Phòng tránh bệnh viêm da cơ địa
Kinhtedothi - Viêm da cơ địa (hay còn gọi bệnh chàm thể tạng, eczema) là bệnh lý biểu hiện cấp tính, bán cấp hoặc mạn tính.
Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ và phát triển mạnh vào mùa Đông khi thời tiết hanh khô. Một đặc điểm quan trọng của bệnh là hay phát tác trở lại.
Thường gặp ở trẻ nhỏ
Viêm da cơ địa được hình thành do rất nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó yếu tố di truyền chiếm tỷ lệ khá cao. Nếu trong gia đình có ông bà, bố mẹ đã từng mắc phải căn bệnh viêm da cơ địa dù đã được chữa trị triệt để thì đứa trẻ vẫn có nguy cơ mắc phải căn bệnh này. Đa số trường hợp bệnh bắt đầu ở tuổi ấu thơ, thường vào 2 tháng đầu. Có tới 60% trẻ viêm da cơ địa phát bệnh trong năm đầu, 30% trong 5 năm đầu và chỉ có 10% phát bệnh từ 6 - 20 tuổi. Rất hiếm bệnh nhân phát bệnh khi trưởng thành.
Bệnh viêm da cơ địa ở trẻ được chia làm 3 giai đoạn. Viêm da cơ địa cấp tính: Thường biểu hiện bằng những đám sẩn đỏ và mụn nước tiết dịch, không có vảy da. Da bị phù nề, chảy dịch, đóng vảy tiết. Do cào gãi nên các vết xước bị bội nhiễm tụ cầu tạo các mụn mủ. Viêm da cơ địa bán cấp tính: Biểu hiện ở giai đoạn này thường nhẹ hơn, da không phù nề, tiết dịch. Viêm da cơ địa mạn tính: Da dày và thâm, ranh giới không rõ, thương tổn hay gặp ở các nếp gấp lớn, lòng bàn tay, bàn chân, cổ tay, cẳng chân…
Khi bị bệnh viêm da cơ địa, bệnh nhân còn có thể mắc phải một số triệu chứng bệnh khác như viêm mũi dị ứng, viêm họng, viêm kết mạc mắt, hen, cơ thể cảm giác mệt mỏi, chán ăn, có thể có sốt nhẹ.
Vệ sinh làn da sạch sẽ
Cách phòng bệnh viêm da cơ địa hợp lý sẽ tránh được bệnh xuất hiện. Trước hết, vệ sinh da sạch sẽ, nếu làn da không sạch là nguyên nhân khởi phát hình thành nên bệnh viêm da cơ địa. Đối với trẻ, cắt móng tay, đeo găng tay để da không bị trầy xước dẫn tới nhiễm khuẩn do gãi, mặc cho trẻ các loại quần áo mềm, mỏng, thoáng khí, nên tắm cho trẻ bằng nước ấm, không nên dùng nước quá nóng. Bên cạnh đó, nên hạn chế tiếp xúc hóa chất, việc thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với xà phòng, dầu gội đầu cũng như các loại mỹ phẩm khác dễ khiến cho tình trạng viêm da trở nặng và tái phát.
Những người bị viêm da rất dễ tái phát khi gặp điều kiện thời tiết thuận lợi. Có những người bị dị ứng với gió lạnh, cần chú ý mặc ấm cơ thể; đối với những người dị ứng với phấn hoa, hãy tránh xa những nơi trồng hoa hay che kín cơ thể để phấn hoa không có điều kiện tiếp xúc với da. Đặc biệt, những trường hợp có cơ địa dị ứng, nên thận trọng khi ăn các món ăn lạ, thức ăn có chất tanh. Đối với trẻ nhỏ, khi tập ăn dặm, nên thử mỗi thực phẩm trong 3 ngày để biết trẻ có thích ứng với thực phẩm ấy hay không. Ngoài ra, cần hạn chế dùng các chất đường, mỡ, chất kích thích như bia rượu, thuốc lá, cà phê… Trong khẩu phần ăn hàng ngày, nên chú ý ăn nhiều rau xanh, các loại đậu, quả tươi.
Khi bệnh nhân đang bị viêm da cơ địa, tránh làm trầy xước da. Nên sử dụng một loại kem dưỡng ẩm, kem steroid tại chỗ, hoặc các loại thuốc khác bác sĩ kê toa. Tuyệt đối tránh dùng các loại thuốc Đông và Tây y không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, dễ làm cho tình trạng bệnh phức tạp thêm rất khó cho quá trình điều trị.
Ngoài ra, việc điều chỉnh chế độ ăn uống, tập luyện hợp lý để có một sức đề kháng tốt, uống đủ nước mỗi ngày chính là biện pháp phòng ngừa căn bệnh viêm da cơ địa nói riêng và những bệnh khác nói chung.