Sửa Luật Tần số vô tuyến điện: Giải tỏa “cơn khát” tần số cho viễn thông
Kinhtedothi - Mặc dù thị trường viễn thông Việt Nam đã có tốc độ phát triển rất nóng trong khoảng 14 năm trở lại đây nhưng có một thực tế đáng ngạc nhiên là trong quãng thời gian này, băng tần - "xương sống" của viễn thông - lại chưa từng được cấp mới cho bất kỳ nhà mạng nào.
Gần 14 năm chưa có tần số nào được cấp phép
Có thể nói, trong khoảng 14 năm trở lại đây, viễn thông đang là lĩnh vực rất quan trọng đối với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Không chỉ đóng góp hơn 400.000 tỷ đồng vào ngân sách mà viễn thông còn là “xương sống” cho chiến lược chuyển đổi sang nền kinh tế số - xã hội số của đất nước trong những năm gần đây và cả tương lai.
Nhắc đến viễn thông là nhắc tới kết nối internet di động 3G, 4G và 5G. Hiện Việt Nam đang là một trong những quốc gia thuộc nhóm đầu phát triển công nghệ 5G trên thế giới. Tuy nhiên có một nghịch lý mà công nghệ mới này hay thậm chí là 4G gặp phải là “có ngựa nhưng không có đường” khi yếu tố chính quyết định tới tốc độ phát triển của mạng di động là tần số lại đang bị kìm kẹp bởi cơ chế.
Được biết lần gần đây nhất, việc cấp tần số để sử dụng cho mạng viễn thông đã diễn ra từ năm 2008, khi băng tần 2.100 MHz dành cho 3G. Thậm chí, ngay cả khi Luật Tần số vô tuyến điện chính thức có hiệu lực từ tháng 7/2010 thì đến nay cũng không có tần số nào được đấu giá hay cấp phép trực tiếp theo những gì mà Luật này đã quy định.
Chính từ “điểm nghẽn” này nên từ nhiều năm nay việc mạng 4G phải sử dụng chung băng tần 1.800 MHz và 2.100 MHz với 2G và 3G là điều quá quen thuộc. Cũng chính việc sử dụng chung hạ tầng công nghệ cũ khiến tốc độ của 4G bị ảnh hưởng lớn cũng như việc mở rộng và nâng cấp mạng lưới cũng tương đối khó khăn.
Hay đơn cử như việc phát triển 5G, mặc dù đã diễn ra khoảng gần 2 năm nay nhưng đến hiện tại việc có được một tần số riêng cho mạng này vào thời điểm nào cũng chưa một nhà mạng hoặc cơ quan quản lý nào có thể chắc chắn. Như vậy, khi “con đường” là tần số vẫn chưa có thì “con ngựa” 5G sẽ không phi được đúng tốc độ như đã kỳ vọng.
Việc chậm trễ cấp phép cho tần số không chỉ khiến tốc độ phát triển của ngành viễn thông chậm lại mà còn gây thiệt hại khá lớn đối với ngân sách nhà nước khi giá trị thương mại của những băng tần này rất cao. Đơn cử như Hàn Quốc đã thu về được 3,3 tỷ USD thông qua đấu giá tần số 5G trong thời hạn 15 năm, con số này ở Thái Lan cũng là hơn 3 tỷ USD hay với Australia là xấp xỉ 3 tỷ USD. Theo ước tính, nếu băng tần 5G được đem ra đấu giá ở Việt Nam thì có thể thu về khoảng 350 triệu USD.
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, đại diện một nhà mạng cho biết, tiền để đấu giá tần số cho 5G đã sẵn sàng chỉ đợi Nhà nước cho phép. Nhà mạng đã sẵn sàng để thương mại hóa 5G nhưng việc thiếu tần số chính là rào cản lớn nhất. Nếu có băng tần 2.6 GHZ không chỉ mạng 5G được triển khai thuận tiện hơn mà chất lượng mạng 4G cũng sẽ được nâng cấp đáng kể so với hiện tại.
Việc thiếu băng tần không chỉ ảnh hưởng tới các nhà mạng lớn như Viettel, VinaPhone hay MobiFone mà đây chính là “cửa tử” đối với các nhà mạng nhỏ hơn. Đơn cử là câu chuyện của Vietnamobile khi việc thiếu băng tần đã khiến nhà mạng này không thể mở rộng dung lượng mạng lưới, đồng nghĩa với việc không thể có thêm khách hàng. Và ở thời điểm hiện tại, Vietnamobile chỉ chiếm dưới 2% thị phần viễn thông ở Việt Nam.
