Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Singapore “thiên đường khởi nghiệp”

Kinhtedothi - Singapore đang nằm trong số những quốc gia được đánh giá là có nhiều điều kiện thuận lợi nhất trên thế giới cho các dự án startup (khởi nghiệp). Nhưng ít ai biết rằng, chỉ cách đây chưa đầy chục năm, khởi nghiệp là một khái niệm “điên rồ” tại đất nước này.

Đi lên từ con số 0
Trước năm 2010, nếu ai đó kêu gọi các nhà đầu tư mạo hiểm rót tiền vào một dự án khởi nghiệp tại Singapore, hầu hết câu trả lời nhận được sẽ là “điên rồ” hoặc "sẽ không bao giờ có một DN khởi nghiệp giá trị ở quốc gia đó"... Lúc đó, khởi nghiệp với đảo quốc sư tử gần như chỉ là con số 0 tròn trĩnh, nhưng chỉ vài năm sau đó, tất cả đã thay đổi, thậm chí tới hiện tại, Singapore còn được đánh giá là một trong những điểm ươm trồng tốt nhất dành cho các DN mới bắt đầu bước chân vào ngưỡng cửa kinh doanh.
 
Trước đây, nhắc tới “khởi nghiệp”, rất ít người dân Singapore hiểu ý nghĩa của cụm từ này. Nhưng ngày nay, khi nghe đến, họ sẽ chỉ về phía tòa nhà Block 71 nằm tại khu Ayer Rajah Crescent. Địa điểm này được coi là trái tim của lĩnh vực khởi nghiệp tại Singapore khi tập trung tới 500 dự án startup và cũng từ đây, nhiều hoạt động đầu tư, mua bán lẫn thâu tóm các DN mới với trị giá hàng chục triệu USD đã được diễn ra.

Theo thống kê, thời điểm năm 2010, chỉ có 26 DN khởi nghiệp ở Singapore xin được đầu tư, nhưng tới năm 2015 đã nhảy vọt lên 220 DN. Tổng số tiền được rót vào cho các dự án startup cũng tăng mạnh từ 80 triệu USD lên 1,16 tỷ USD. Trong đó, nổi bật là các thương vụ đầu tư vào ứng dụng đặt chỗ taxi Grab có trị giá 350 triệu USD và nền tảng thương mại điện tử Lazada với số tiền lên đến 500 triệu USD.

Để có được thành tựu như ngày nay, Chính phủ Singapore luôn đưa ra các chính sách điều chỉnh kịp thời theo hướng hỗ trợ tốt nhất cho sự phát triển của DN cũng như khuyến khích cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh. Ở Singapore, công đoạn thành lập một DN chỉ tốn khoảng vài giờ, và ngay cả với những dự án startup cũng được bảo vệ rất chặt chẽ trong giai đoạn đầu khi quyền sở hữu trí tuệ luôn được coi trọng. Bên cạnh đó, Chính phủ Singapore cũng đã tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp được coi là chuẩn mực và có nhiều giá trị để các quốc gia muốn phát triển lĩnh vực này học hỏi. Đặc biệt, Chính phủ chỉ hỗ trợ một phần, các phần còn lại phải do chính DN khởi nghiệp cũng như nhà đầu tư "tự thân vận động". Tiêu biểu trong số này là các chương trình Early Stage Ventures Fund (ESVF) và Technology Incubation Scheme (TIS) của Quỹ Nghiên cứu quốc gia Singapore (NRF) nhằm hỗ trợ cho các DN khởi nghiệp với quy mô nhỏ, chỉ cần vài trăm nghìn USD cho giai đoạn phát triển ban đầu.

Hai chương trình ESVF và TIS được đầu tư đối ứng theo tỷ lệ 1:1 và 1:6, đồng nghĩa với việc Chính phủ bỏ 1 triệu USD, các quỹ đầu tư sẽ phải bỏ thêm 1 triệu USD hoặc hơn 160.000 USD nhằm nâng tổng giá trị của quỹ lên cao, từ đó tạo điều kiện tối đa để trợ giúp DN khởi nghiệp. Tính đến hết quý I/2016, Chính phủ Singapore đã bỏ khoảng 100 triệu SGD cho 2 quỹ trên nhưng đã giúp các DN khởi nghiệp nhận được số tiền đầu tư gấp tới 4 lần (400 triệu SGD).

