Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Tại xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn: Hàng ngàn hộ dân sống chung với úng ngập

Kinhtedothi - Nhiều năm qua, người dân xã Xuân Thu (huyện Sóc Sơn) sống ven sông Cà Lồ thường xuyên đối diện với cảnh úng ngập mỗi khi trời mưa lớn, trong khi giải pháp cho vấn đề này vẫn còn đang bỏ ngỏ.

Nước mưa không có đường thoát
Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất mỗi khi trời mưa lớn là thôn Xuân Lai. Ông Nguyễn Văn Miên - Phó Trưởng thôn Xuân Lai cho biết, toàn thôn hiện có 24 xóm. Hễ trời mưa to, có đến 10 xóm bị ảnh hưởng. Nước tràn, lấn vào tận trong nhà. Nhiều hộ thậm chí bị ngập sâu tới 1,5m. Việc đi lại của người dân hết sức khó khăn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, nhất là trong bối cảnh nhiều tuyến đường liên thôn, xã vẫn còn là đường đất và hệ thống cống rãnh chưa thực sự hoàn thiện. Nhiều hộ gia đình chăn nuôi phải di chuyển đàn gia súc, gia cầm tới nơi cao ráo hơn để tránh ảnh hưởng của úng ngập tới đàn vật nuôi...
 Việc mở rộng cống tiêu thoát nước thôn Xuân Lai được xem là giải pháp cho tình trạng úng ngập trên địa bàn xã Xuân Thu.  Ảnh Trọng Tùng
Không chỉ cuộc sống của nhiều hộ dân, Đền Bà - di tích lịch sử văn hóa được UBND TP Hà Nội công nhận năm 2015 cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình trạng úng ngập. Theo phản ảnh của nhiều người dân, mỗi khi trời mưa to, nước ngập tới tận sân đền. Tất thảy đều cảm thấy lo lắng, bởi điều này có thể tác động tiêu cực tới kết cấu công trình của di tích đóng vai trò hết sức quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân địa phương về lâu dài.
Theo chia sẻ của nhiều người dân, những năm về trước, do vẫn còn nhiều ao ngòi, tình trạng ngập úng hiếm khi xảy ra. Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, khi các công trình xây dựng đua nhau mọc lên, ao ngòi bị san lấp, nước mưa không có đường tiêu thoát khiến vùng dân cư xã Xuân Thu, trọng tâm là thôn Xuân Lai thường xuyên rơi vào tình trạng úng ngập. Đã không ít lần địa phương phải huy động máy bơm dã chiến bơm nước từ trong khu dân cư ra sông Cà Lồ khi có mưa lớn. Tuy nhiên, điều này cũng chỉ có thể thực hiện được khi mực nước sông Cà Lồ ở mức thấp. Trong trường hợp mưa đổ xuống với cường độ lớn, nước sông Cà Lồ lên nhanh, việc bơm tiêu không thể thực hiện và cống tiêu thoát nước cũng sẽ được đóng lại để tránh nước từ sông chảy ngược vào khu dân cư. Và khi đó, người dân thôn Xuân Lai cùng một số xóm lân cận buộc phải sống chung với úng ngập!
Cấp thiết mở rộng cống tiêu nước
Cùng với việc các công trình xây dựng mới làm biến mất ao ngòi, một nguyên nhân trực tiếp khác được ông Nguyễn Hữu Tuấn - Chủ tịch UBND xã Xuân Thu đưa ra để lý giải cho tình trạng úng ngập là do hệ thống tiêu thoát nước của địa phương quá nhỏ và cũ kỹ. Tìm hiểu thực tế cho thấy, cống tiêu thoát nước từ thôn Xuân Lai ra sông Cà Lồ được đưa vào sử dụng từ những năm 1960 nhưng chưa một lần được tu sửa, nâng cấp. Và cống cũng chỉ có đường kính rộng chừng… 60cm. Với kích thước như trên, sẽ là rất khó để có thể tiêu thoát một khối lượng nước lớn cùng lúc cho vùng dân cư hàng ngàn hộ vào mùa mưa. Điều đáng nói, đây cũng là cống tiêu thoát nước duy nhất hiện có trên địa bàn!
Liên quan tới giải pháp khắc phục, ông Tuấn cho biết, địa phương đã có báo cáo, đề xuất UBND huyện Sóc Sơn. Tháng 9/2016 vừa qua, phòng chuyên môn của huyện phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội đã tổ chức đoàn công tác về khảo sát thực tế. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có phản hồi về việc có triển khai dự án đầu tư mở rộng cống thoát nước hay không. Điều này cũng đồng nghĩa, hàng ngàn hộ dân xã Xuân Thu và Di tích lịch sử văn hóa cấp TP Đền Bà sẽ vẫn phải sống chung với úng ngập thêm nhiều tháng ngày nữa. 
Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

TP Hồ Chí Minh: thêm một dòng kênh trở lại màu xanh

TP Hồ Chí Minh: thêm một dòng kênh trở lại màu xanh

17/01/2025 | 14:19

Kinhtedothi – Hàng Bàng là một trong những con kênh thoát nước tại TP Hồ Chí Minh bị ô nhiễm trầm trọng, với hàng trăm hộ dân sinh sống trên kênh từ hàng chục năm qua, con kênh bị lấp hẳn. Việc khôi phục lại dòng kênh góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sống của người dân.

Tin tài trợ