Ra mắt Chỉ số kinh doanh liêm chính Việt Nam
Kinhtedothi - Ngày 21/9, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) đã ra mắt Chỉ số kinh doanh liêm chính Việt Nam (VBII).
VBII được xây dựng dưới sự hỗ trợ của dự án FairBiz, một sáng kiến cấp khu vực của UNDP do Chính phủ Vương quốc Anh tài trợ, trong khuôn khổ Chương trình Cải cách kinh tế ASEAN, nhằm thúc đẩy một môi trường kinh doanh công bằng ở 6 quốc gia ASEAN (Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam).
Đây là lần đầu tiên một công cụ đánh giá mức độ thực hiện liêm chính trong kinh doanh của các doanh nghiệp được ra mắt và áp dụng tại Việt Nam. Chỉ số này được xây dựng dựa trên 7 yếu tố bao gồm: Văn hóa (cam kết từ lãnh đạo, quản lý, nhân viên, đào tạo); Quy tắc ứng xử; Kiểm soát; Giao tiếp; Ứng xử (nhân viên và bình đẳng giới/bao trùm, cộng đồng, xã hội, môi trường và phát triển bền vững); Tuân thủ; Chứng nhận đạt chuẩn.
VBII được khuyến nghị dành cho các doanh nghiệp ở Việt Nam thuộc mọi quy mô, hình thức sở hữu, lĩnh vực và cơ cấu, công ty niêm yết, công ty tư nhân trong nước, công ty có vốn đầu tư nước ngoài, hay công ty có vốn Nhà nước. Bất kỳ doanh nghiệp nào quan tâm đến kinh doanh liêm chính và coi tính liêm chính trong kinh doanh là nguyên tắc cơ bản cho sự phát triển của doanh nghiệp đều có thể sử dụng chỉ số này.
Phát biểu tại buổi ra mắt VBII, Phó Đại diện thường trú của UNDP Patrick Haverman cho biết: “Chỉ số kinh doanh liêm chính Việt Nam là một công cụ nếu được các doanh nghiệp sử dụng một cách trung thực và minh bạch, sẽ góp phần nâng cao vị thế và thương hiệu của đất nước, tạo dựng niềm tin dựa trên dữ liệu và thông tin, thu hút đầu tư, tạo ra của cải và cải thiện cuộc sống cho người dân”.
Nhấn mạnh về tầm quan trọng của chỉ số VBII, Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh cho rằng: “Phát triển bền vững không còn là một sự lựa chọn giữa “có” và “không”, mà đã trở thành sự sống còn, là cách duy nhất để doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển trong hiện tại và tương lai”.
Chỉ số kinh doanh liêm chính do VCCI phối hợp với UNDP thực hiện chính là bước tiến mới để đưa doanh nghiệp Việt Nam tiệm cận gần hơn với tiêu chuẩn kinh doanh minh bạch, liêm chính của quốc tế.
Chuyên gia hiến kế cải cách thuế tiêu thụ đặc biệt
Kinhtedothi - Mới đây, Hội thảo chuyên đề “Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) - Hài hòa giữa điều tiết nguồn thu ngân sách Nhà nước và phát triển sản xuất kinh doanh” được Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) phối hợp cùng Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.
Thủ tướng Chính phủ: Nếu không nỗ lực đẩy mạnh cải cách TTHC, sẽ tụt hậu
Kinhtedothi – Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, đến cuối năm 2023, tỉ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến phải đạt 50%. Mục tiêu trước mắt là mỗi gia đình sẽ có ít nhất một thành viên có thể thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Cấp thiết điều chỉnh chi phí kinh doanh xăng dầu
Kinhtedothi - Việc nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu hoạt động cầm chừng, tạm thời nghỉ bán đã làm dấy lên lo ngại về nguy cơ đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong nước. Để giải quyết gốc rễ tình trạng này, Bộ Tài chính cần sớm xem xét, điều chỉnh chi phí kinh doanh xăng dầu.