Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Bình Dương:

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội dự Lễ công bố thành lập TP Tân Uyên

Kinhtedothi – Sáng 12/4, tại Tân Uyên, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết dự Lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập TP Tân Uyên.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Nguyễn Trường Giang trao kỷ niệm và Nghị quyết thành lập TP Tân Uyên. Ảnh: Lâm Thiện.

Cùng dự lễ có đông đảo đại diện các Bộ, ban, ngành Trung ương; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Bình Dương và TP Tân Uyên qua các thời kỳ; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố trong và ngoài tỉnh; Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang, cùng đông đảo tầng lớp Nhân dân TP Tân Uyên.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Trần Thanh Mẫn cho rằng, là tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, vùng đất có lịch sử hơn 300 năm Bình Dương nổi tiếng với nền văn hóa phong phú, đa dạng, vừa mang đậm nét văn hóa phương Nam, vừa giữ được những nét riêng độc đáo. Đây cũng là vùng đất chiến trường xưa với những địa danh đã đi vào lịch sử như: Phú Lợi, Bàu Bàng, Bến Cát, Lai Khê, Nhà Đỏ và Chiến khu Đ... Từ một tỉnh thuần nông, Bình Dương đã trỗi dậy, trở thành một động lực tăng trưởng quan trọng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là một trong những vùng kinh tế hàng đầu, luôn nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư trong thời gian qua. Thế và lực của Bình Dương hôm nay là kết quả phấn đấu kiên cường, năng động, sáng tạo không mệt mỏi của cả thế hệ người Bình Dương.

Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Lâm Thiện.

TP Tân Uyên được thành lập theo Nghị quyết số 725/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 13/02/2023. Theo đó, TP Tân Uyên thành lập trên cơ sở giữ nguyên trạng thị xã Tân Uyên, diện tích 191,76 km2, dân số 466.053 người, có 12 đơn vị hành chính trực thuộc gồm 10 phường và 2 xã; sử dụng trụ sở làm việc của thị xã Tân Uyên trước đây.

Về vị trí địa lý, TP Tân Uyên nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Bình Dương, tiếp giáp với TP Biên Hòa và huyện Vĩnh Cửu thuộc tỉnh Đồng Nai cùng với các huyện, thị, thành phố đang phát triển của tỉnh Bình Dương như TP Dĩ An, TP Thuận An, TP Thủ Dầu Một, thị xã Bến Cát và huyện Bắc Tân Uyên.

Từ khi được nâng cấp lên thị xã năm 2013, thị xã Tân Uyên có 12 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 6 phường và 6 xã. Thời gian này, thị xã tiếp tục thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống Nhân dân, tạo bước đệm vững chắc về cơ sở hạ tầng để phát triển đô thị. Đến năm 2016, thị xã Tân Uyên được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Tiếp đà phát triển, Tân Uyên tiếp tục huy động mọi nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, văn minh. Các mục tiêu đề ra hằng năm đều được hoàn thành đạt và vượt.

Trong những năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của thị xã Tân Uyên (nay là TP Tân Uyên) đạt khoảng 12,57%/năm, trong đó ngành công nghiệp phát triển dẫn đầu.

Phát biểu tại buỗi lễ ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho rằng: "Việc thành lập TP Tân Uyên, là dấu mốc rất quan trọng, mở ra thời cơ mới, vận hội mới cho sự phát triển mới của Tân Uyên và của Tỉnh; là tín hiệu vui cho sự đi lên mạnh mẽ trong quá trình công nghiệp hóa gắn với đô thị hóa và hiện đại hóa của tỉnh Bình Dương sau hơn 26 năm tái lập tỉnh; là đòn bẩy tạo sức bật mới để có thể phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Tân Uyên, đồng thời cũng là động lực to lớn, cổ vũ và khích lệ sự vươn lên mạnh mẽ của các địa phương khác trong toàn tỉnh".

Hiện nay, TP Tân Uyên có 2 khu công nghiệp, 3 cụm công nghiệp với 1.866 doanh nghiệp trong nước, tổng vốn đăng ký là 32.560,507 tỷ đồng; 637 doanh nghiệp nước ngoài, tổng vốn đăng ký là 5.297,55 triệu USD. Cơ cấu kinh tế công nghiệp - thương mại, dịch vụ - nông nghiệp với tỷ trọng lần lượt là 64,17% - dịch vụ 34,6% - nông nghiệp 1,23%.

Năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng của Tân Uyên ước đạt 32.996 tỷ đồng, tăng 12,08% so với cùng kỳ năm 2021. Tân Uyên đang có 2 dự án khu công nghiệp VSIP lớn nhất Bình Dương và cả nước. Đó là khu công nghiệp VSIP II có quy mô 2.045 ha và Khu công nghiệp VSIP III quy mô hơn 1.000 ha, có tổng mức đầu tư hạ tầng dự kiến là 6.407 tỷ đồng. Tập đoàn Lego (Đan Mạch) đã chính thức động thổ dự án xây dựng nhà máy tại đây với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD. Đây là dự án đầu tư lớn nhất của Đan Mạch vào Việt Nam từ trước tới nay.

Bên cạnh đó, Tân Uyên luôn chú trọng phát triển mạng lưới giao thông. Hệ thống giao thông đồng bộ, liên kết tới các khu vực trong và ngoài tỉnh bao gồm giao thông thủy, bộ, hệ thống bến cảng, nhà ga, kho bãi. Các dự án đường kết nối vùng như Vành đai 3, đường Vành đai 4, cao tốc TP Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một - Chơn Thành đi qua địa bàn Tân Uyên mở ra cơ hội tăng cường kết nối kinh tế, giao thương cho TP Tân Uyên.

Sông Đồng Nai tiếp giáp TP Tân Uyên.

Đáng chú ý, chất lượng cuộc sống người dân liên tục được nâng cao, không chỉ là tập trung phát triển kinh tế mà lĩnh vực văn hoá - xã hội luôn được quan tâm đầu tư đúng mức. Tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, thể thao tạo sân chơi lành mạnh và nâng cao đời sống tinh thần cho người dân và công nhân lao động. 

Theo UBND tỉnh Bình Dương, trong thời gian tới sẽ xây dựng và phát triển TP Tân Uyên trở thành thành phố thông minh, một trung tâm lớn phía Nam tỉnh Bình Dương về công nghiệp, dịch vụ thương mại, đô thị mới hiện đại.

Sau khi Tân Uyên chính thức lên thành phố, hiện Bình Dương là tỉnh có 4 TP, gồm: Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An và Tân Uyên. Ngoài ra, thị xã Bến Cát cũng đang xây dựng đề án lên thành phố, hiện trong quá trình chờ các cơ quan Trung ương phê duyệt.

Bình Dương cần phát triển KCN thông minh

Bình Dương cần phát triển KCN thông minh

Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Tin tài trợ