Siết bội chi để kiểm soát nợ công
Kinhtedothi - Dù đã có nhiều cải tiến nhưng so với thông lệ quản trị phổ biến trên thế giới, hệ thống pháp luật về tài chính ngân sách Nhà nước Việt Nam vẫn còn những bất cập, yếu kém.
Một trong những giải pháp để cải thiện mức độ minh bạch là sự tham gia và giám sát của người dân vào ngân sách... Đây là ý kiến của nhiều đại biểu tại buổi tọa đàm “Công khai minh bạch ngân sách Nhà nước” do Trung tâm Nghiên cứu truyền thông phát triển (RED) và Liên minh Minh bạch ngân sách (BTAP) tổ chức tại Hà Nội, sáng 27/10.
Minh bạch ngân sách phải có sự tham gia của người dân
Công khai minh bạch ngân sách Nhà nước (NSNN) thể hiện ở 3 tiêu chí mức độ minh bạch, sự tham gia của công chúng và giám sát ngân sách. Việt Nam hiện đã công khai một số tài liệu chủ chốt như: Định hướng xây dựng ngân sách, dự toán, báo cáo quý, báo cáo cuối năm... Tuy nhiên, theo chuyên gia Võ Đại Lược, những văn bản này luôn luôn chậm. “Công khai thế nào, phương thức công khai thế nào, tìm cách thông tin đến người dân cái này thuộc về trách nhiệm của người lãnh đạo, người đứng đầu” - ông Lược đặt câu hỏi.
Với tư cách là đại biểu Quốc hội, PGS.TS Bùi Thị An chia sẻ, thông thường, quá trình chuẩn bị dự toán ngân sách diễn ra từ tháng 7. Tuy nhiên, thời gian xem xét dự toán ngân sách ở Quốc hội rất hạn chế, chỉ có vài tuần. Bà Bùi Thị An cho rằng, tất cả các dự toán từ thu chi đều công khai nhưng vấn đề hiện nay là phải minh bạch. “Vấn đề được quan tâm là khi xây dựng dự toán cần tạo thêm nhiều cơ hội cho công chúng tham gia trực tiếp trong các cuộc tranh luận và thảo luận công khai về chính sách tài khóa. Ngoài ra, quá trình kiểm
Không nên để con cháu ta trả nợ công, cần thu hồi tài sản tham nhũng, tăng hiệu quả bộ máy cán bộ. - Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An
Nợ công có nợ Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương. Ba nguồn phát sinh nợ này cần xem xét lại. Rồi xem công cụ quản lý nợ phát hành trái phiếu dài hạn lãi suất phù hợp, không nên vay ngắn hạn gây áp lực lên nợ công. - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính Ngân sách, Văn phòng Quốc hội Nguyễn Minh Tân |
toán ngân sách hiện có sử dụng chuyên gia, tổ chức xã hội hay không cũng là một trong những câu hỏi đặt ra...” - bà An nói và cho rằng, nên trao quyền cho các tổ chức giám sát như thiết lập một bộ phận nghiên cứu ngân sách riêng cho cơ quan lập pháp để cơ quan này có thể có tiếp cận tốt hơn với các nghiên cứu và phân tích... Ngoài ra, công khai minh bạch không chỉ ở khâu xây dựng dự toán mà cả trong phân bổ sử dụng ngân sách (từ khâu cấp phép, chi tiêu, thực hiện...)
Về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Tân - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính Ngân sách, Văn phòng Quốc hội cho hay, Luật NSNN 2015 hiện đã có 2 chương nói riêng về việc công khai và giám sát của cộng đồng trong đó có đề cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc. Sắp tới, Chính phủ sẽ có thêm những hướng dẫn cụ thể về đối tượng công khai ngân sách (sẽ bao gồm cả các quỹ, dự án,..) và mở rộng phạm vi công khai.
Giải pháp là phải...cương quyết
Một vấn đề được đại biểu quan tâm là nợ công đang ở ngưỡng tiệm cận sát trần. Các cơ quan chức năng phải có giải pháp tích cực đảm bảo theo Nghị quyết của Quốc hội. Đơn cử như Chính phủ đưa ra dự toán bội chi NSNN năm 2017 là khoảng 3,5% GDP. Mức này bao gồm cả bội chi ngân sách T.Ư và ngân sách địa phương, gồm cả trái phiếu Chính phủ, nhưng không bao gồm chi trả nợ gốc là không đầy đủ. “Phải xem xét lại chi đã hiệu quả chưa, 14.000 tỷ đồng là con số ước tính ngân sách phải bỏ ra để “nuôi” các tổ chức hội, đoàn thể mỗi năm. Đó là chưa kể gánh nặng chi thường xuyên quá lớn từ bộ máy hiện đang khá cồng kềnh, những công trình xây để đấy,... phải làm rõ ai xin ai cho, ai chịu trách nhiệm” - Ths Nguyễn Chí Dũng - chuyên gia nghiên cứu cho UNDP, Ủy ban Pháp chế Quốc hội phát biểu.
Nhắc lại lời Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói phải chi tiêu trong khả năng, tiết kiệm chi tiêu, cơ cấu lại toàn bộ nợ công, dứt khoát không để nợ công vượt trần Quốc hội cho phép, ông Nguyễn Chí Dũng ví: Như TP Hồ Chí Minh sốc khi nghe ngân sách bị cắt đột ngột từ 23% xuống 18% giai đoạn 2017 - 2020. Tôi nghe TP Hồ Chí Minh không mua xe nữa, không mua sắm thiết bị nữa và sẽ chuyển sang thuê. Có nghĩa với trần yêu cầu giảm họ sẽ tìm ra giải pháp. Hành lang không thể tăng được buộc các đơn vị địa phương phải tính toán” - ông Dũng nói tiếp.