Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Sâu sát cơ sở, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp

Kinhtedothi - Sáng 7/4, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải và các đồng chí trong Thường trực Thành ủy đã chủ trì hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP lần thứ 8 để thảo luận, cho ý kiến báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2011 - 2020 và 3 năm thực hiện Luật Thủ đô; kết quả 3 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 9 tháng cuối năm của TP.

Nhiều chuyển biến tích cực

Theo báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND TP, trong quý I/2017, kinh tế Thủ đô duy trì tăng trưởng khá, tổng sản phẩm ước tăng 7,06% (cao hơn quý I/2016 là 6,95%), thu ngân sách trên địa bàn đạt 48.819 tỷ đồng, bằng 23,8% dự toán và tăng 11% so với cùng kỳ năm 2016. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, quản lý đô thị, trật tự xây dựng, cải cách hành chính đều có những chuyển biến tích cực. Tỷ lệ hồ sơ nộp qua mạng đối với các dịch vụ công mức độ 3 ngày càng tăng, riêng dịch vụ đăng ký thành lập DN qua mạng đạt 64%.
 Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Thanh Hải
Đặc biệt, TP đã chỉ đạo tăng cường xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự ATGT, trật tự đô thị, trật tự công cộng, lòng đường, hè phố. Với cách làm kiên trì, bài bản và bền vững, tình hình trật tự đô thị, trật tự giao thông, nhất là tại 12 quận có chuyển biến tích cực, việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh, buôn bán, trông giữ xe đã giảm rõ rệt, bước đầu tạo sự chuyển biến trong nhận thức của Nhân dân về ý thức tự giác chấp hành các quy định về trật tự, văn minh đô thị.

Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Nguyễn Tất Thắng: Có luật nhưng vẫn chưa thông thoáng

Nghị quyết 11 và Luật Thủ đô đã hỗ trợ cho Hà Nội phát triển tốt hơn. Tuy nhiên, trong thực tế triển khai vẫn chưa tạo được sự thông thoáng, chưa thực sự đi vào cuộc sống. Đề nghị với những quy định đã được nêu ra trong luật, các cấp, các ngành cần tạo điều kiện cho thuận lợi.

Bí thư Quận ủy Cầu Giấy Lê Văn Luân: Phải duy trì được trật tự đô thị

Những kết quả đạt được thời gian qua về trật tự đô thị là rất tốt, chuyển biến rõ nét, người dân đồng thuận. Tuy nhiên, việc này cần duy trì thành nền nếp, bởi nếu buông lơi sẽ lại tái diễn. Nhiệm vụ này về sau càng khó hơn, nên phải có sự vào cuộc bền bỉ của cả hệ thống chính trị.

Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Huy Việt: “Giữ đất” để làm trường học, bệnh viện

Các quỹ đất sau khi các cơ sở sản xuất di dời toàn xây nhà cao tầng và trung tâm thương mại, có người nói không khí để thở còn khó, nói gì đến hạ tầng giao thông. Vì vậy, đề nghị TP phải kiên quyết “giữ đất” để xây trường học, bệnh viện bãi đỗ xe…
Tuy nhiên, đánh giá của UBND TP cũng như ý kiến của các đại biểu cho rằng, vẫn còn một số quy trình thủ tục hành chính (TTHC) rườm rà, một bộ phận cán bộ, công chức còn thái độ nhũng nhiễu, kéo dài thời gian giải quyết TTHC gây khó khăn cho người dân, DN. Chất lượng tham mưu tại một số lĩnh vực như quy hoạch kiến trúc, đầu tư xây dựng, tài nguyên môi trường chưa đạt yêu cầu, thời gian giải quyết kéo dài, nhiều thủ tục trùng lặp, chồng chéo. Việc triển khai ra quân, quản lý vỉa hè, lòng đường một số nơi còn cứng nhắc, nóng vội cần phải rút kinh nghiệm, nhất là phải có sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng và sự đồng thuận của người dân.

Cần hành lang thông thoáng hơn

Góp ý vào dự thảo báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị, các ý kiến đều bày tỏ sự thống nhất với đánh giá thẳng thắn của Thành ủy đối với kết quả cũng như những hạn chế, vướng mắc và đề xuất của TP đối với T.Ư để tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển nhanh, bền vững. Bên cạnh đó, một số đại biểu đề nghị T.Ư cần có hành lang thông thoáng hơn để Luật Thủ đô triển khai đạt hiệu quả cao. Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Hoàng Công Khôi đề xuất, đối với vướng mắc về giao thông tĩnh, bên cạnh việc sử dụng công nghệ thông minh, cần nghiên cứu xây dựng ngầm dưới các vườn hoa làm bãi đỗ xe, kết hợp với trung tâm thương mại để thu hút các nhà đầu tư.