Sửa Luật để đấu giá băng tần
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, sở dĩ việc cấp phép tần số mới cho viễn thông bị “tắc” nhiều năm nay nằm ở khâu Luật này vướng Luật kia, điều thường thấy trong nhiều lĩnh vực tại Việt Nam. Có thể kể đến như sau khi Luật Tần số vô tuyến điện ra đời thì có hàng loạt các Luật khác liên quan tới đấu giá như: Luật Đấu giá tài sản (2016), Luật Đầu tư (2020)… từ đó việc áp dụng Luật nào đã gây nhiều lúng túng cho các cơ quan quản lý.
Cũng chính từ hạn chế trên, việc Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) chủ trì sửa đổi và bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện đã nhận được nhiều sự hưởng ứng từ các nhà mạng cũng như góp ý từ các cơ quan quản lý. Điều này sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước quản lý chặt chẽ, phân bổ hợp lý, hiệu quả quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông, thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông, góp phần tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia…
Được biết, trong Dự thảo Luật sửa đổi đã có một số sửa chữa và bổ sung nhằm tạo thuận lợi hơn cho việc cấp phép, đấu giá tần số. Có thể kể đến như bổ sung quy định về quy hoạch băng tần để làm rõ giới hạn tối đa tổng độ rộng băng tần một doanh nghiệp được cấp phép. Hay bổ sung quy định rõ ràng về các khoản thu từ việc sử dụng tần số, phương thức thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện…
Đối với vấn đề quan trọng nhất là đấu giá tần số, Dự thảo Luật sửa đổi có bổ sung quy định về điều kiện được tham gia đấu giá, thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện thì tổ chức phải có đủ điều kiện được cấp giấy phép thiết lập mạng viễn thông, phải có cam kết triển khai mạng viễn thông sau khi được cấp phép theo quy định. Để được cấp lại giấy phép sau khi hết hạn như phải sử dụng có hiệu quả băng tần, kênh tần số đã cấp...
Việc chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện được cấp phải thông qua đấu giá để làm rõ doanh nghiệp nhận chuyển nhượng phải kế thừa đầy đủ các nghĩa vụ của tổ chức chuyển nhượng với điều kiện bảo đảm tổng độ rộng băng tần sau khi nhận chuyển nhượng không vượt quá giới hạn tổng độ rộng băng tần mà một tổ chức được cấp phép sử dụng.
Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long, tần số là tài sản có giá trị rất cao nên cần phải được cấp thông qua hình thức đấu giá. Trong thời gian gần đây, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị định liên quan tới cấp phép, đấu giá, sử dụng tần số vô tuyến điện… Đây là cơ sở quan trọng, nếu kết hợp với việc sửa đổi Luật Tần số vô tuyến điện thì việc đấu giá tần số là có thể triển khai được.
Điều luật về đấu giá băng tần được bổ sung trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện:
Điều 18a “Cách thức đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện”
Đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện được thực hiện theo nguyên tắc cho phép người tham gia đấu giá được thay đổi số lượng khối băng tần hoặc vị trí khối băng tần muốn mua tại cuộc đấu giá và được thực hiện theo quy định.
Cách thức đấu giá nhiều vòng, đồng thời tất cả các khối băng tần và cho phép người tham gia đấu giá được linh hoạt quyết định số lượng khối băng tần muốn mua tại cuộc đấu giá.
Cuộc đấu giá gồm giai đoạn xác định số lượng khối băng tần trúng đấu giá của người tham gia đấu giá và giai đoạn xác định vị trí cụ thể khối băng tần trúng đấu giá của người trúng đấu giá.
Tại mỗi vòng, người tham gia đấu giá có quyền trả giá cho bất kỳ khối băng tần nào. Để được tiếp tục trả giá ở các vòng sau, người tham gia đấu giá phải duy trì quyền trả giá của mình bằng cách trả tiếp cho khối đã trả nếu không phải là người trả giá cao nhất tại vòng trước đó hoặc chuyển sang trả giá cho khối băng tần khác.
Cuộc đấu giá kết thúc khi không có người nào trả giá hoặc không có người nào còn quyền trả giá. Người được xác định trúng đấu giá tại một khối băng tần là người trả giá cao nhất cho khối băng tần đó.”
Hiện đại hóa hạ tầng viễn thông phục vụ chuyển đổi số
Kinhtedothi - Hạ tầng viễn thông được coi là nền tảng để thúc đẩy hệ sinh thái số, thúc đẩy nền kinh tế số trong nước bứt tốc. Câu chuyện hiện đại hóa hạ tầng số là thách thức đặt ra cho nhà quản lý, doanh nghiệp.
Thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia
Kinhtedothi- Sáng 3/6, tại Kỳ họp thứ 3, các đại biểu Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Nhiều quy định được bổ sung để quản lý chặt chẽ, phân bổ hợp lý quyền sử dụng tần số vô tuyến điện.