Quảng Bình: “Săn” dâu trên dãy Hoành Sơn, nông dân thu về tiền triệu
Kinhtedothi - Vào độ tháng 3, dâu rừng trên dãy Hoành Sơn (tỉnh Quảng Bình) lại chín rộ, nhờ thời tiết thuận lợi, người đi “săn” dâu kiếm tiền triệu mỗi ngày.
Dâu rừng hay còn gọi là thanh mai, loại quả mọc từ nhiên ở các tỉnh miền Bắc, Trung và Tây Nguyên. Quả thường được sử dụng như một loại thực phẩm hay vị thuốc nên được người dân ưa chuộng. Năm nay, dâu rừng được mùa, được giá, người đi “săn” dâu có thể kiếm tiền triệu mỗi ngày.
Từ tờ mờ sáng, khi tiết trời còn se lạnh, cây lá trên dãy Hoàng Sơn còn đọng hơi sương, người dân các xã Quảng Kim, Quảng Châu, Quảng Hợp (huyện Quảng Trạch) đã “í ới” rủ nhau đi “săn” dâu rừng. Thời điểm này, dâu rừng đang vào mùa rộ quả, chín mọng trên cành.
Đa phần những người đi “săn” dâu đều là phụ nữ và trẻ em, tranh thủ lúc nông nhàn đi hái dâu bán để kiếm thêm thu nhập. Trước đây, người dân chỉ cần đi vào sát bìa rừng đã tìm thấy dâu. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều diện tích rừng trên dãy Hoành Sơn đã được khai hoang để trồng keo, tràm nên dâu rừng tự nhiên ngày một ít dần, những người đi “săn” dâu phải đi xa hơn, băng đèo lội suối tiến sâu vào rừng để tìm dâu.
Chị Phạm Thị Liệu (SN 1987, trú tại xã Quảng Kim) cho hay, cứ đến mùa dâu rừng, chị lại cùng chị em trong xóm đi “săn” dâu trên dãy Hoành Sơn. Theo chị Liệu, thời điểm này, núi rừng dãy Hoành Sơn mây mù luôn giăng kín. Để “Săn” được những trái dâu rừng to, căng mọng, phải dậy lúc tờ mờ sáng, băng cắt vào sâu trong rừng để tiếp cận. Mỗi ngày chị hái được từ 20 - 30 lon (bơ) dâu, bán với giá dao động từ 25.000 - 50.000 đồng/lon.
Để “săn” được dâu rừng, người “săn” cần phải có sự dẻo dai và sức bền để băng qua đồi, đi xa, sâu vào rừng. Tuy nhiên, so với các công việc như thợ hồ, bốc vác… thì việc “săn” dâu rừng đỡ mệt và kiếm được nhiều tiền hơn. Nhiều người lựa chọn gác lại công việc hiện tại để cùng “biệt đội” lên dãy Hoành Sơn săn “lộc rừng”.
Chị Đàm Thị Lan (trú tại xã Quảng Hợp) người thường xuyên đi “săn” dâu rừng chia sẻ: “Tuy dâu rừng mang lại thu nhập cao, nhưng vụ mùa lại rất ngắn, khoảng độ từ ra Tết đến giữ tháng 2, tháng 3 âm lịch đã hết mùa khiến chúng tôi khá tiếc nuối.”
Theo người dân, cây dâu có khi mọc thành rừng, nhưng cũng có khi nó mọc xen với những loại cây khác. Với những người đi “săn” có kinh nghiệm, mỗi lần gặp một vạt thanh dâu lớn, họ sẽ tìm cách ghi nhớ thật kỹ vị trí để lần sau, mùa sau lại tìm đến.
Được biết, ngoài việc dùng làm thực phẩm, dâu rừng còn được dùng làm thuốc để chữa rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, lỵ, các bệnh về da bằng cách dùng vỏ khô sắc với nước, uống trong ngày. Thân hoặc vỏ, rễ cây được dùng sắc nước rửa, chữa lở ngứa. Hạt của loại quả này còn dùng chữa chứng ra mồ hôi chân…
Chủ tịch UBND xã Quảng Hợp Nguyễn Công Viên cho biết, thời điểm này đang là mùa dâu rừng, rất đông người dân thường xuyên lên núi hái dâu để kiếm thêm thu nhập.
“Là địa bàn xã miền núi, ngay cạnh dãy Hoành Sơn nên người dân luôn biết tận dụng những thứ mà thiên nhiên đã ban tặng. Mỗi năm trên dãy Hoành Sơn có 4 mùa quả là, móc, sim, thanh mai và muồng. Người dân trong vùng đặt tên từng mùa theo 4 thứ quả ấy và mỗi mùa quả đều mang về cho người dân nguồn thu nhập đáng kể” - Chủ tịch UBND xã Quảng Hợp chia sẻ.
Quảng Bình: Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn Quỹ phát triển đất
Kinhtedothi - Hội đồng quản lý Quỹ phát triển đất tỉnh Quảng Bình vừa tổ chức phiên họp thường kỳ lần thứ 20 để đánh giá tình hình hoạt động năm 2021 và triển khai nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2022.
Quảng Bình: Rừng trâm bầu gần 500 năm tuổi, “báu vật” của làng biển
Kinhtedothi - Trải qua bao thế hệ, rừng trâm bầu cổ thụ đã bao bọc làng Thanh Bình (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình), giúp người dân nơi đây có cuộc sống yên bình, ấm no trước sóng to, gió lớn của biển cả.