan, nhiều bệnh nhân viêm phổi nặng nhập viện

Chủ quan, nhiều bệnh nhân viêm phổi nặng nhập viện

16/01/2025 | 13:49

Kinhtedothi - Gần đây, số ca mắc cúm, viêm phổi, viêm phế quản do các loại vi khuẩn, virus nhập viện tăng cao, chủ yếu là các bệnh nhi, người lớn trên 65 tuổi và những người có hệ miễn dịch yếu, có bệnh nền. Đáng nói, nhiều trường hợp bị nhiễm bệnh, trở nặng, nhập viện muộn.

Tin tài trợ