Một nội dung được nhiều đại biểu cho ý kiến là phải tập trung nguồn lực cải tạo môi trường trong giai đoạn tới, nhất là khu vực sông Nhuệ, sông Đáy tại các huyện Thanh Oai, Phú Xuyên, Thường Tín… Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Phạm Hải Hoa cho rằng, nếu không cải thiện được, không chỉ gây khó khăn cho đời sống dân sinh mà còn khó phát triển những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao. Về nội dung này, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho biết, lãnh đạo TP cũng rất hiểu nỗi khổ của người dân các huyện này và thời gian tới sẽ tập trung đầu tư, tốn bao nhiêu tiền cũng phải làm.

Đừng làm “qua quýt cho xong”

Kết luận hội nghị (toàn văn xem trên số báo hôm nay), Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải yêu cầu các cấp, các ngành cần phát huy tốt những kết quả, kinh nghiệm thời gian qua để triển khai các nhiệm vụ trong năm 2017. Như trong thực hiện dịch vụ công cấp độ 3, thực tế cho thấy, không phải những nơi có trình độ dân trí cao là thực hiện tốt nhất. Quận, huyện, xã, phường nào làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân cùng tham gia thì sẽ đạt tỷ lệ cao. “TP đã đầu tư nhiều tiền cho công nghệ thông tin, nếu không phát huy được các ứng dụng thì sẽ lãng phí lớn” - đồng chí nói. Dù đã nỗ lực, nhưng vừa qua, khi đánh giá về quản trị hành chính công, Hà Nội nằm trong tốp thấp nhất. Do đó, Bí thư Thành ủy cho rằng các cơ quan, đơn vị phải xem xét, “bóc” từng nội dung xem thực hiện đến đâu và có biện pháp chấn chỉnh. Chỉ tiêu năm 2017 TP đưa ra là 40% thủ tục thực hiện dịch vụ công cấp độ 3, tuy nhiên, Bí thư yêu cầu phải phấn đấu đạt cao hơn. Muốn vậy, các cơ quan tham mưu phải tăng cường kiểm tra, xuống tận cơ sở để tháo gỡ kịp thời các vướng mắc.

Tương tự như vậy là các giải pháp tháo gỡ cho DN, Bí thư Thành ủy yêu cầu mỗi cấp, mỗi ngành phải rà soát lại tất cả các khâu, bởi vẫn còn tình trạng gây khó dễ, còn “lời ong tiếng ve”, không coi DN chính là thành công của mình, hoạt động của DN giúp cho mình hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đống chí nhấn mạnh: “Chúng ta luôn phải nghĩ xem đã giúp, tạo điều kiện tốt nhất cho DN chưa. Ai cũng nói thiếu nguồn lực, nếu cải thiện được môi trường kinh doanh, đầu tư, nguồn lực ở đây chứ ở đâu”.

Việc thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị, bên cạnh các vướng mắc do cơ chế chính sách, Bí thư Thành ủy cho rằng các cơ quan chức năng của TP cũng cần xem lại đã thực sự cố gắng hay chưa. Như việc triển khai các dự án, phải thường xuyên giao ban, kiểm tra, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, mới đẩy nhanh được tiến độ, đừng “thả trôi” các dự án. Bởi thực tế, nhiều hợp đồng xây dựng - chuyển giao (gọi tắt là BT) quan trọng, hay quy hoạch bãi đỗ xe tĩnh mới được triển khai rất ít, còn lại vẫn nằm… trên giấy.

Một nhiệm vụ quan trọng nữa được Bí thư Thành ủy nhấn mạnh là công tác đảm bảo an ninh trật tự, ổn định từ cơ sở, không để phát sinh các điểm nóng. Muốn vậy, các cấp, các ngành phải nắm chắc tình hình, coi trọng giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, chấm dứt tình trạng giải quyết “qua quýt cho xong” thì mới tạo được sự đồng thuận của người dân. Cùng với đó, triển khai hai bộ quy tắc ứng xử sớm đi vào cuộc sống. “Việc này phải đưa vào sinh hoạt chi bộ, khu dân cư để tuyên truyền. Nếu làm không tốt, chúng ta sẽ mất đi cơ hội, như việc lập lại trật tự đô thị vừa qua, nhờ vận động, giải thích, người dân rất hợp tác và tự giác thực hiện” - Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Tin tài trợ