Friday, 19:48 22/05/2020
Phi công người Anh đã được chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy
Kinhtedothi - Nam phi công người Anh- bệnh nhân Covid-19 số 91 đã được chuyển từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh sang Bệnh viện Chợ Rẫy để tiếp tục điều trị hồi sức tích cực.
Chiều ngày (22/5), Bộ Y tế thông báo không ghi nhận thêm ca mắc mới, tổng số ca mắc hiện nay là 324, trong đó có 267 bệnh nhân đã khỏi, 57 người đang tiếp tục điều trị.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, có thêm 1 bệnh nhân tại Bệnh viện dã chiến số 2 Quảng Ninh được công bố khỏi bệnh.
Cụ thể, bệnh nhân 149 (nam, 40 tuổi, quốc tịch Việt Nam). Đây là bệnh nhân được công bố tái dương tính sau khi công bố khỏi bệnh lần 1 vào ngày 16/4. Bệnh nhân được cách ly và tiếp tục theo dõi tại bệnh viện.
Ngày 21/4, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Ninh lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Bệnh nhân tiếp tục được xét nghiệm và các kết quả xét nghiệm từ ngày 28/4 -4/5 đều âm tính với SARS-CoV-2. Hiện tại sức khỏe bệnh nhân ổn định, không sốt, không ho, không khó thở. Trường hợp trên sẽ tiếp tục được cách ly và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo.
Tiểu Ban điều trị cũng cho biết, theo đúng kế hoạch vào lúc 17 giờ chiều nay, nam phi công người Anh- bệnh nhân 91 đã được chuyển từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh sang Bệnh viện Chợ Rẫy để tiếp tục điều trị hồi sức tích cực, điều trị bệnh lý nền, kiểm soát nhiễm khuẩn.
Hiện bệnh nhân 91 vẫn là ca nặng nhất hiện nay. Ngày 21/5, phổi của bệnh nhân đã cải thiện hơn, bác sĩ đang giảm dần các thông số ECMO để cho tập dần tự thở bằng phổi. Hơn 10 ngày qua, bệnh nhân đã âm tính liên tục với SARS-CoV-2 trong 6 lần xét nghiệm.
Tính đến nay, bệnh nhân này đã kết thúc điều trị 2 tháng 4 ngày tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh. Ngay từ khi nhập viện, nam phi công người Anh liên tục tiến triển nặng, nhiều lần có kết quả xét nghiệm âm tính rồi lại dương tính trở lại.
Các chuyên gia giải thích, bệnh nhân có yếu tố béo phì với chiều cao 1,83m, nặng 100kg. Thêm đó, cơ thể bệnh nhân phản ứng quá mức với virus SARS-CoV-2, tạo ra “cơn bão cytokine”, tấn công cả tế bào lành. Bệnh nhân này cũng kháng toàn bộ các loại thuốc rối loạn đông máu đang được dùng trong nước, Bộ Y tế đã phải đặt mua thuốc hiếm từ nước ngoài để điều trị...
Bệnh nhân 91 được Hội đồng chuyên môn cùng các chuyên gia hội chẩn nhiều lần và thống nhất chỉ định ghép phổi. Hiện các bác sĩ vẫn ưu tiên số 1 là tìm tạng hiến tặng từ người hiến đã chết não để tiến hành quy trình ghép phổi cho bệnh nhân.
Cũng theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Phó Trưởng tiểu ban Điều trị, hiện bệnh nhân 91 không có thân nhân đến nhận hay thăm nom. Thế nhưng, bệnh nhân đã được sự chăm sóc rất tích cực của các y bác sĩ Việt Nam.
Ngoài ra, chỉ trong 1 tuần qua đã có 59 người tình nguyện đăng ký hiến phổi cho nam phi công, trường hợp ít tuổi nhất là nam thanh niên 21 tuổi và người cao tuổi (76 tuổi). Điều đó thể hiện tinh thần tương thân tương ái của người Việt Nam.
"Chúng tôi tri ân, cảm ơn tấm lòng của những người mong muốn hiến tạng, nhưng bệnh nhân này cần trọn lá phổi chứ không thể sử dụng một phần phổi, vì thế, nguồn phổi hiến từ người chết não là ưu tiên hàng đầu. Với bệnh nhân này cần ghép toàn bộ lá phổi (2 bên phổi) nên nguồn phổi hiến cần lấy từ người chết não có chỉ số phù hợp” - PGS.TS Lương Ngọc Khuê bày tỏ.