Phát triển chợ truyền thống để giải tỏa chợ cóc
Kinhtedothi - Đẩy mạnh xây dựng hệ thống chợ truyền thống văn minh hiện đại là giải pháp quan trọng trong việc xóa bỏ chợ cóc, chợ tạm.
Bà có đánh giá gì qua việc giải tỏa chợ tạm, chợ cóc trong thời gian qua?
- Nhằm thực hiện có hiệu quả "Năm trật tự và văn minh đô thị - 2016", từ đầu năm đến nay, Sở Công Thương đã phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Sở GTVT, Công an TP trong việc tổ chức các đợt kiểm tra công tác giải tỏa của một số quận, huyện và một số tụ điểm nóng trên địa bàn. Tính đến hết tháng 11/2016, đã giải tỏa 88 tụ điểm trên tổng số 140 tụ điểm, 52 tụ điểm tiếp tục được các quận, huyện rà soát và giải tỏa trong thời gian tới. Kết quả đó là sự phối hợp tốt của các sở, ngành, sự chủ động của UBND các quận, huyện, thị xã trong công tác giải tỏa và lập phương án bố trí, sắp xếp, quản lý duy trì các chợ tạm để phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân trong lúc chờ chợ chính hoàn thành hoặc tại các phường chưa có chợ.
Có thể nói, nhờ sự tích cực vào cuộc của ngành công thương Hà Nội, lực lượng chức năng và các cấp chính quyền cơ sở nên tại một số quận như Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm và các huyện Thanh Trì, Sóc Sơn, Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Đan Phượng, Hoài Đức, Chương Mỹ, Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thường Tín, Phú Xuyên… về cơ bản đã giải tỏa được các chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn.
Việc giải tỏa chợ cóc, chợ tạm, có khó khăn gì không?
- Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định trong việc giải tỏa chợ tạm, chợ cóc, tuy nhiên quá trình triển khai thực hiện cũng còn gặp nhiều khó khăn: Việc giải tỏa chợ cóc, chợ tạm chủ yếu giao cho UBND các phường, xã trong khi lực lượng mỏng, thiếu kinh phí, chế tài xử phạt nhẹ… Một số địa phương đôi lúc chưa quyết liệt trong việc giải quyết dứt điểm các tụ điểm chợ cóc, chợ tạm. Một số phường trong các quận nội thành chưa có chợ truyền thống, bên cạnh đó, thói quen của NTD vẫn tiện đâu mua đấy, ít chú trọng đến kiểm tra chất lượng, xuất xứ nguồn gốc hàng hóa, điều kiện về ATTP… Điều này dẫn đến tình trạng tái phát các tụ điểm chợ cóc trên một số tuyến phố nội thành, dọc tuyến quốc lộ gây ách tắc giao thông, mất an ninh trật tự xã hội, không đảm bảo VSMT, ATTP…
Theo bà, để giải tỏa triệt để chợ tạm, chợ cóc cần có giải pháp gì?
- Việc giải quyết triệt để vấn đề chợ cóc, chợ tạm là rất khó, không thể làm trong một thời gian ngắn mà cần phải có lộ trình, bởi liên quan đến cung - cầu hàng ngày của người dân. Bên cạnh đó, quỹ đất xây chợ mới đối với các địa bàn chưa có chợ trong các quận nội thành hầu như không có, đời sống của người dân vẫn còn ở mức trung bình, nhu cầu mưu sinh hàng ngày của một số người dân của các tỉnh khác vẫn tràn về TP, cơ sở hạ tầng thương mại về chợ còn nhiều bất cập, một số chợ đã xuống cấp chưa được cải tạo, sửa chữa….
Trong năm 2017, Sở Công Thương trình UBND TP ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý và đầu tư xây dựng chợ cho phù hợp. Tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã rà soát lại quy hoạch về hạ tầng thương mại kết hợp với quy hoạch nông thôn mới của TP đề xuất bố trí, sắp xếp, nâng cấp cải tạo các chợ dân sinh phù hợp, đáp ứng nhu cầu mua bán, sinh hoạt của người dân. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để vận động các hộ kinh doanh vào các chợ dân sinh đã xây dựng và tuyên truyền người dân không mua hàng hóa tại các chợ cóc nhằm đảm bảo ATTP và quyền lợi của NTD. UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường trách nhiệm, xây dựng kế hoạch chỉ đạo các lực lượng chức năng vào cuộc quyết liệt, kiên quyết giải tỏa các tụ điểm chợ cóc (nhất là các tụ điểm ở lòng đường, vỉa hè, nơi cộng cộng…) và quan tâm đầu tư xây dựng các chợ dân sinh cho phù hợp. Đồng thời, bố trí các lực lượng chức năng chống tái họp của các chợ đã giải tỏa.
Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo các đội quản lý thị trường phối hợp với UBND các quận, huyện. thị xã kiểm tra, kiểm soát các tụ điểm họp chợ cóc trên địa bàn, báo cáo định kỳ hàng tháng về Sở để tổng hợp báo cáo, đề xuất cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Tuy nhiên, để có thể giải tỏa triệt để chợ cóc, chợ tạm cũng rất cần sự vào cuộc của người dân, thể hiện qua việc mỗi người cần nâng cao ý thức vì cộng đồng, chung tay xây dựng Thủ đô Hà Nội xanh - sạch - đẹp, phát triển bền vững, hiện đại.
Xin cảm ơn bà!