Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Quận Hà Đông gắn biển công trình chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Kinhtedothi - Sáng 7/10, tại công viên Nguyễn Trãi, UBND quận Hà Đông tổ chức Lễ gắn biển công trình chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024). Dự và phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ có Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn.

Dự án cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp công viên Nguyễn Trãi nằm trong chuỗi các công trình Quận uỷ, UBND quận Hà Đông xây dựng kế hoạch nhằm triển khai thực hiện Chương trình số 03 của Thành uỷ Hà Nội về chỉnh trang, phát triển đô thị giai đoạn 2021-2025.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn dự và phát biểu tại buổi lễ gắn biển công trình chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô tại quận Hà Đông.

Trong dịp này, quận Hà Đông đã bố trí nguồn lực hoàn thành 3 dự án nhằm chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, gồm dự án nâng cấp vườn hoa Hà Đông; cải tạo nâng cấp công viên Nguyễn Trãi; xây mới trường Tiểu học Yên Nghĩa, khu B phường Yên Nghĩa. Tổng kinh phí cả 3 dự án là 60 tỷ đồng.

Trong đó, dự án cải tạo vườn hoa Hà Đông, thuộc phường Yết Kiêu, với quy mô cải tạo nâng cấp 0,75ha trên cơ sở khuôn viên hiện trạng; giữ nguyên hình dáng, kiến trúc, cải tạo những vị trí đã xuống cấp như sân chơi, bậc tam cấp lên xuống; trồng bổ sung cây xanh; cải tạo ốp đá, bờ bao, tường rào bị lún sụt; gắn thiết bị thể dục thể thao; cải tạo hệ thống điện chiếu sáng, điện trang trí.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn trao các quyết định công nhận công trình cho địa phương.

Công viên Nguyễn Trãi được duy tu, nâng cấp có diện tích khoảng 3,5ha, gồm cải tạo các vị trí lối vào cổng chính, biển công viên, lối ra vào, bó vỉa bồn, vườn hoa hàng rào xung quanh nhà chữ A, rãnh thoát nước, xây mới nhà bát giác tại vị trí hiện tại; bổ sung 2 khu vực thể thao ngoài trời, ghế đá, trồng thay thế một số cây xanh.

Dự án trường Tiểu học Yên Nghĩa, khu B phường Yên Nghĩa, xây dựng trên diện tích hơn 1.927m2. Quy mô gồm các nhà lớp học 4 tầng, có 15 phòng học và nhiều khu chức năng đồng bộ thiết bị giáo dục, giảng dạy.

Quy trình triển khai 3 dự án trên đều được quận Hà Đông thực hiện đúng quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, đúng quy hoạch được duyệt. Ngày 3/10/2024, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định số 5195 về việc công nhận công trình kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô đối với công trình cải tạo vườn hoa Hà Đông.

Lãnh đạo quận Hà Đông gắn biểu công trình tại công viên Nguyễn Trãi.

UBND quận Hà Đông có quyết định 4308 và quyết định 4309 công nhận công trình kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô đối với công trình trường Tiểu học Yên Nghĩa, khu B, phường Yên Nghĩa; cải tạo công trình nâng cấp công viên Nguyễn Trãi.

Phát biểu tại buổi lễ gắn biển công trình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đánh giá, đây là sự kiện rất ý nghĩa, thiết thực, là niềm vui của Đảng bộ, Nhân dân quận Hà Đông nói riêng và TP Hà Nội nói chung. Nghị quyết Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ 17 đặt ra chỉ tiêu phát triển Thủ đô Hà Nội xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại.

Tư tưởng này đã được chuyển hoá vào Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Trong đó, chúng ta phấn đấu phát triển nhanh về kinh tế, nhưng bền vững. Đặc biệt môi trường sống của Nhân dân được cải thiện về không khí, môi trường, nước sạch, cây xanh.

Theo chỉ tiêu đặt ra đối với đô thị đặc biệt Hà Nội, mỗi đầu người có từ 6-7m2 cây xanh. Trong khi đó, hiện Hà Nội mới đạt 2-3m2 cây xanh/đầu người. Không gian công cộng cần có 9m2/đầu người, Hà Nội mới đạt khoảng 3m2/đầu người. Công trình vườn hoa Hà Đông, công viên Nguyễn Trãi được cải tạo rất ý nghĩa, tạo ra không gian công cộng để người dân thụ hưởng và gắn kết cộng đồng.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội lưu ý, để duy trì được công viên công cộng, cây xanh, quận cần đảm bảo luôn xanh, sạch và đẹp. Không chỉ cần có kinh phí mà phải huy động cả người dân vào giữ gìn, bảo quản sao cho công viên không có rác thải, công trình công cộng không bị phá huỷ. Đặc biệt, sông Nhuệ cần được cải tạo, dọn dẹp rác thải, tạo cảnh quan môi trường cho cả sông và khu vực 2 công viên kể trên. Cùng với đó, quận xem xét xây dựng thêm những công viên, tái thiết đô thị, cải thiện môi trường, nhằm thực hiện Luật Thủ đô sửa đổi mới đi vào hoạt động, hướng đến mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội là TP đáng sống.

Công viên Nguyễn Trãi vừa được cải tạo.