Chỉ riêng chương trình TIS đã trợ giúp được 145 DN khởi nghiệp. Với tỷ lệ thất bại chỉ khoảng 20%, đây là kết quả ấn tượng của một chương trình hỗ trợ khởi nghiệp nếu biết con số chung ở nhiều quốc gia khác là 70%. Đặc biệt, lĩnh vực khởi nghiệp sẽ còn sáng sủa hơn, khi tới đây, Singapore đã thông qua kế hoạch nghiên cứu đổi mới DN năm 2020 (RIE2020) với mức kinh phí lên đến hơn 16 tỷ USD, cao hơn nhiều so với hơn 11 tỷ USD của RIE2015.
Làn sóng các startup Việt bỏ sang Singapore

Có một thực tế đã diễn ra âm thầm từ khoảng 2 năm nay và gia tăng đột biến trong thời gian qua khi nhiều DN khởi nghiệp Việt thay vì đăng ký hoạt động ở trong nước đã chọn Singapore làm nơi đặt trụ sở chính.

Trường hợp của Nguyễn Hà Đông và tựa game di động "huyền thoại" Flappy Bird được xem là những "cảnh báo" cũng như động lực khiến các startup Việt ngày càng thiên về lựa chọn lập nghiệp tại nước ngoài. Đặc biệt, với các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, mọi thứ đều dễ dàng hơn khi khái niệm biên giới, quốc gia là rất nhỏ bé. Trình duyệt Cốc Cốc, mạng xã hội về địa điểm ăn uống Lozi, sàn giao dịch học tiếng Anh Antoree.vn... những dự án khởi nghiệp rất thành công của người Việt nhưng hiện đang chọn Singapore làm nơi đăng ký kinh doanh.

Nếu đem cả Việt Nam và Singapore lên bàn cân để đo về độ hỗ trợ cho các DN, có thể dễ dàng nhận ra cán cân đang nghiêng hẳn về phía đảo quốc sư tử với chênh lệch rất lớn. Đơn cử như với trường hợp thành lập DN, cấp giấy phép kinh doanh và các thủ tục đi kèm trong lĩnh vực công nghệ ở Việt Nam thường kéo dài khá lâu, có thể lên đến 6 tháng, nhưng ở Singapore, tất cả sẽ được hoàn thiện chỉ trong vòng… một ngày.

Là người từng chọn Singapore làm nơi phát triển dự án khởi nghiệp của mình thay vì Việt Nam, anh Trình Tuấn - cha đẻ ứng dụng chăm sóc bà bầu - BabyMe cho biết, lý do bắt nguồn từ chính sách hỗ trợ yếu. Ngay trong khâu kêu gọi vốn, dù rất muốn rót tiền nhưng nhiều nhà đầu tư đã tỏ ra e ngại trước các hạn chế của Luật Đầu tư. Sau khi chuyển sang Singapore, mọi vấn đề đều được giải quyết rất nhanh chóng và hiệu quả. "Mặc dù BabyMe là sản phẩm của người Việt nhưng lại thuộc về một công ty của Singapore, đây chính là một kiểu chảy máu chất xám" - anh Tuấn chia sẻ.

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, nhiều DN khởi nghiệp đều chung ý kiến, nếu muốn ngăn làn sóng các startup bỏ sang Singapore, việc đầu tiên cần làm là phải thay đổi căn bản từ mặt chính sách, trong đó Chính phủ đóng vai trò chủ đạo. Có thể kể đến như hạn chế những thủ tục rườm rà không cần thiết, tạo điều kiện thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm cũng như khuyến khích tối đa sự phát triển của DN nhỏ và vừa... Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần cho ra đời nhiều chương trình hỗ trợ khởi nghiệp với nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp hoặc qua hợp tác với các tổ chức đầu tư nước ngoài.
Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Tin tài trợ