Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Sản xuất nông nghiệp xanh khó nhân rộng

Kinhtedothi - Nông nghiệp xanh mang lại nhiều lợi ích về gia tăng chuỗi giá trị, bảo vệ môi trường, thay đổi tư duy sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ… song việc nhân rộng những mô hình này đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của nông dân, DN và cơ quan quản lý Nhà nước.

Hiệu quả từ sản xuất xanh

Hộ bà Nguyễn Thị Tâm, ở xã Hợp Tiến (huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) có thâm niên áp dụng biện pháp canh tác lúa cải tiến, cấy thưa với giống lúa chất lượng cao kết hợp điều tiết nước hợp lý. Sau khi gặt lúa bằng máy gặt đập liên hợp, toàn bộ rơm, rạ được để lại trên ruộng làm phân bón cho vụ kế tiếp, nhờ đó giảm tới 70% lượng phân bón hóa học, không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

“Qua hơn 10 năm canh tác tuần hoàn, gia đình tôi cùng nhiều nông hộ trong xã tạo được hệ sinh thái bền vững: Phụ phẩm từ cây lúa thành phân bón cho vụ kế tiếp; tôm, cua, chạch, cá rô đồng... phần lớn sinh sản tự nhiên trong ruộng lúa. Với cách này, vừa tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên từ ruộng lúa, vừa hạn chế ô nhiễm môi trường, dịch bệnh trên cây trồng" - bà Tâm chia sẻ.

Canh tác rau an toàn tại xã Vân Nội, huyện Đông Anh. Ảnh: Ánh Ngọc  

Còn tại huyện Đông Anh, nhờ quy hoạch vùng sản xuất rau với diện tích 1.180ha, trong đó có hơn 500ha sản xuất rau an toàn tập trung, quy mô lớn, đến nay huyện đã kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm rau an toàn tại các vùng sản xuất tập trung.

Để duy trì sản xuất nông nghiệp an toàn, huyện Đông Anh đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân về hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Theo khảo sát của cơ quan chức năng, hiện số lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng tại địa phương này đã giảm khoảng 15% so với những năm trước; nông dân sử dụng chủ yếu là phân bón hữu cơ, vi sinh, thảo mộc trong canh tác nông nghiệp.

Báo cáo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội cho thấy, các mô hình nông nghiệp xanh an toàn, hữu cơ của Hà Nội phát triển mạnh tại nhiều huyện: Sóc Sơn, Đông Anh, Phú Xuyên, Thạch Thất, Chương Mỹ, Mỹ Đức...

Sản phẩm nông nghiệp an toàn, hữu cơ bảo đảm yêu cầu cao về vệ sinh an toàn thực phẩm, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô mà một số sản phẩm còn xuất khẩu cho giá trị kinh tế cao. Đáng chú ý, lợi ích lớn nhất của sản xuất nông nghiệp an toàn, hữu cơ là góp phần bảo vệ môi trường bền vững.

Hiệu quả của nông nghiệp an toàn, hữu cơ đã rõ nét, song việc sản xuất vẫn có một số khó khăn như: Chỉ được phép sử dụng phân bón hữu cơ, phòng trừ cỏ dại, sâu bệnh bằng biện pháp thủ công hoặc thuốc sinh học nên mất nhiều công lao động và khó thực hiện trên diện rộng…

Không dễ nhân rộng

Hướng tới nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thời gian tới, Hà Nội tập trung phát triển các vùng nông nghiệp hàng hóa theo hướng đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu. Đến năm 2025, Hà Nội phấn đấu có diện tích canh tác hữu cơ đạt 1,5 - 2% tổng diện tích đất trồng trọt; sản xuất nông nghiệp xanh sẽ trở thành mũi nhọn trong ngành nông nghiệp Thủ đô.

Thu hoạch bưởi hữu cơ tại xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Ánh Ngọc 

Để mở rộng các vùng sản xuất nông nghiệp xanh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, ngành nông nghiệp Thủ đô sẽ phối hợp với các địa phương hướng dẫn, tuyên truyền, khuyến cáo nông dân hạn chế sử dụng những loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học độc hại, không được sử dụng các loại thuốc ngoài danh mục cho phép.

Hà Nội cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi thu hút các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp xanh, xây dựng thêm nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Về lâu dài, nông dân cần mạnh dạn thay đổi nhận thức, chuyển từ cách làm theo thói quen sang sản xuất nông nghiệp theo hướng dẫn của các chuyên gia, nhà khoa học và các cơ quan quản lý nhà nước.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội Phạm Hải Hoa, để giúp nông dân thay đổi phương thức sản xuất, thời gian tới, Hội Nông dân TP tiếp tục phối hợp với ngành nông nghiệp tổ chức các lớp tập huấn trồng rau, cây ăn quả, chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP để tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp an toàn. Cùng với đó, hỗ trợ đăng ký quyền sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa nông sản đặc trưng của địa phương nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.

Để các mô hình nông nghiệp xanh được nhân rộng, thực sự đi vào sản xuất và đời sống xã hội, bên cạnh nỗ lực của nông dân rất cần sự hỗ trợ từ nhiều phía. Đặc biêt là còn nhiều vấn đề cần được tháo gỡ về cơ chế, chính sách, nhận thức, thói quen canh tác, phát triển nông nghiệp tuần hoàn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

 

Cốt lõi trong nhân rộng các mô hình sản xuất xanh vẫn là phải xây dựng được những chuỗi liên kết sản xuất, trong đó, phân định rõ vai trò từng thành tố, tiến tới chuyên môn hóa, hệ thống hóa. Cùng với đó, cần tiếp tục hoàn thiện, nâng cao nhận thức cho người sản xuất về nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn, bởi lẽ có nhận thức đúng thì mới có thể hành động đúng.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương

Để nông nghiệp Hà Nội phát triển xứng tầm

Để nông nghiệp Hà Nội phát triển xứng tầm

Nông nghiệp Hà Nội năm 2022 tăng trưởng ấn tượng

Nông nghiệp Hà Nội năm 2022 tăng trưởng ấn tượng

Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Huyện Phúc Thọ: hướng đến “nông nghiệp thuận thiên”

Huyện Phúc Thọ: hướng đến “nông nghiệp thuận thiên”

12/01/2025 | 15:51

Kinhtedothi - Sau 3 năm triển khai, đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện Phúc Thọ giai đoạn 2022 - 2025 và những năm tiếp theo” đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần chuyển đổi các mô hình sản xuất trên địa bàn huyện theo hướng giá trị cao và bền vững.

Huyện Chương Mỹ: thêm những miền quê đáng sống

Huyện Chương Mỹ: thêm những miền quê đáng sống

11/01/2025 | 10:21

Kinhtedothi - Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, từ năm 2021 đến nay, huyện Chương Mỹ đã huy động hơn 1.600 tỷ đồng để nâng cấp đồng bộ hạ tầng kinh tế - xã hội. Diện mạo nông thôn của địa phương này ngày một đổi thay tích cực.

Tin tài trợ