Cũng trong dịp này, thực hiện Quyết định số 3967/QĐ-UBND ngày 31/7/2024 của UBND TP Hà Nội về việc đặt tên, điều chỉnh độ dài một số đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn năm 2024, quận Hà Đông có 6 tuyến đường, phố mới được đặt tên trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10.

Các công trình được đặt tên, gồm: đường Hoàng Trình Thanh, phường Kiến Hưng; đường Đồng Dâu, đường Phượng Bãi, phường Biên Giang; phố Nguyễn Văn Luyện, phố Phan Kế Toại, phường Dương Nội; phố Hồ Học Lãm, phường Vạn Phúc.

Tuyến đường được đặt tên Nguyễn Văn Luyện.
Trường Tiểu học Yên Nghĩa, khu B được gắn biển công trình chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

Chủ tịch UBND quận Hà Đông Cấn Thị Việt Hà, cho biết, trong 6 tuyến đường, phố được đặt tên, có 1 tuyến đường mang tên danh nhân khoa bảng là cụ Hoàng Trình Thanh, người làng Đa Sĩ, tổng Thượng Thanh Oai, phủ Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (nay là tổ dân phố Đa Sĩ, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông).

Cụ Hoàng Trình Thanh làm quan liên tục 36 năm, phụng sự 4 triều vua Lê, có nhiều đóng góp và tâm huyết, luôn trăn trở với sự bền vững thịnh vượng của quốc gia.

Cũng trong lễ gắn biển này có 1 tuyến phố mang tên Nguyễn Văn Luyện. Ông là Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa I và là 1 trong 6 vị đại biểu Quốc hội đầu tiên của Hà Nội.

Ông còn là một thầy thuốc giỏi, một nhà báo, một nhà hoạt động xã hội lớn có tầm nhìn xa trông rộng. Suốt cuộc đời hoạt động của mình, ông là người bác sĩ đã tận hiếu với dân, tận trung với nước, từ bỏ vinh hoa phú quý, hiến dâng tất cả để cho Tổ quốc quyết sinh. Năm 1953, ông được truy tặng danh hiệu Liệt sĩ và Huân chương Kháng chiến hạng Nhất…

“Có thể nói, những tên đường, phố mới được gắn biển thể hiện lòng tri ân của thế hệ hôm nay đối với các danh nhân, các vị tiền bối có nhiều đóng góp cho Thủ đô và đất nước. Qua đó khơi dậy niềm tự hào về truyền thống và bề dầy lịch sử văn hóa của Hà Đông, đồng thời giáo dục cho thế hệ trẻ các giá trị đạo đức, nhân văn và lòng yêu nước” - Chủ tịch UBND quận Hà Đông Cấn Thị Việt Hà cho biết thêm.

Sôi nổi Hội thao phòng cháy và chữa cháy quận Hà Đông

Sôi nổi Hội thao phòng cháy và chữa cháy quận Hà Đông

Quận Hà Đông: 100% công dân được thu thập dữ liệu dân cư

Quận Hà Đông: 100% công dân được thu thập dữ liệu dân cư

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Tin mới
Đường sắt đô thị: xương sống “xanh” của giao thông đô thị

Đường sắt đô thị: xương sống “xanh” của giao thông đô thị

28/01/2025 | 10:56

Kinhtedothi - Đường sắt đô thị (ĐSĐT) được ví như xương sống của hệ thống giao thông công cộng bởi năng lực vận chuyển ưu việt. Hơn nữa, ĐSĐT còn là phương tiện chủ đạo để những đô thị lớn như Hà Nội kiến tạo một hệ thống giao thông xanh, bến vững.

Hà Nội: tăng cường xử phạt vi phạm trông giữ xe

Hà Nội: tăng cường xử phạt vi phạm trông giữ xe

28/01/2025 | 10:51

Kinhtedothi - Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, năm 2024 đã xử phạt hơn 748 trường hợp vi phạm trông giữ xe, phạt tiền hơn 3,4 tỷ đồng. Năm 2025, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với lực lượng liên ngành cùng địa phương tăng cường kiểm tra các điểm trông giữ xe trên địa bàn TP.

“Tết vội” trên công trường trọng điểm của Thủ đô Hà Nội

“Tết vội” trên công trường trọng điểm của Thủ đô Hà Nội

27/01/2025 | 08:34

Kinhtedothi - Những ngày sát Tết Nguyên đán Ất Tỵ, trên công trường khoan hầm tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội vẫn nhộn nhịp công nhân, kỹ sư cùng máy móc ầm ì hoạt động. Để bảo đảm “đường găng” tiến độ, công trường sẽ nghỉ Tết muộn và quay trở lại làm việc từ sớm.

Bổ sung quy định mới giúp khắc phục bất cập đầu tư trạm dừng nghỉ

Bổ sung quy định mới giúp khắc phục bất cập đầu tư trạm dừng nghỉ

25/01/2025 | 07:30

Kinhtedothi - Do các quy định ở giai đoạn trước về đầu tư, kinh doanh, khai thác trạm dừng nghỉ chưa đầy đủ, rõ ràng, nên việc triển khai xã hội hóa nguồn lực gặp rất nhiều khó khăn. Từ ngày 1/1/2025, Nghị định 165/2024/NĐ-CP có hiệu lực sẽ giúp khai thông cơ chế, tháo gỡ các bất cập.

Tin tài trợ