Theo đó, SCIC sẽ thực hiện thoái 9% cổ phần VNM đợt đầu. Chủ tịch Hội đồng Thành viên SCIC Nguyễn Đức Chi, cho biết, theo kế hoạch, ngay trong tháng 9 này, SCIC sẽ thực hiện thuê tổ chức tư vấn, chuẩn bị triển khai kế hoạch thoái vốn tại Vinamilk.
|
Tháng 9, SCIC chuẩn bị triển khai kế hoạch thoái 9% vốn tại Vinamilk |
Mức giá sàn khởi điểm này có thể công bố vào tháng 11. Vị lãnh đạo này cho biết, 9% bán trong đợt đầu là khối lượng đủ lớn để hấp dẫn nhà đầu tư. “Chúng tôi đang xem xét bán theo lô, thoả thuận và chắc chắn không thấp hơn giá thị trường tại thời điểm giao dịch"- ông Nguyễn Đức Chi khẳng định.
Số tiền bán vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước không cần nắm giữ sẽ thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội. Theo đó, có thể cân đối 30.000 tỷ đồng từ nguồn thoái vốn này để chi đầu tư phát triển và xây dựng một số công trình quan trọng như: Bệnh viện Bạch Mai 2, Bệnh viện Việt Đức 2 và Bệnh viện Chợ Rẫy...
Hiện, SCIC đang nắm 44,7% cổ phần Vinamilk. Ngoài Vinamilk, 9 DN khác SCIC đang đại diện phần vốn Nhà nước cũng sẽ có kế hoạch thoái vốn cụ thể trong năm 2017 là FPT, FPT Telecom, Bảo hiểm Bảo Minh, Tổng công ty Tái bảo hiểm quốc gia, Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang, Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong, Công ty Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam, Nhựa Bình Minh và Công ty Xuất nhập khẩu Sa Giang. Giá trị vốn hoá của 10 doanh nghiệp này hiện khoảng 100.000 tỷ đồng, trong đó, riêng Vinamilk chiếm 90% (khoảng 90.000 tỷ đồng).