Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Tăng cường hợp tác với các tập đoàn công nghệ Nhật Bản vì một Hà Nội hiện đại và bền vững

Kinhtedothi - Trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật Bản cấp nhà nước của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã có nhiều hoạt động nhằm tăng cường hợp tác giữa Hà Nội với các tập đoàn hàng đầu Nhật Bản.

Trong 2 ngày 31/5 và 1/6, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có hàng loạt cuộc gặp với lãnh đạo các tập đoàn Nhật Bản, tham quan, tìm hiểu các công nghệ hiện đại vì chủ trương xây dựng một Hà Nội phát triển hiện đại và bền vững. 
 Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung
Ngày 31/5, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã tham quan nhà máy Suginami của tập đoàn Hitachi Zosen chuyên về công nghệ xử lý rác thải và phát điện. Nhà máy nằm tại thủ đô Tokyo, được khánh thành và đi vào hoạt động vào cuối năm 2017, sử dụng công nghệ mới nhất của Hitachi Zosen. Nhà máy hoạt động theo cơ chế đốt rác phát điện và thu hổi nhiệt thải sinh ra trong quá trình đốt rác với sản lượng điện vào khoảng 24.000kW. Mặc dù thời gian đi vào hoạt động chưa được một năm, song nhà máy Suginami được đánh giá thân thiện với môi trường, đem đến cảm giác bình an cho cư dân địa phương, là cơ sở đáng tin cậy để kết hợp cùng cộng đồng.
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội có 5.000 tấn rác thải/ngày và hiện tại vẫn đang phải xử lý bằng rác thải bằng công nghệ chôn lấp, một công nghệ lạc hậu sẽ để lại hậu quả lớn đối với các thế hệ tương lai. Chính vì vậy, lãnh đạo TP Hà Nội đặt mục tiêu, đến năm 2020 và 2021, khoảng 80% rác Hà Nội sẽ được xử lý bằng công nghệ đốt và phát điện. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng nhà máy Suginami là mô hình có thể áp dụng cho Hà Nội và bày tỏ tin tưởng vào năng lực của Hitachi Zosen, đặc biệt trong bối cảnh các dự án điện rác đang nhận được sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ Nhật Bản.
Chủ tịch TP Hà Nội khẳng định vào ngày 16/6 tới, trong khuôn khổ Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Hà Nội, sẽ trao cho tập đoàn T&T và Hitachi Jonsen giấy phép xây dựng nhà máy đầu tiên về xử lý rác thải rắn để phát điện. Chủ tịch TP Hà Nội hy vọng việc xây dựng nhà máy sẽ hoàn thành vào tháng 12/2020.
Với chủ trương xây dựng một Hà Nội xanh sạch đẹp, cùng ngày 31/5, Chủ tịch TP Hà Nội đã có buổi làm việc với PREC, một công ty hàng đầu của Nhật Bản về lĩnh vực thiết kế cảnh quan. Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết, TP có chủ trương chỉnh trang công viên Thống Nhất, công viên Bách Thảo, phần tượng đài Lý Tự Trọng trên đường Thanh Niên... Chủ tịch bày tỏ mong muốn PREC xúc tiến hoạt động khảo sát, nghiên cứu, sớm khởi động kế hoạch chỉnh trang cảnh quan của Hà Nội. 
Lãnh đạo của PREC và các công ty thiết kế cảnh quan cây xanh Tokyo bày tỏ cám ơn trước những đề xuất cụ thể, rõ ràng và sự hỗ trợ tích cực của Hà Nội, đồng thời cam kết sẽ nỗ lực để đáp ứng được sự kỳ vọng của lãnh đạo và nhân dân TP Hà Nội.
Cũng trong ngày 31/5, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã có cuộc gặp với lãnh đạo của tập đoàn công nghệ cao Nidec. Chủ tịch TP Hà Nội khẳng định, TP sẽ hoàn tất các thủ tục cần thiết để dự án khởi công xây dựng nhà máy của Nidec được thực hiện theo đúng kế hoạch. Chủ tịch TP Hà Nội cam kết tập đoàn có thể nhận giấy phép xây dựng trong vòng 10 đến 15 ngày và đề nghị Nidec khởi công xây dựng nhà máy ngay vào cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7/2018.
Cùng ngày, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam tại Tokyo, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã trao cho tập đoàn Nidec giấy phép cho dự án có số vốn 200 triệu USD.
Bên lề hội nghị, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đã có cuộc tiếp xúc với lãnh đạo Công ty Tokyo Metro. Tại cuộc gặp này, Tokyo Metro cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Hà Nội trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực quản lý, khai thác, vận hành hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội.
Trong ngày 1/6, Chủ tịch TP Hà Nội đã tham quan mô hình phát triển nông nghiệp chất lượng cao tại làng Kawakami, tỉnh Nagano. Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đã tìm hiểu các kỹ thuật - công nghệ quy chuẩn, đồng bộ và hiện đại mà làng Kawakami đang ứng dụng để phát triển nông nghiệp sạch. Mỗi công đoạn đều có sự tham gia của công nghệ, cơ giới hóa và có vai trò quan trọng riêng. Chẳng hạn, trước khi trồng cây, đất sẽ được xới lên để kiểm tra thành phần các chất có trong đất. Sau đó, căn cứ vào kết quả kiểm tra, đất trồng sẽ được bổ sung các thành phần hóa chất còn thiếu. Phân hữu cơ để tăng độ màu cho đất sẽ được trộn đều trong đất trước công đoạn trồng cây. Sau đó, đất tơi xốp đã được bổ sung đầy đủ các khoáng chất và chất màu sẽ được đánh luống và trải nilon. Đây là hai công đoạn đã được cơ giới hóa. Một kỹ thuật công nghệ quan trọng nữa được Kawakami sử dụng là hệ thống kho lạnh 5 độ C, nhằm giúp kéo dài thời gian tươi của rau sau khi được thu hoạch. Phát triển nông nghiệp chất lượng cao đã đưa Kawakami từ một làng nghèo trở thành một trong những ngôi làng giàu nhất Nhật Bản với thu nhập bình quân của mỗi hộ lên tới 25 - 35 triệu yên/năm (tương đương từ 5 đến 7 tỷ đồng).
Đánh giá cao thành tựu phát triển của làng Kawakami, Chủ tịch TP Hà Nội đã đề xuất hợp tác song phương giữa làng Kawakami nói riêng và tỉnh Nagano nói chung với Hà Nội, cân nhắc ý tưởng chuyển giao kiến thức trồng rau sạch, theo hình thức cử chuyên gia sang Việt Nam chuyển giao công nghệ và tiếp nhận lao động trẻ của Hà Nội đến làng học tập kinh nghiệm.
Cùng ngày 1/6, Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã tiếp Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn AEON để trao đổi nội dung hợp tác trong chiến lược phát triển đầu tư và kinh doanh của AEON tại Hà Nội. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác, đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án AEON MALL tại Hà Đông, hỗ trợ đưa các nông sản của Hà Nội vào hệ thống phân phối của tập đoàn, đồng thời nhất trí ủng hộ các dự án đầu tư mới của tập đoàn AEON tại Hà Nội, phù hợp với lợi ích của cả hai bên.
Phía Tập đoàn AEON nhất trí tổ chức tuần hàng Việt Nam tại tất cả các điểm siêu thị bán lẻ của AEON trên toàn nước Nhật (so với 1 địa điểm như trước đây), qua đó hỗ trợ đưa các sản phẩm nông sản thương mại của Hà Nội vào hệ thống phân phối của Tập đoàn AEON tại Nhật Bản.
Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Tin tài trợ