Monday, 13:51 09/09/2019
Phát triển nông nghiệp hữu cơ: Tiềm năng rộng mở
Kinhtedothi - Canh tác hữu cơ được xem là hướng đi bền vững của nền nông nghiệp hiện đại. Xu hướng này tại Việt Nam được cho là sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới nhờ một loạt chính sách đang tích cực được triển khai.
Xuất khẩu trên 25 triệu USD nông sản hữu cơThống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, cả nước hiện có 40 tỉnh, TP có trồng trọt hữu cơ với tổng diện tích khoảng 23.400ha. 12 tỉnh, TP có chăn nuôi lợn hữu cơ với tổng đàn trên 64.200 con, trong đó, riêng Hà Nội có khoảng 1.000 con. 6 tỉnh chăn nuôi gà hữu cơ với khoảng 273.000 con. 2 tỉnh Nghệ An, Lâm Đồng hiện đang chăn nuôi 3.500 con bò theo hướng hữu cơ. Ngoài ra, cả nước hiện có 4 tỉnh nuôi trồng thuỷ sản hữu cơ với tổng diện tích khoảng 134.800ha.
Theo tính toán, chi phí sản xuất cho 1ha cây trồng hữu cơ, hoặc 1 tấn thịt hơi hữu cơ (lợn, gà, bò) cao hơn 1,15 – 1,3 lần, nhưng lại cho doanh thu cao hơn 1,5 – 1,7 lần so với trồng trọt, chăn nuôi truyền thống. Đến nay, tổng mức tiêu thụ sản phẩm hữu cơ hàng năm tại Việt Nam khoảng 500 tỷ đồng, trong đó, riêng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã tiêu thụ khoảng 400 tỷ đồng nông sản hữu cơ.Đáng chú ý, Việt Nam hiện có gần 20 đơn vị xuất khẩu các loại rau quả hữu cơ sang thị trường Pháp, Đan Mạch, Thuỵ Sĩ, Thuỵ Điển, Trung Quốc, Mỹ… Tổng sản lượng xuất khẩu hàng năm đạt khoảng 260.000 tấn, với giá trị trên 15 triệu USD. Một số mặt hàng thủy sản hữu cơ cũng đã đến được nhiều quốc gia với mức giá cao hơn khoảng 30% và tổng giá trị ước đạt trên 10 triệu USD/năm. Cà phê, gạo, điều, hạt tiêu hữu cơ cũng bước đầu xuất khẩu thành công, dù sản lượng chưa nhiều.Hoàn thiện thể chế chính sáchĐể thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/NĐ-CP về Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam. Trên cơ sở đó, Bộ NN&PTNT đã xây dựng thông tư hướng dẫn; Bộ KH&CN cũng đã ban hành Bộ tiêu chuẩn TCVN 11041:2017 về nông nghiệp hữu cơ để tổ chức triển khai… Việt Nam cũng đã kết nối được với một số tổ chức quốc tế quan trọng như: Liên đoàn các phong trào nông nghiệp hữu cơ quốc tế (IFOAM), Liên đoàn các phong trào hữu cơ châu Á (IFOAM Asia), Tổ chức chính quyền địa phương về nông nghiệp hữu cơ (ALGOA), cùng nhiều quốc gia có nền nông nghiệp hữu cơ tiên tiến. Đây là điều kiện thuận lợi thúc đẩy việc chứng nhận các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế, hướng tới mục tiêu xuất khẩu.Thẳng thắn nhìn nhận một số tồn tại trong phát triển nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam như quy mô sản xuất nhỏ lẻ, sản phẩm chưa đa dạng và đồng đều, việc kiểm soát chất lượng nông sản còn nhiều khó khăn, tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, tiềm năng phát triển nông nghiệp hữu cơ là rất lớn.Số tỉnh, TP tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang ngày một tăng. Sự tham gia của các tổ chức, DN trong lĩnh vực này cũng có sự phát triển nhanh. Đặc biệt, nông sản hữu cơ đang ngày càng chiếm được lòng tin đối với người tiêu dùng. Không chỉ ở trong nước, mà nhu cầu tiêu thụ nông sản hữu cơ của thế giới cũng đang tăng nhanh…Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, hiện, Bộ NN&PTNT đang lấy ý kiến của các tổ chức, DN và chuyên gia quốc tế để tiến tới hoàn thiện Đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030” trình Chính phủ xem xét, phê duyệt. Đề án sẽ tập trung vào một số nhóm giải pháp chính nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ như: Nâng cao nhận thức về sản phẩm hữu cơ; xác định vùng, sản phẩm chủ lực và lợi thế địa phương để tập trung đầu tư. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách nhằm thu hút các tổ chức, DN, hộ sản xuất tích cực tham gia phát triển nông nghiệp hữu cơ.
Việt Nam cần xây dựng một tiêu chuẩn cho phép nông sản có thể tiêu thụ cả trong nước và xuất khẩu. Chú trọng thông tin, tuyên truyền để người sản xuất có hiểu biết đầy đủ, chính xác về nguyên tắc và quy định đối với thực hành nông nghiệp hữu cơ. Hiểu biết tốt sẽ giúp thực hành tốt hơn. Ông Olivier Catrau - Viện Quốc gia về Xuất xứ và chất lượng, Bộ Nông nghiệp Pháp. |